Thứ Bẩy, 20/04/2024 20:52:07 GMT+7

Tin đăng lúc 29-08-2016

Lượt xem: 6789

Phố Hiến xưa, nay còn đâu?

Về với phố Hiến - Thương cảng quốc tế lừng danh vào thế kỷ 16-17 của xứ Đàng Ngoài - nay thuộc TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên, hẳn du khách và những người yêu mảnh đất này sẽ có dịp được đắm mình trong một không gian xưa, tĩnh lặng, nhưng vô cùng thi vị. Còn, phố Hiến giờ đây đã “chuyển mình” mạnh mẽ, mang một diện mạo mới để rồi sự êm ả của phố Hiến xưa đã bị đẩy lùi.
Phố Hiến xưa, nay còn đâu?
Văn Miếu - Xích Đằng (Phố Hiến)

Phố Hiến xưa một thủa vàng son

 

Chưa rõ thương cảng phố Hiến hình thành từ khi nào, nhưng từ thế kỷ 16-17 thời vua Lê, chúa Trịnh, phố Hiến đã là chốn phồn hoa đô hội - một tiểu Tràng An của Đàng Ngoài, nức danh với câu “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến”. Phố Hiến chỉ đứng sau kinh kỳ - Kẻ Chợ về sự sầm uất, phú quý.

Phố Hiến xưa hiện nằm trong khu vực đường phố Hiến, phía nam TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên ngày nay. Nơi đây vốn đặt bản doanh của ty Hiến Nam, trấn Sơn Nam (vì nằm bên ngã ba sông Hồng gặp sông Luộc). Từ đây có thể xuôi theo sông Hồng ra biển, hoặc ngược sông Hồng lên Thăng Long, theo sông Luộc ra biển Đông Bắc, hoặc theo sông Châu sang sông Đáy đến Ninh Bình, Thanh Hóa. Do lo sợ thương nhân nước ngoài làm gián điệp, nên các chúa Trịnh cấm họ tới Thăng Long buôn bán, đặt ty giám sát tại Hiến Nam, sau gọi tắt là phố Hiến (cũng là vọng gác tiền tiêu của kinh thành). Người Trung Quốc, người Nhật, người Hà Lan, Bồ Đào Nha… đến lập thương điểm, phố phường, xưởng sản xuất. Thế kỷ 16, nền sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp khá phát triển, cùng với việc chúa Trịnh cho thương nhân vào phố Hiến buôn bán để mua vũ khí đạn dược, nhằm chống lại chúa Nguyễn, phố Hiến trở nên thịnh vượng, là đầu mối giao lưu hàng hóa trong và ngoài nước. Nhưng do sa bồi, sông Hồng lùi xa, nay chỉ còn bạt ngàn những bãi ngô, nương dâu, phủ lên đó là một mầu xanh biếc. Vị trí thương cảng quốc tế của phố Hiến nhường lại cho Hải Phòng.

 

Ai đã từng đến với Hội An (Quảng Nam) để rồi say mê điểm đến này, khi thăm lại phố Hiến sẽ có cảm giác hụt hẫng, vì thương cảng lẫy lừng một thời giờ đâu còn nữa. Thời chống Pháp 1946-1954, vùng thị xã nhãn lồng tiêu thổ kháng chiến, khi hòa bình những di tích còn lại, không chỉ bị sử dụng sai mục đích, bị “lãng quên” từ con người, rồi cả sự tàn phá của thời gian… nên phố Hiến đã tàn tạ, xuống cấp nghiêm trọng, phố xá, thương điểm không còn dấu tích. Nét vàng son một thời giờ chỉ đọng lại ở vài di tích mà thôi.

 

Trung tâm phố Hiến được xác định là vùng có thương điểm của nước ngoài, có bến cảng thuộc khu Dốc Đá ngày nay. Đi hết đường Trưng Trắc lên dốc ngắn là tới đường phố Hiến - Trung tâm phố Hiến xưa. Rồi, chỉ vẻn vẹn Đông Đô Quảng hội - hội quán của người Hoa Lưỡng Quảng xưa, nay đã được “thay hình đổi dạng”. Còn đâu phố xá dọc ngang ô bàn cờ như Hội An, hay lấp ló như khu 36 phố phường Hà Nội. Hấp dẫn nhất có lẽ là chùa Hiến, không phải do các pho tượng phật hay lối kiến trúc độc đáo, tinh xảo, mà bởi nơi đây vẫn còn nguyên đó cây nhãn lồng tổ - tương truyền cây nhãn tổ cùng tuổi với phố Hiến. Quả của cây nhãn tổ trước đây được dùng tiến vua. Năm 1968, một trận bão lớn làm bật gốc cây nhãn tổ. May thay còn nhánh con vươn lên, phát triển tốt có những năm cho thu hoạch 3-4 tạ quả, đặc biệt nhãn tổ có cùi dầy, vỏ mọng, hạt nhỏ, mang vị ngọt, thơm mát. Nhiều cây nhãn của Hưng Yên được chiết cành hoặc ươm hạt từ cây nhãn tổ này.  

 

Phát triển nhưng phải lưu giữ được hồn xưa

 

Cùng thời bấy giờ với phố Hiến, Đàng Trong của chúa Nguyễn có Hội An - thương cảng quốc tế tấp nập thuyền buôn Đông, Tây. Thì giờ đây, Hội An vẫn còn nguyên đó dấu ấn xưa từ kiến trúc phố xá đến đền chùa, miếu thờ…, còn ở phố Hiến dường như tất cả đã lùi vào dĩ vãng.

 

Về phố Hiến lúc này mới thấy sự đổi thay “chóng mặt”, với các khối nhà cao tầng là những khu hành chính mới của tỉnh, của thành phố lần lượt mọc lên và được bố trí tọa lạc ở những vị trí đắc địa, là quảng trường được thiết kế theo phong cách hiện đại đặt ở trung tâm thành phố. Những tuyến đường trung tâm như Điện Biên, Trưng Trắc xưa vẫn tĩnh lặng là vậy, với đường phố hẹp dưới rặng nhãn lồng, nay thay vào đó là những dãy phố thương mại sầm uất..., thôi thì đủ loại mặt hàng được trưng bày bán, mua ở đây, đường sá được mở rộng, giao thông đi lại thuận tiện hơn.

 

Phố Hiến đã có hơn 10 di tích lịch sử được xếp hạng. Năm 1996, bốn di tích bị xuống cấp trầm trọng, đó là: Văn Miếu Xích Đằng, chùa Chuông, đền Mẫu, chùa Hiến, sau này được Bộ Văn hóa thông tin cấp gần 5 tỷ đồng kinh phí để tôn tạo lại. Một số hạng mục của đền Mây, Võ Miếu, Đông Đô Quảng hội, đền Thiên Hậu, đền Lê Chân cũng đã được trùng tu với kinh phí lên đến gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, trước đây, không thể kiên trì đợi chờ kinh phí Nhà nước cấp, nhân dân phố Hiến đã tự trùng tu một số di tích. Song, vì làm tùy tiện không có cơ quan chuyên môn hướng dẫn nên những di tích này đã được người dân “cách tân” theo phong cách “hiện đại”. Đền Trần Hưng Đạo đại vương cùng gia quyến trước Nguyệt hồ - bao năm bị tây chiếm đóng, hoà bình lập lại bị biến thành nơi hội họp nên xuống cấp và mất mát nhiều cổ vật, nay lấp loáng nền đá hoa, đồ tế tự thì mới tinh...

 

Vẫn biết rằng, Hưng Yên đã, đang có dự án phục dựng lại vài chục ngôi nhà,  thương điểm khu vực phố Hiến, nhằm làm sống lại hồn xưa, nhưng xem ra tiến độ triển khai vẫn ì ạch lắm. Trong khi Hội An vẫn còn nguyên đó gần như toàn bộ kiến trúc phố xá, đền chùa, miếu thờ tự thời xa xưa, thì ở phố Hiến dường như đã rơi vào quá khứ. Phải chăng, với Hội An phần lớn di tích là nhà dân và việc tôn tạo, bảo vệ trở thành nhu cầu máu thịt, khác với di tích phố Hiến trước đây - cha chung không ai khóc?

 

Hơn ba mươi năm sáp nhập với Hải Dương, phố Hiến - nổi tiếng nhãn lồng, sau khi tái lập tỉnh, Hưng Yên đã có nhiều khởi sắc. Ấn tượng nhất là từ thị xã đã vươn lên, trở thành TP. Hưng Yên ngày nay, nhưng vẫn nghèo và buồn. Có chăng, đó cũng là cơ may của phố Hiến khi rải rác những mảnh vàng son còn được níu giữ lại, bởi sau ngày trở thành thủ phủ tỉnh Hưng Yên thì lớp nhà kính chóp nhọn đua nhau mọc lên.

 

Nghiêm Liên


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang