Thứ Năm, 25/04/2024 02:29:37 GMT+7

Tin đăng lúc 24-04-2019

Lượt xem: 1419

Phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo đà cho công nghiệp ô tô Việt Nam bứt phá

Thời gian qua ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đã có những đóng góp thiết thực cho sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Tuy nhiên, phải thừa nhận ngành này cũng đang phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức đó là tỷ lệ nội địa hóa còn thấp, đặc biệt là trong bối cảnh hội nhập AFTA. Bởi vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành ô tô Việt Nam là việc làm tất yếu.
Phát triển công nghiệp hỗ trợ để tạo đà cho công nghiệp ô tô Việt Nam bứt phá

Phát triển ngành công nghiệp ô tô - Nhìn từ các nước

 

Công nghiệp ô tô là ngành công nghiệp công nghệ cao, đa lĩnh vực, từ cơ khí, điện, điện tử, tự động hóa đến nhựa, cao su, kính... Do đó, ngành CNHT sản xuất ô tô đóng vai trò vô cùng quan trọng, không chỉ sản xuất linh kiện trực tiếp mà còn thực hiện nhiều công đoạn gián tiếp hỗ trợ sản xuất các bộ phận, ví dụ: CNHT sản xuất khuôn đúc các linh kiện nhựa và kim loại sử dụng công nghệ cán, ép, dập... Phát triển CNHT là điều kiện thiết yếu để đón nhận chuyển giao công nghệ và thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tạo ra những cụm tổ hợp CNHT về ô tô. Các công ty đa quốc gia thường chọn đầu tư ở những nơi có nền CNHT phát triển nhằm cắt giảm chi phí nguyên vật liệu, linh kiện, phụ tùng. CNHT nói chung, CNHT ngành công nghiệp ô tô nói riêng phát triển sẽ góp phần quan trọng trong đổi mới sản xuất, nâng cao tiềm lực nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ hiện đại của một quốc gia. Nắm bắt được những vấn đề cốt lõi này, một số quốc gia trong khu vực đã sớm đưa ra những chính sách hợp lý để thúc đẩy phát triển CNHT ngành công nghiệp ô tô. Tại Nhật Bản, các tập đoàn ô tô lớn như: Toyota, Mazda, Mitsubishi, Honda... đạt được thành công như hiện nay là nhờ Chính phủ đã sớm quan tâm, đầu tư phát triển CNHT. 90% doanh nghiệp sản xuất các linh kiện cho những tập đoàn ô tô là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (DNVVN). Gần thập kỷ qua, Nhật Bản đã quy hoạch loại hình doanh nghiệp này vào cụm CNHT, đồng thời thành lập quỹ riêng để hỗ trợ về vốn. Các doanh nghiệp chỉ mất tối đa 3 ngày là có thể hoàn thành các thủ tục vay vốn với nhiều chính sách ưu đãi. Ngoài ra, 110 trung tâm hỗ trợ máy móc thiết bị và 47 trung tâm hỗ trợ công nghệ luôn sẵn sàng giúp đỡ các DNVVN tiếp cận với máy móc, dây chuyền, thiết bị mới. Chính phủ Nhật Bản còn ban hành Luật Hợp tác với DNVVN, Luật phòng chống trì hoãn thanh toán chi phí thầu phụ, Luật Xúc tiến doanh nghiệp thầu phụ nhỏ và vừa, nhằm bảo vệ quyền đàm phán của DNVVN, tạo điều kiện thuận lợi cho họ tiếp cận với công nghệ mới và nguồn vốn vay. Đây là những điều kiện cốt lõi để phát triển CNHT ở Nhật Bản.

 

Tại khu vực Đông Nam Á, Thái Lan đang dẫn đầu trong sản xuất ô tô và đã vươn lên thứ 10 về sản lượng ô tô trên toàn thế giới. Từ thập niên tám mươi, Thái Lan đã có chính sách ưu đãi về thuế với các khu tự do thương mại cho các dự án đầu tư CNHT trọng điểm và đưa ra quy hoạch tổng thể cho phát triển CNHT ngành công nghiệp ô tô, xe máy. Uỷ ban Đầu tư Thái Lan đã thành lập bộ phận liên kết công nghiệp để thúc đẩy hợp tác giữa các công ty trong nước và các công ty nước ngoài trong ngành CNHT. Nhờ đó, Toyota tại Thái Lan chỉ nhập khẩu 5% linh kiện. Hiện tại, Thái Lan có gần 3.000 doanh nghiệp CNHT phục vụ  khoảng 20 nhà máy lắp ráp ô tô.

 

Bài học với Việt Nam

 

CNHT ngành công nghiệp ô tô Việt Nam phát triển rất chậm, điều đó giải thích vì sao chiến lược, quy hoạch ngành công nghiệp ô tô chưa thực hiện được. CNHT phụ thuộc rất lớn vào dung lượng thị trường, ở Việt Nam dung lượng này lại chia cho hàng trăm mẫu xe khác nhau nên sản lượng tiêu thụ cho từng loại xe rất thấp, do đó doanh nghiệp CNHT rất khó tự đầu tư nếu thiếu sự hỗ trợ từ Nhà nước. Trên thực tế, Việt Nam có tới 17 công ty lắp ráp nhưng lại phân tán ở 3 miền Bắc, Trung, Nam. Mặt khác, tuy có nhiều nhà máy lắp ráp nhưng số doanh nghiệp trong ngành CNHT lại rất ít chỉ có khoảng 35 công ty CNHT cấp 1, gần 190 công ty cấp 2 sản xuất các loại linh kiện, phụ tùng ô tô đơn giản, hàm lượng công nghệ và giá trị thấp, tỷ lệ nội địa hóa chỉ từ 15% (xe du lịch) đến 25% (xe tải) và 40% (xe khách). Những nghịch lý này là nguyên nhân chính cản trở sự phát triển của ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Qua đó cho thấy, ngành CNHT Việt Nam còn rất yếu so với các nước trong khu vực, chỉ bằng 1/5 so với Indonesia, 1/8 so với Malaysia và 1/50 so với Thái Lan. Do đầu tư vào sản xuất linh kiện ô tô mang tính nhỏ lẻ, tỷ lệ nội địa hóa trung bình thấp nên sức cạnh tranh của CNHT ngành công nghiệp ô tô Việt Nam còn yếu, chưa tham gia được vào chuỗi giá trị sản phẩm khu vực. Do vậy, hàng năm ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn linh kiện, phụ tùng, với tổng giá trị khoảng 2 tỷ USD.

 

Theo nhận định của các chuyên gia, thị trường ô tô Việt Nam có tiềm năng lớn khi có trên 90 triệu dân với 67% trong độ tuổi lao động; nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa đường bộ có tốc độ tăng trưởng cao trên 10%/năm, trong đó vận chuyển hành khách chiếm tỷ trọng trên 90% và hàng hóa chiếm trên 70%. Ô tô cá nhân ngày càng thông dụng và trở thành nhu cầu thiết yếu của người dân để thay thế dần cho trên 60 triệu mô tô, xe máy đang lưu hành. Trong 5 nhóm thị trường ô tô thế giới, Việt Nam thuộc nhóm 3, là nhóm có tỷ lệ tăng trưởng thị trường cao, gấp nhiều lần so với tốc độ tăng trưởng GDP. Dự kiến thị trường ô tô Việt Nam sẽ đi vào giai đoạn ô tô hóa vào năm 2025 (trên 40 xe/1.000 dân); nhu cầu thị trường ô tô sẽ tăng gấp 4 - 5 lần so với hiện nay, trong đó nhu cầu về xe con vào khoảng 800 - 900 nghìn xe/năm.

 

Như vậy, tiềm năng để phát triển công nghiệp ô tô và ngành CNHT công nghiệp ô tô của Việt Nam là rất lớn. Vấn đề đặt ra, ngành công nghiệp ô tô trong nước sẽ phải làm gì khi lượng xe nhập khẩu ngày càng có chiều hướng tăng mạnh, và để không trở thành thị trường tiêu thụ cho các nước ASEAN. Đặc biệt, muốn mở rộng thị trường một cách lành mạnh, trong đó duy trì phát triển xe sản xuất trong nước thì Nhà nước cần ban hành những chính sách tạo được sự khác biệt giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Đồng thời, tiếp tục có những ưu đãi hợp lý nhằm phát triển CNHT. Từ kinh nghiệm của các nước trong khu vực cho thấy, cần thực hiện: Thứ nhất, khuyến khích sản xuất ô tô trong nước, hỗ trợ thị trường bằng các hàng rào kỹ thuật, chống gian lận thương mại như khai báo thuế, gian lận CO (tỷ lệ nội địa) nhằm hưởng các ưu đãi thuế quan để đảm bảo cạnh tranh bình đẳng giữa xe sản xuất trong nước và xe nhập khẩu. Thứ hai, có chính sách thúc đẩy CNHT ngành công nghiệp ô tô để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh thông qua việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn linh kiện, phụ tùng...; điều chỉnh thuế nhập khẩu linh kiện và phụ tùng, nghiên cứu khả năng áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe có tỷ lệ nội địa hóa cao. Thứ ba, phát triển CNHT công nghiệp ô tô cần ban hành những quy chế phù hợp để các doanh nghiệp nội địa tăng cường tham gia sản xuất phụ tùng linh kiện; hỗ trợ doanh nghiệp CNHT nội địa đào tạo nhân lực, đổi mới công nghệ trong sản xuất linh kiện và phụ tùng thông qua chương trình phát triển CNHT.

 

Cạnh tranh trên thị trường ô tô trong nước đã, đang diễn ra ngày một khốc liệt. Vì thế, ngoài chính sách hỗ trợ của Nhà nước, các doanh nghiệp ô tô trong nước cũng cần năng động trong việc triển khai các hoạt động phát triển CNHT thì mới mong trụ vững, từ đó mới hy vọng vươn tới các thị trường xuất khẩu tiềm năng trong khu vực./.

 

Anh Thư


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang