Thứ Năm, 25/04/2024 18:44:01 GMT+7

Tin đăng lúc 11-01-2023

Lượt xem: 753

Phòng ngừa các bệnh thường gặp trong dịp Tết Nguyên đán

Thói quen ăn uống, sinh hoạt không điều độ ngày Tết Nguyên đán sẽ gây hại cho sức khỏe. Bác sĩ khuyến cáo cần cân bằng dinh dưỡng, kết hợp với tập luyện thể thao để có sức khoẻ tốt.
Phòng ngừa các bệnh thường gặp trong dịp Tết Nguyên đán

Ngộ độc thực phẩm

 

Theo bác sĩ Tiến Đạt – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, ngộ độc thực phẩm là tình trạng người bệnh gặp phải trong trường hợp tiêu thụ nhầm các loại thức ăn hay nước uống đã bị nhiễm độc, nhiễm khuẩn, bị ôi thiu, chứa chất bảo quản, chất phụ gia…

 

Các triệu chứng điển hình của ngộ độc thực phẩm như đau bụng, chóng mặt, buồn nôn, tiêu chảy, sốt, chán ăn, mệt mỏi, mất nước… Tình trạng này có thể xuất hiện sau khoảng vài phút, vài giờ hoặc từ 1 đến 2 ngày sau khi tiêu thụ thức ăn có hại.

 

Để phòng tránh bệnh này, bác sĩ Đạt khuyên nên lựa chọn những loại thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, bảo quản thực phẩm ở nhiệt độ phù hợp. Đặc biệt, không để thực phẩm quá lâu, như vậy sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dinh dưỡng của thức ăn.

 

Đối với những người bị ngộ độc thực phẩm cần tới gặp bác sĩ để xác định nguyên nhân và có những cách chữa trị phù hợp. 

 

Ngộ độc rượu

 

Bác sĩ Đạt cho biết, thời điểm cận Tết và trong Tết bệnh nhân nhập viện do tình trạng ngộ độc rượu tăng cao. Ngày Tết là dịp để mọi người ăn uống, vui chơi nên việc sử dụng rượu bia là điều không tránh khỏi.

 

Ngộ độc rượu vô cùng nguy hiểm, xảy ra khi uống quá nhiều rượu trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu có độc chất methanol dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Biểu hiện của ngộ độc rượu là bụng đau dữ dội, đau đầu, chóng mặt, hạ thân nhiệt, nôn, khó thở, nhịp tim không đều… thậm chí dẫn tới tử vong.

 

Khi phát hiện các triệu chứng như trên, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và chữa trị kịp thời, tránh các biến chứng nặng xảy ra.

 

Rối loạn tiêu hoá

 

Bệnh rối loạn tiêu hoá xuất phát từ vi khuẩn trong thức ăn. Nguyên nhân phổ biến nhất là do thói quen ăn uống không lành mạnh như ăn đồ tái sống hoặc đồ lạnh, ăn nhiều tinh bột gây đầy hơi, uống nhiều nước ngọt có ga, ăn quá nhiều đồ ngọt… Điều này gây mất cân bằng hệ vi sinh vật ở đường ruột ảnh hưởng xấu tới hệ tiêu hoá. 

 

“Để phòng ngừa bệnh này cần có chế độ ăn và bảo quản thức ăn phù hợp. Thực đơn trong các ngày Tết phải chú ý đến việc bổ sung thêm các loại rau và hoa quả tươi nhằm phòng ngừa một số bệnh đường ruột” - bác sĩ Đạt đưa ra lời khuyên 

 

Tăng nguy cơ tái phát hoặc trở nặng các bệnh mãn tính

 

Những ngày Tết thói quen sinh hoạt của mọi người bị đảo lộn, điều này tăng nguy cơ tái phát hoặc trở nặng những bệnh nền sẵn có như tăng huyết áp, đái tháo đường…

 

“Những căn bệnh này chịu rất nhiều sự ảnh hưởng từ chế độ ăn uống và sinh hoạt. Việc sử dụng nhiều loại thực phẩm dầu mỡ, đồ ngọt, rượu bia, chất kích thích… là nguyên nhân khiến người bệnh khó khăn trong việc kiểm soát bệnh” - bác sĩ Đạt nói.

 

Để đảm bảo sức khỏe ngày Tết, cần duy trì nếp sống khoa học. Hạn chế sử dụng rượu bia, ăn đủ bữa, đúng giờ, không ăn quá no trong một bữa ăn. Sử dụng nhóm thực phẩm giàu chất xơ, hạn chế đường.

 

Đối với những người mắc các bệnh mãn tính đặc biệt lưu ý dùng thuốc đúng giờ, kiểm tra huyết áp và đường máu thường xuyên.

 

Dù Tết nhưng vẫn dành ra 30 – 45 phút mỗi ngày để rèn luyện thể thao.

 

Theo Lao động


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang