Thứ Bẩy, 20/04/2024 15:21:21 GMT+7

Tin đăng lúc 03-10-2021

Lượt xem: 951

Phục hồi kinh tế: “Đòn bẩy” từ FDI

Ở bối cảnh hiện tại, thu hút FDI có chọn lọc và bền vững được coi là một trong những đòn bẩy quan trọng góp phần tạo ra động lực phục hồi cho nền kinh tế.
Phục hồi kinh tế: “Đòn bẩy” từ FDI
Ở bối cảnh hiện tại, thu hút FDI có chọn lọc và bền vững được coi là một trong những đòn bẩy quan trọng góp phần tạo ra động lực phục hồi cho nền kinh tế.

Hiện đã xuất hiện làn sóng dịch chuyển đầu tư trên thế giới, trong đó Việt Nam nổi lên là điểm đến tin cậy. Đến nay, nhiều dấu hiệu cho thấy, các nhà đầu tư truyền thống như Nhật Bản, Hàn Quốc, các nhà đầu tư lớn của Mỹ, châu Âu đang quan tâm đến thị trường Việt Nam.

 

Không phải ngẫu nhiên mà hơn 30.000 dự án FDI đã chọn Việt Nam làm nơi đặt trụ sở, với tổng vốn đăng ký đạt khoảng 362 tỷ USD. Vì những lợi thế mà Việt Nam đang có nên cả nước ta lẫn doanh nghiệp nước ngoài đều đảm bảo được “lợi ích thì hài hòa”.

 

Lợi ích mà Việt Nam mang đến cho doanh nghiệp FDI xuất phát từ chính con người, đó là nguồn lao động dồi dào, giá rẻ, đang ngày càng được đào tạo chất lượng.

 

Đó là cơ sở hạ tầng tiên tiến, đang dần hoàn thiện. Đó là cơ chế chính sách thông thoáng, giảm bớt thủ tục hành chính rườm rà, hỗ trợ các khoản thuế, giúp doanh nghiệp gỡ bỏ bớt gánh nặng khi đầu tư tại Việt Nam.

 

Hơn nữa, Việt Nam là một đất nước có chính trị ổn định. Đặc biệt, kể từ sau khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN, thành viên không thường trực của Liên Hợp quốc, ký kết thành công EVFTA và IPA thì vị thế của Việt Nam ngày càng lớn. Cánh cửa hợp tác, phát triển kinh doanh sản xuất tại Việt Nam gần như mở toang, với 99% thuế hải quan giữa EU và Việt Nam được gỡ bỏ.

 

Bên cạnh đó, Việt Nam là nơi đang đón nhận làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng tòa cầu, sau Google chọn Bắc Ninh để đầu tư sản xuất Pixel thì  Amazon và Home Depot cũng đang tăng cường tìm nguồn cung ứng. Apple cũng quyết định di dời một phần hoạt động sản xuất sang Việt Nam. 

 

Chẳng hạn, từng là tâm dịch cả nước, nhưng thu hút vốn đầu tư nước ngoài của tỉnh Bắc Giang 6 tháng đầu năm đạt khoảng 760 triệu USD, nhiều khu công nghiệp được lấp đầy. Tỉnh Bắc Giang đang xây dựng thêm nhiều khu công nghiệp mới để đón các nhà đầu tư lớn.

 

Theo một số chuyên gia, thực tế của tỉnh Bắc Giang là một minh chứng cho thấy, các cấp chính quyền, người dân ở những tỉnh bùng phát COVID-19 luôn nỗ lực để khống chế dịch nhanh nhất và ngay lập tức sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, thuận lợi nhất, lót ổ để nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được tăng tốc phát triển trở lại.

 

Phải nói rằng, dịch bệnh diễn biến phức tạp là điều không ai mong muốn cả. Nó đã gây ra biết bao nhiêu mất mát, đau thương cho người dân Việt Nam. Doanh nghiệp nước ngoài cũng không tránh khỏi áp lực, khó khăn, từ việc trả lương nhân công, chi phí vận hành cơ sở sản xuất, kinh doanh, kinh phí test COVID-19 cho công nhân… Đó gần như là khó khăn chung, là rủi ro mà hầu như doanh nghiệp nào cũng gặp phải.

 

Minh chứng sinh động nhất đó là, trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu hiện nay, trong khi cả nước đang gồng mình chống dịch, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn dành sự quan tâm đặc biệt đến các nhà đầu tư, đến môi trường đầu tư, chú trọng cải thiện, kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch.

 

Hồi đầu tháng 9 vừa qua, chỉ trong vòng 1 tuần, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có 3 cuộc gặp với các đại sứ, đại diện doanh nghiệp, đại diện các tổ chức có nhiều đầu tư tại Việt Nam. Thủ tướng khẳng định luôn ủng hộ và đồng hành cùng các nhà đầu tư.

 

Cũng tại đây, Thủ tướng đã lắng nghe các kiến nghị của các nhà đầu tư, giao cho các bộ, ngành, các địa phương xem xét giải quyết các khó khăn, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư để họ yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam. 

 

Thực tế, đã rất nhiều doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, EU và Hoa Kỳ nhìn thấy được nỗ lực của Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và họ cũng chia sẻ với quan điểm “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ” của Thủ tướng. Họ khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành, chung tay cùng chính phủ Việt Nam chống dịch, tạo ra sự an toàn để sớm phục hồi sản xuất, kinh doanh.

 

Khi nền kinh tế đã và đang tiếp tục bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID -19, điều cần nhất giữa Chính phủ Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp FDI lúc này chính là sự thông cảm, hỗ trợ, chia sẻ lẫn nhau và nỗ lực hết sức cùng nhau vượt qua.

 

Và thông điệp “lợi ích thì hài hòa, rủi ro thì chia sẻ” mà Thủ tướng Phạm Minh Chính đã phát đi chính là lời hiệu triệu mong muốn doanh nghiệp nước ngoài sát cánh đồng hành cùng Việt Nam, thể hiện vai trò của mình nhiều hơn trong cuộc chiến với dịch COVID-19, hồi phục kinh tế

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang