Thứ Năm, 25/04/2024 19:30:01 GMT+7

Tin đăng lúc 25-05-2019

Lượt xem: 1686

Phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước

Chiều 24-5 tại tỉnh Ninh Thuận, Bộ Công thương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam phối hợp UBND tỉnh Ninh Thuận tổ chức hội thảo khoa học “Phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”.
Phát triển Ninh Thuận trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước
Toàn cảnh hội thảo khoa học “Phát triển Ninh Thuận thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước”

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, với sự chuẩn bị trong quá trình nghiên cứu tiềm năng, lợi thế, Ninh Thuận là địa phương tiên phong chủ động lập quy hoạch phát triển điện mặt trời, trình Bộ Công thương. Đến nay, Ninh Thuận được Bộ Công thương và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận bổ sung vào sơ đồ điện VII 30 dự án điện mặt trời với tổng công suất 1.816,78MW (tương ứng 2.271MWp), tổng vốn đăng ký hơn 50 nghìn tỷ đồng. Toàn tỉnh đã có tám dự án điện gió và điện mặt trời đưa vào vận hành thương mại, trong đó, ba dự án điện gió có tổng công suất 116,925 MW, với sản lượng điện khoảng 900.000 kwh/ngày; năm dự án điện mặt trời đã đưa vào vận hành, tổng công suất 631MWp, với sản lượng điện khoảng 3.382.000 kwh/ngày. Dự kiến, đến cuối năm 2019, sẽ có thêm 13 dự điện mặt trời với tổng công suất 686MWp đưa vào vận hành thương mại; nâng tổng công suất điện mặt trời đưa vào vận hành là 1.317 MWp, góp phần quan trọng vào giải quyết sự thiếu hụt trầm trọng nguồn năng lượng Việt Nam và chính thức trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

 

Theo PGS. TS Bùi Nhật Quang, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, sau khi Quốc hội quyết định dừng việc xây dựng hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận, năng lượng gió và năng lượng mặt trời là nguồn tài nguyên độc đáo mà Ninh Thuận đang hướng đến để từng bước thực hóa mục tiêu trở thành Trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước trong tương lai. Bởi thực tế, Ninh Thuận có lợi thế về lượng gió có tốc độ gió lớn nhất cả nước; cường độ bức xạ nắng rất cao và nắng đều giữa các mùa trong năm, khả năng bốc hơi lớn…do đó việc phát triển năng lượng tái tạo rất thuận lợi.

 

Phó GS.TS Bùi Quang Tuấn (Viện Kinh tế Việt Nam) nhận định, Ninh Thuận có hơn 41 nghìn ha đất hoang mạc, chính điều kiện khắc nghiệt của thời tiết là tiềm năng lợi thế để phát triển năng lượng sạch. Theo quy hoạch, Ninh Thuận có 12 địa điểm phát triển dự án điện gió có trong quy hoạch đến năm 2020 của Bộ Công thương. Tuy nhiên, Ninh Thuận đang gặp một số khó khăn, rào cản đối với phát triển năng lượng tái tạo. Thứ nhất, năng lực tài chính, năng lực kỹ thuật và khả năng quản lý của các nhà phát triển dự án còn hạn chế. Bên cạnh đó, sự tham gia của các doanh nghiệp vào thị trường phát triển điện chưa nhiều. Mặt khác, thị trường truyền tải và phân phối điện thuộc quyền quản lý độc quyền của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), đơn vị mua điện duy nhất. Với mô hình “một người mua duy nhất” như hiện nay, sẽ kìm hãm sự phát triển của thị trường bán buôn điện cạnh tranh. Trong lúc các nhà sản xuất điện phải bán điện cho EVN nhưng hạ tầng truyền tải điện không đủ khả năng giải tỏa công suất khi các dự án năng lượng tái tạo đi vào vận hành nối lưới. Do đó, Ninh Thuận sớm có đề xuất và triển khai quyết liệt một số cơ chế đặc thù trong xây dựng Ninh Thuận trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước.

 

Các đại biểu đề nghị tỉnh Ninh Thuận cần đề xuất Chính phủ cho tỉnh thí điểm cơ chế mua bán điện trực tiếp, đây là cơ chế cho phép giao dịch trực tiếp giữa đơn vị phát điện và khách hàng mua điện. Về tổng thể, cơ chế này giúp cho thị trường vận hành hiệu quả, giảm thiểu chi phí và tận dụng tốt hạ tầng điện lực.

 

Phó GS.TS Bùi Quang Tuấn nói: “Về bản chất vật lý, sản phẩm điện năng này vẫn được truyền tải và phân phối qua hệ thống lưới điện và hạ tầng điện như các giao dịch điện năng truyền thống. Tuy nhiên, về mặt hình thức giao dịch, việc trực tiếp mua bán giữa bên sản xuất và bên mua điện sẽ cắt giảm được khâu trung gian, giảm chi phí giao dịch, tăng tính cạnh tranh của điện năng lượng tái tạo, sẽ thúc đẩy sản xuất điện năng lượng tái tạo nhiều hơn”.

 

Theo GS.TS Nguyễn Kế Tuấn (Trường Đại học Kinh tế quốc dân), thiết bị công nghệ để sản xuất và truyền tải điện được coi là nguồn lực vật chất cơ bản để phát triển điện năng từ năng lượng mặt trời và năng lượng gió, tuy nhiên hiện nay, Việt Nam chưa có bộ tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia về năng lượng tái tạo, trong đó có bộ tiêu chuẩn về điện mặt trời và điện gió. Điều này, sẽ gây khó khăn cho nhà đầu tư trong việc lựa chọn công nghệ và thiết bị. Còn cơ quan quản lý nhà nước cũng gặp nhiều khó khăn trong việc thẩm định dự án, ra quyết định cho phép thực hiện dự án đầu tư; các ngân hàng thương mại cũng khó khi thẩm định dự án vay vốn…

 

Tại hội thảo, các đại biểu, nhà khoa học cũng đã thảo luận một số vấn đề liên quan khác về phát triển năng lượng tái tạo trong tương lai, mang lại hiệu quả, bền vững và nhận xét, với mục tiêu đề ra, Ninh Thuận đang có nhiều lợi thế để trở thành trung tâm năng lượng tái tạo của cả nước. Để đạt được điều đó, Ninh Thuận rất cần sự quan tâm của trung ương, các bộ, ngành, tạo điều kiện cho tỉnh sớm giải tỏa những hạn chế, rào cản mà các đại biểu đã thảo luận tại hội thảo, giúp Ninh Thuận tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, đồng thời tạo nền tảng chuẩn để phát triển năng lượng tái tạo của cả nước trong tương lai.

 

Theo nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang