Thứ Tư, 24/04/2024 03:42:07 GMT+7

Tin đăng lúc 28-03-2015

Lượt xem: 5226

Phú Yên: Nhiều tiện ích khi ứng dụng công nghệ vệ sinh hotline

Công ty Truyền tải điện Phú Yên vừa ứng dụng công nghệ vệ sinh hotline (vệ sinh khi đường dây vẫn mang điện) trên lưới điện 220KV thuộc khu vực mỏ đá An Phú (Tp.Tuy Hòa). Với công nghệ này, công nhân ngành điện có thể vệ sinh đường dây cao áp mà không phải cắt điện; đồng thời chủ động xử lý nhiễm bẩn cách điện, đảm bảo an toàn cho người làm việc.
Phú Yên: Nhiều tiện ích khi ứng dụng công nghệ vệ sinh hotline

Trước đây, mỗi khi đường dây bị nhiễm bẩn, ngành điện phải tính toán các phương án cắt điện ở một số khu vực, để công nhân leo lên các trạm điện vệ sinh từng bát sứ, trụ điện. Những công đoạn này được làm hoàn toàn bằng phương thức thủ công, mất rất nhiều thời gian và không an toàn cho người lao động.

 

Vệ sinh trực tiếp trên đường dây

 

Bình quân, để vệ sinh 1 trụ điện 3 pha phải mất từ 2 - 3 giờ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc vận hành hệ thống. Trong quá trình vệ sinh, công nhân phải trực tiếp leo vắt vẻo lên trụ điện cao từ 34 - 74m để lau từng bát sứ. Mỗi đợt vệ sinh kéo dài nhiều ngày, nên ngành điện phải huy động rất nhiều nhân lực thực hiện. Áp lực về thời gian cắt điện yêu cầu người lao động phải làm việc thật nhanh cũng ảnh hưởng đến an toàn lao động.

 

Không những vậy, với phương thức vệ sinh bằng tay, công nhân chỉ có thể giải quyết những vị trí nhiễm bẩn chưa đến mức báo động. Riêng những vị trí nhiễm bẩn nặng, không thể cắt điện được có thể gây nguy hiểm cho người làm việc.

 

Hiện nay, với công nghệ vệ sinh hotline, công nhân có thể làm vệ sinh trực tiếp trên đường dây mà không phải cắt điện. Công nhân sẽ leo lên trụ điện, sử dụng vòi nước với áp lực cao chứa trong xe bồn phun thẳng lên sứ cách điện, lần lượt làm sạch mọi ngõ ngách của trụ điện, bát sứ.

 

Với công nghệ này, ngoài 4 chỉ tiêu phải bảo đảm an toàn cho con người như dòng điện rò, điện áp cao, điện từ trường và làm việc trên cao, nguồn nước dùng để vệ sinh lưới điện phải được khử ion bằng công nghệ mới, để nước không còn khả năng dẫn điện. Nước cách điện (nước đã qua xử lý ion) được chứa trong bồn sạch bằng nhựa hoặc inox với một lượng vừa đủ vệ sinh trong ngày cho một nhóm công tác. Trên bồn nước có gắn thiết bị giám sát online cách điện của nước. Bồn nước này được bố trí cùng với thiết bị động lực và hệ thống xử lý nước trên 1 xe tải để tiện cơ động. Công nhân chỉ cần leo lên trụ điện, gần vị trí bát sứ, cầm theo vòi nước phun, xịt vào từng điểm bị nhiễm bẩn. Nước được bắn lên theo vòi nước với áp lực cao 70 -100kg/cm2 rửa sạch bụi bẩn trong khoảng thời gian từ 15 - 30 giây.

 

An toàn, liên tục và hiệu quả hơn

 

Ông Tô Đình Trung, Phó Giám đốc Công ty Truyền tải điện Phú Yên, cho biết chi phí đầu tư cho 1 hệ thống vệ sinh hotline khoảng 500 triệu đồng. Giải pháp này có nhiều ưu điểm như rút ngắn thời gian làm việc, xử lý được cách điện nhiễm bẩn, giảm phóng điện, tránh sự cố và không để hệ thống bị gián đoạn. Tuy nhiên, hiện công ty chỉ sử dụng phương pháp vệ sinh này ở một số khu vực địa bàn hiểm trở, khó thao tác vệ sinh thủ công, khu vực thường xuyên bị nhiễm bẩn với tần suất cao.

Đề tài khoa học “Vệ sinh cách điện lưới truyền tải đang mang điện bằng nước áp lực cao” do anh Nguyễn Văn Xuân và Nguyễn Trí Dũng, Công ty Truyền tải điện 3, nghiên cứu đã đạt giải Nhì cuộc thi Sáng tạo KHCN Việt Nam VIFOTEC năm 2011; được trao Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

 

Theo ông Trung, thông thường mỗi năm, công ty chỉ vệ sinh đường dây cao áp từ 2 đến 3 lần. Riêng tại một số khu vực có độ nhiễm bẩn cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho hệthống điện quốc gia thì mỗi tháng, đơn vị phải làm vệ sinh 1 lần. Việc vệ sinh này tốn rất nhiều thời gian, nhân lực, đặc biệt là khó khăn trong việc sắp xếp lịch cắt điện phù hợp mà không ảnh hưởng nhiều đến lưới điện.

 

Theo tính toán, nếu như trước kia muốn làm vệ sinh 1 cột đỡ có 4 chuỗi cách điện, 2 công nhân làm việc phải mất 2 giờ với chi phí khoảng 693.000 đồng/cột; nay chỉ mất 20 phút (kể cả thời gian bố trí thiết bị và vận hành) với tổng kinh phí khoảng 291.000 đồng/cột. Phương pháp hotline tiết giảm được 58% chi phí so với phương pháp vệ sinh thủ công kiểu cũ. Điều quan trọng là vẫn bảo đảm vận hành lưu thông dòng điện mà không phải cắt điện như trước. Nhờ vậy, việc truyền tải điện được bảo đảm an toàn, liên tục và hiệu quả hơn.

 

Theo Thoibaokinhdoanh.vn


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang