Thứ Bẩy, 20/04/2024 11:06:33 GMT+7

Tin đăng lúc 25-06-2019

Lượt xem: 1443

Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là nhiệm vụ cấp bách

Tại Hội nghị phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ sáng nay (25/6), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là nhiệm vụ cấp bách.
Phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là nhiệm vụ cấp bách
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là vùng chiến lược đặc biệt quan trọng, phát triển vùng kinh tế này là nhiệm vụ cấp bách (Ảnh: VGP)

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là vùng chiến lược đặc biệt quan trọng, phát triển vùng kinh tế này là nhiệm vụ cấp bách. Đây là vùng kinh tế có nhiều điều kiện thuận lợi hơn các vùng khác, hạ tầng giao thông hơn hẳn so với các vùng khác, có nhiều bước chuyển biến rất quan trọng, góp phần tăng cường thúc đẩy liên kết các địa phương trong vùng và các địa phương lân cận tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội. Đặc biệt, Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh tạo thành tam giác phát triển và là đầu mối kết nối vùng kinh tế trọng điểm với các vùng kinh tế trong nước, khu vực và thế giới.

 

Thủ tướng đã nêu rõ quan điểm phát triển vùng là phát triển mang tính hữu cơ, liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng thành một hệ thống thống nhất, không được mang tính chủ quan, áp đặt, hay là con số cộng của sự phát triển các tỉnh, thành phố thuộc vùng. Phải có cơ chế điều phối hoạt động của vùng đủ mạnh, không bị ràng buộc, hay chia cắt bởi địa giới hành chính.

 

Với 7 tỉnh, thành phố, bao gồm Thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ chiếm gần 32% GDP của cả nước và thu nhập bình quân đầu người đạt 4.813 USD năm 2018, gấp 1,86 lần so với mức trung bình cả nước. Quy mô kinh tế của vùng đứng thứ hai sau vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Thời gian qua, vùng kinh tế có dân số hơn 16 triệu người này đã làm được nhiều công trình, dự án quan trọng có tính chất liên vùng: Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Thái Nguyên… sân bay Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, cảng quốc tế Lạch Huyện, cảng Cái Lân. Đây là một hướng đi tất yếu nhằm khai thác thế mạnh từng địa phương để tạo điều kiện, nền tảng phát triển nhanh hơn.

 

 

Kết quả thực hiện phát triển kinh tế giai đoạn 2016 – 2018, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc tăng trưởng nhanh, quy mô kinh tế luôn giữ tỷ trọng cao trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. 

 

Theo Bộ KH - ĐT, kết quả thực hiện phát triển kinh tế giai đoạn 2016 - 2018, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc tăng trưởng nhanh, quy mô kinh tế luôn giữ tỷ trọng cao trong 4 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước. Cơ cấu kinh tế dịch chuyển theo hướng giảm dần tỷ trọng khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp.

 

Tổng thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2018 đều đạt và vượt dự toán các năm, đóng góp lớn vào thu ngân sách của cả nước, sự chênh lệch giữa các địa phương trong vùng có sự rút ngắn đáng kể. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được hoàn thiện, thu hút đầu tư tực tiếp nước ngoài tăng cao; công tác cải cách hành chính, tăng cường năng lực cạnh tranh, nâng cao chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công các địa phương trong vùng chú trọng…

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ KHĐT, chưa có cơ chế, chính sách liên kết giữa các tỉnh, thành phố trong vùng và giữa vùng đối với các vùng khác trong việc hợp tác phát triển kinh tế và giải quyết những vấn đề mang tính liên tỉnh, liên vùng. Liên kết giữa các tỉnh trong khu vực vẫn chỉ theo kiểu tận thu những lợi thế sẵn có, ngắn hạn, mang tính thời vụ.

 

Do đó, bên cạnh giải “bài toán” liên kết vùng, Thủ tướng chỉ đạo hội nghị hôm nay sẽ thảo luận, đánh giá tình hình kinh tế-xã hội của vùng; các vấn đề về môi trường đầu tư, kinh doanh và hạ tầng đô thị, giao thông, phát triển logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển dịch vụ du lịch… trong vùng.

 

“Các đại biểu sẽ tập trung bàn thảo các giải pháp để làm sao khu vực này trở thành một trong các vùng dẫn đầu cả nước về phát triển kinh tế, nòng cốt tiên phong trong thực hiện các đột phá chiến lược, thực hiện tái cấu trúc kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng như mục tiêu đề ra” - Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Hiện nay, cả nước có 4 vùng kinh tế trọng điểm là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Trung Bộ, Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long, với 24 tỉnh, thành phố, chiếm 27,3% diện tích tự nhiên và 27% dân số cả nước, đóng góp 89% GDP đất nước.

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang