Thứ Sáu, 29/03/2024 15:41:20 GMT+7

Tin đăng lúc 20-01-2018

Lượt xem: 7032

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự Phiên toàn thể Vấn đề Kinh tế-Thương mại APPF-26

Chiều 19/1, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới tham dự và phát biểu tại Phiên toàn thể các Vấn đề Kinh tế và Thương mại trong khuôn khổ Hội nghị thường niên lần thứ 26 của Diễn đàn hợp tác Nghị viện châu Á-Thái Bình Dương (APPF-26).
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tham dự Phiên toàn thể Vấn đề Kinh tế-Thương mại APPF-26
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị

Trong bài phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng dưới sự tác động mạnh mẽ của khoa học, công nghệ và Cách mạng công nghiệp 4.0, hợp tác liên kết giữa các nền kinh tế trong khu vực càng phải sâu sắc hơn, xử lý hiệu quả hơn những cản trở thương mại và đầu tư vì sự phát triển bền vững.

 

Việc tìm kiếm các động lực tăng trưởng trên diện rộng và dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo, phát triển bao trùm đòi hỏi các nước cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn, phải tăng cường trao đổi kinh nghiệm và bảo đảm sự đồng thuận, hài hòa. Trong đó, những lĩnh vực mới như chuỗi giá trị, kết nối, cạnh tranh, thương mại điện tử sẽ mang lại lợi ích lớn hơn từ liên kết hợp tác kinh tế khu vực.

 

Phó Thủ tướng cho rằng cần có những hành động thiết thực nhằm cải thiện kết nối, như những sáng kiến của APEC, ASEAN tập trung vào 3 trọng tâm: Hạ tầng, con người và thể chế, mà trong đó Nghị viện đóng vai trò quan trọng là cơ quan lập pháp tại mỗi quốc gia. Diễn đàn sẽ chú trọng tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong khu vực trên cơ sở học hỏi lẫn nhau, nhất là về các mô hình hiệu quả và trao đổi, chia sẻ trong hoạch định chính sách.

 

Phát triển nông nghiệp bền vững, bảo đảm an ninh lương thực

 

Đề cập tới việc thiên tai, bão lũ liên tiếp, bất thường năm 2017 đã gây thiệt hại cho Việt Nam gần 3 tỷ USD, Phó Thủ tướng cho rằng phát triển nông nghiệp bền vững và bảo đảm an ninh lương thực có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cả tầm quốc gia, khu vực và toàn cầu.

 

“Chúng ta cần một khung khổ hợp tác bao quát với các trụ cột như trong Kế hoạch hành động về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu 2018-2025 được Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao - Tài chính APEC thông qua tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017, bao gồm: Chính sách và hỗ trợ kỹ thuật nhằm tăng năng suất và thu nhập bền vững trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản; Cải thiện khả năng thích ứng và khả năng chống chịu đối với biến đổi khí hậu; Hành động nhanh hơn, mạnh mẽ hơn để giảm thiểu quy mô, giảm thiểu tác động của phát thải khí nhà kính trong điều kiện cho phép”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững do Quốc hội và Chính phủ Việt Nam tổ chức thực hiện đã và đang đạt được những kết quả rất đáng tự hào: Gần 40% số xã trong toàn quốc đã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới, tỷ lệ giảm nghèo giảm nhanh, bình quân 1,5- 2% mỗi năm, riêng các huyện nghèo giảm 4%/năm, đến 2017 chỉ còn khoảng 8% hộ nghèo theo tiêu chuẩn tiếp cận đa chiều.

 

Phó Thủ tướng tin tưởng, Diễn đàn có thêm tiếng nói quyết định để ủng hộ, nâng tầm Kế hoạch hành động APEC 2017 nói trên, vì tương lai phát triển và lợi ích chung của khu vực.


 

Hoạt động kinh tế “xanh”- định hướng phát triển

 

Đề cập tới sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trong khu vực, trong đó ở Việt Nam chiếm đến 97%, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, yêu cầu phát triển bền vững đòi hỏi các doanh nghiệp này vừa phải nỗ lực cải thiện khả năng cạnh tranh, vừa phải thân thiện với môi trường, nhận thức tốt hơn về lợi ích từ hoạt động kinh tế “xanh” để định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ phù hợp, tránh rủi ro tiềm ẩn.

 

Đây là yêu cầu rất quan trọng nhưng cũng là thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực của chính doanh nghiệp và những thay đổi cần thiết trong thể chế và quản trị quốc gia. Các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa cần được đào tạo các kỹ năng cần thiết, có tư duy mới về cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ mới, số hóa và phát triển những hướng kinh doanh mới như thương mại điện tử, cả trong phạm vi quốc gia và xuyên quốc gia.

 

Các doanh nghiệp này cần được hỗ trợ phù hợp để tuân thủ và đáp ứng tốt hơn các chuẩn mực quốc gia và quốc tế, đặc biệt cần có chiến lược và giải pháp cụ thể tham gia vào các mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu.

 

“Ở tầm vĩ mô, chúng ta cần tăng cường đối thoại, trao đổi, hợp tác để các chuẩn mực quốc tế, trong đó có quản trị, công nghệ và môi trường, trở thành động lực chứ không phải rào cản đối với sự phát triển”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Năm 2017, năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam tăng 5 bậc, đứng thứ 55/137 nước (theo WEF), chỉ số môi trường kinh doanh tăng 14 bậc, xếp hạng 68/190 quốc gia (theo WB) và chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam tăng 12 bậc lên vị trí 47/127 nền kinh tế. Năm 2017, Việt Nam có 127.000 doanh nghiệp thành lập mới và hướng tới mục tiêu có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động hiệu quả vào năm 2020.

 

Hành động chung vì tương lai khu vực

 

Để hóa giải những thách thức, biến cơ hội, tiềm năng thành lợi thế, hiện thực, Phó Thủ tướng hy vọng các quốc gia phải nhận thức rõ rằng, khác biệt về góc nhìn không phải là trở ngại mà chính là cơ hội để tăng cường đối thoại, củng cố hợp tác, hành động chung vì tương lai của khu vực.

 

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ mong muốn và tin tưởng rằng, tại Diễn đàn quan trọng này, các đại biểu, đại diện các Nghị viện và từng nghị sỹ, những người lập pháp, đại diện cho quyền và lợi ích của người dân, doanh nghiệp, cùng chia sẻ quan điểm, kinh nghiệm thực tiễn và đưa ra những giải pháp hữu hiệu để chung tay giải quyết những khó khăn, thách thức, vượt qua những khác biệt, hướng đến sự phát triển thịnh vượng, bền vững của khu vực và toàn cầu.

 

Phó Thủ tướng cũng thay mặt Chính phủ Việt Nam trân trọng cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ, giúp đỡ quý báu của các tổ chức quốc tế, các nước, đặc biệt là Diễn đàn APPF đối với Việt Nam thời gian qua và mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ và ủng hộ của các bạn trong thời gian tới.

 

Các vấn đề trọng tâm của Phiên thảo luận toàn thể hôm nay về chủ đề kinh tế và thương mại, bao gồm: Vai trò của Nghị viện thúc đẩy liên kết kinh tế sâu rộng và toàn diện; an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững; hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số.

 

Nguồn Chinhphu


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang