Thứ Sáu, 29/03/2024 12:53:16 GMT+7

Tin đăng lúc 20-09-2017

Lượt xem: 2796

“Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn - Cơ hội từ ASEAN”

Đó là chủ đề chính của cuộc Hội thảo do Cục Công Thương địa phương (Bộ Công Thương) vừa tổ chức vào ngày 19/9/2017 tại Hà Nội.
“Phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn - Cơ hội từ ASEAN”
Hội thảo thu hút đông đảo đại biểu, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất CNNT tham dự

 

Hội thảo nhằm cung cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn (CNNT), Trung tâm Khuyến công và nhiều cơ quan hữu quan những nội dung, thông tin hữu ích và cập nhật về thị trường sản phẩm công nghiệp nông thôn trong nước và khu vực hiện nay. Qua đó, bàn thảo và đưa ra nhiều giải pháp để cải thiện, nâng cao sức cạnh tranh cũng như đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại sản phẩm CNNT Việt Nam vào thị trường ASEAN.

 

Có thể nói, ASEAN là một thị trường đầy tiềm năng cho các sản phẩm CNNT Việt Nam. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các sản phẩm CNNT được người tiêu dùng trong nước hưởng ứng, tin dùng vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn, chưa nói tới việc tiếp cận, mở rộng, cũng như xuất khẩu mạnh nhiều mặt hàng này vào khu vực. Bởi vậy, đây là một thách thức đặt ra cần sự nỗ lực, tích cực từ nhiều phía.

 

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Hoàng Chính Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương nhấn mạnh, trong những năm qua, xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm CNNT là mục tiêu quan trọng trong hoạt động khuyến công quốc gia. Hoạt động này đã được chú trọng đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cùng với các nội dung khuyến công trọng điểm, công tác phát triển sản phẩm CNNT đã góp phần đưa hoạt động khuyến công trở thành một trong những điểm sáng của ngành, góp phần đáng kể vào sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Qua đó, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp một cách bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

 

Tuy nhiên, để đẩy mạnh các hoạt động phát triển sản phẩm CNNT, nhằm khai thác, chinh phục thị trường ASEAN, Cục Công Thương địa phương sẽ phải cùng các đơn vị nỗ lực, thúc đẩy hơn nữa các hoạt động khuyến công với cộng đồng doanh nghiệp, cơ sở CNNT trong thời kỳ hội nhập; tiếp tục khuyến khích các cơ sở tăng cường sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh, xây dựng thương hiệu tại các quốc gia ASEAN. Mong rằng, với sự đồng hành của các chính sách khuyến công, các cơ sở CNNT Việt Nam sẽ không bỏ lỡ những cơ hội vàng hiện nay.

 

Ngay sau phần khai mạc, các chuyên gia đến từ Cục, Vụ, Viện, Sở Công Thương, Trung tâm Khuyến công cùng đại diện các cơ sở CNNT đã tham luận, trao đổi ý kiến cũng như đưa ra nhiều cách thức, giải pháp để đẩy mạnh liên kết, hợp tác, đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động khuyến công, phát triển sản phẩm CNNT trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng hiện nay. Theo đó, các ý kiến, tham luận đều hướng tới việc phải tiếp tục khuyến khích các cơ sở CNNT không ngừng đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, chú trọng đầu tư cho chất lượng sản phẩm. Từ đó, nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu, tăng cường quảng bá, xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội tại các quốc gia ASEAN.

 

Ông Lê An Hải - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi cho biết: “ASEAN là khu vực kinh tế có quy mô đáng kể, năng động và ngày càng lớn mạnh trên phạm vi toàn thế giới. Đây là thị trường với 622 triệu người tiêu dùng và tổng GDP khoảng 2,6 nghìn tỷ USD, là nền kinh tế lớn thứ 7 trên thế giới, thứ 3 châu Á và có tiềm năng vô cùng to lớn cho các doanh nghiệp. Đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN tăng trưởng tốt, đạt 120 tỷ USD vào năm 2015. Việt Nam đứng thứ 5 khu vực về tiếp nhận đầu tư. Dự kiến, ASEAN tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững ở tốc độ bình quân 5,4% trong giai đoạn 2015-2018. ASEAN cũng là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Việt Nam, năm 2015 chiếm khoảng 13% thương mại của thế giới với Việt Nam. Doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam được hưởng lợi từ việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường ASEAN vì các hàng hóa này không chịu thuế nhập khẩu hoặc được hưởng mức thuế thấp... Đây thực sự là một mảnh đất màu mỡ cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sản phẩm CNNT Việt Nam tiếp cận và chiếm lĩnh thị trường. Tuy nhiên, một trong những thách thức khi hội nhập khu vực và quốc tế là sự liên kết trong nước của các doanh nghiệp Việt Nam cần sớm được cải thiện...”.

 

Một trong những vấn đề lớn cần quan tâm, đầu tư, phát triển đối với các sản phẩm CNNT Việt Nam mà các doanh nghiệp, cơ sở CNNT cần lưu ý là công tác thiết kế, mẫu mã, kiểu dáng của các sản phẩm khi hội nhập ASEAN.

 

Tại Hội thảo, TS. Đặng Mai Anh - Phó hiệu trưởng Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp cũng như chuyên gia Thủ công mỹ nghệ Vũ Huy Thiều, bà Phạm Thu Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ Công Thương) đều cho rằng, trên con đường hội nhập và phát triển, các sản phẩm CNNT, cần đáp ứng nhu cầu sử dụng một cách linh hoạt, năng động, phù hợp với các điều kiện sống, quan niệm tập tục của người dân. Hơn nữa, sản phẩm cần có giá thành cạnh tranh, tạo sự khác biệt, nâng cao giá trị thẩm mỹ, đáp ứng nhiều tầng lớp sử dụng, đảm bảo chất lượng cao, thể hiện được đặc trưng văn hóa của Việt Nam…

 

Thanh Ba


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang