Thứ Sáu, 29/03/2024 22:39:52 GMT+7

Tin đăng lúc 02-02-2019

Lượt xem: 5598

Quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản địa phương

Nhắc đến Hà Giang, không ít người tiêu dùng nghĩ ngay đến những sản phẩm đặc trưng của vùng cao nguyên đá Ðồng Văn, như cam sành, chè shan tuyết, mật ong bạc hà... Nhưng để cạnh tranh được với các sản phẩm hàng hóa cùng chủng loại trên thị trường lại đang là vấn đề hết sức khó khăn của những đặc sản này.
Quảng bá, phát triển thương hiệu nông sản địa phương
Khách tham quan mô hình nuôi ong lấy mật tại thôn Há Bua Ða, xã Thài Phìn Tủng, huyện Ðồng Văn.

Thời gian qua Sở Công thương tỉnh Hà Giang đã chủ động lồng ghép quảng bá giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương tại các hội nghị xúc tiến thương mại trong và ngoài nước, như hội nghị xúc tiến kết nối quảng bá sản phẩm tại TP Hà Nội, hay tại triển lãm bên lề Tuần lễ cấp cao APEC ở TP Ðà Nẵng năm 2017.

 

Mặt khác, để hỗ trợ một số doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất, kinh doanh bảo vệ nhãn hiệu các sản phẩm có thế mạnh, như chè, cam, mật ong... sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận chỉ dẫn địa lý, Sở tham mưu UBND tỉnh triển khai ứng dụng tem điện tử truy xuất nguồn gốc trên thiết bị di động bằng mã QR-code. Thông qua đó, người tiêu dùng biết sản phẩm được sản xuất theo quy trình như thế nào, do đơn vị nào cung cấp, đồng thời phân biệt được sản phẩm đặc trưng của địa phương so với các sản phẩm, hàng hóa cùng chủng loại trên thị trường.

 

Ngoài ra, Chương trình khuyến công của tỉnh giai đoạn 2014 - 2018 còn dành kinh phí hơn 11 tỷ đồng hỗ trợ các địa phương triển khai xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp... Trong đó, gần 450 triệu đồng hỗ trợ xây dựng và đăng ký thương hiệu cho chín sản phẩm và tư vấn thiết kế nhãn mác bao bì cho 14 sản phẩm khác. Qua đó giúp các sản phẩm tiêu biểu của địa phương từng bước "có danh có phận" trên thị trường.

 

Mặc dù việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, hàng hóa đặc trưng có thế mạnh của tỉnh Hà Giang đạt hiệu quả bước đầu, nhưng so với tiềm năng và thế mạnh của địa phương vẫn còn rất thiếu và yếu. Nguyên nhân một phần do Hà Giang là tỉnh miền núi biên giới phía bắc, địa hình bị chia cắt mạnh vì hệ thống sông suối tương đối dày đặc, cho nên việc phát triển sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản khó khăn. Trong khi đó, các đề án hỗ trợ xây dựng đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu cho các tỉnh miền núi nói chung, Hà Giang nói riêng còn chậm. Công tác bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa cho các cơ sở công nghiệp nông thôn chưa được các cơ quan chức năng thật sự quan tâm. Thời gian cấp chứng nhận thường kéo dài, dẫn đến các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia ít. Nhiều hộ sản xuất do không tìm được thị trường, sản phẩm hàng hóa làm ra tiêu thụ chậm, chủ yếu "tự sản tự tiêu" cho nên không mặn mà với nhãn hiệu hàng hóa.

 

Để người tiêu dùng biết nhiều hơn đến nông sản địa phương, Sở Công thương tỉnh Hà Giang cho biết, sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ xây dựng thương hiệu, gắn tính bền vững của thương hiệu vào doanh nghiệp nhằm giành được sự ủng hộ về tình cảm của khách hàng một cách tự nguyện. Ðồng thời tích cực tuyên truyền nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp và người dân về tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu; tổ chức phổ biến, hướng dẫn cách thức xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp, người dân một cách bài bản, khoa học.

 

Ðối với doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hàng hóa có thế mạnh của tỉnh, nghiên cứu nâng mức hỗ trợ về tài chính trong Chương trình xây dựng, quảng bá thương hiệu có quy mô và lâu dài. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa, xử lý nghiêm các trường hợp gian lận thương mại, nhãn mác bao bì sản phẩm, bảo đảm cạnh tranh lành mạnh giữa các sản phẩm, bảo vệ người tiêu dùng và nhà sản xuất chân chính.

 

Theo báo Nhân dân


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang