Thứ Bẩy, 20/04/2024 22:04:42 GMT+7

Tin đăng lúc 12-07-2019

Lượt xem: 1191

Phát triển công nghệ xử lý chất thải phù hợp

Thời gian qua, công nghệ xử lý chất thải nguy hại công nghiệp và y tế của nhóm các nhà khoa học tại Viện Công nghệ môi trường (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã được triển khai ứng dụng hiệu quả tại nhiều đơn vị, địa phương trong cả nước. Các công nghệ xử lý được đánh giá là phù hợp điều kiện Việt Nam, tiết kiệm chi phí và dễ vận hành.
Phát triển công nghệ xử lý chất thải phù hợp
Công nhân vận hành lò đốt chất thải rắn tại Bệnh viện 71 Trung ương (Thanh Hóa)

Hai sản phẩm công nghệ gồm: Lò đốt chất thải rắn nguy hại y tế và công nghiệp (VHI-18B) và hệ thống xử lý nước thải y tế, nước thải sinh hoạt và nước thải công nghiệp (IET-BF) đã mang đến những hiệu quả tích cực đối với công tác bảo vệ môi trường. Với những lợi ích thiết thực mà hai sản phẩm công nghệ này đem lại cho người dân và môi trường, nhóm nhà khoa học đã được nhận Giải thưởng Trần Đại Nghĩa năm 2018. 

PGS, TS Trịnh Văn Tuyên, Viện trưởng Viện Công nghệ môi trường, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, năm 2012 - 2013, ông có cơ hội tham gia dự án của Bộ Tài nguyên và Môi trường về điều tra, đánh giá hiện trạng hệ thống xử lý nước thải bệnh viện trong cả nước. Kết quả cho thấy, công nghệ sử dụng tại nhiều bệnh viện tuy hiện đại, nhưng không ít hệ thống hoạt động không hiệu quả, thậm chí ngừng hoạt động. Nguyên nhân là do các bệnh viện không đủ kinh phí để vận hành. Có bệnh viện chỉ vận hành hệ thống xử lý nước thải trong giờ hành chính, còn buổi tối cho ngừng hoạt động để giảm hao tổn điện năng. Điều này dẫn tới tình trạng nước thải không được xử lý do thiếu không khí và làm cho các vi sinh vật bị chết. 

Trước thực tế đó, nhóm nghiên cứu quyết định lựa chọn công nghệ vi sinh, trong đó thiết kế tháp lọc sinh học cấp khí tự nhiên để giải bài toán chi phí, nhân lực vận hành tại bệnh viện. Nhóm nghiên cứu đã tính toán các cửa thông khí quanh chu vi gần đáy tháp để cho không khí vào và ống thoát khí được tạo ra ở phía trên đỉnh tháp. Với cấu tạo như vậy, có thể tạo ra dòng không khí đối lưu tự nhiên bên trong lòng tháp, cung cấp đầy đủ ô-xi cho các vi sinh vật sinh trưởng. Ngay cả khi tháp ngừng hoạt động trong một thời gian dài thì các vi sinh vật vẫn sinh trưởng, việc xử lý chất thải không bị ảnh hưởng. Nhóm nghiên cứu cũng điều chỉnh mức bơm nước thải qua hệ thống xử lý với lưu lượng ổn định để bảo đảm chất lượng xử lý. 

Năm 2013, công trình tháp sinh học được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền sáng chế. Đến nay, hệ thống xử lý nước thải (IET-BF) đã được đưa vào ứng dụng thực tế tại hơn 25 cơ sở xử lý nước thải y tế trên cả nước, đạt hiệu suất xử lý cao. Nước sau xử lý đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp (QCVN 40:2011/BTNMT) nước thải y tế (QCVN 28:2010/BTNMT) và nước thải sinh hoạt (QCVN 14-MT: 2015/BTNMT).

Lò đốt chất thải rắn (VHI-18B) tuy không phải là công nghệ tiên tiến, nhưng hiệu quả và phù hợp với Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam phát sinh khoảng 25 triệu tấn chất thải rắn từ các hoạt động sản xuất công nghiệp và chủ yếu được xử lý bằng chôn lấp, gây lãng phí tài nguyên đất và ảnh hưởng môi trường. TS Nguyễn Thế Đồng, thành viên nhóm nghiên cứu cho biết, khó nhất trong đốt chất thải rắn là phải xử lý, kiểm soát được phần khí thải sinh ra. Ở Việt Nam, công nghệ đốt vẫn còn hạn chế, nhất là chưa kiểm soát được khí thải fu-ran và đi-ô-xin. Nhóm nghiên cứu đã quyết định nghiên cứu, phát triển loại lò đốt đa cấp với hai buồng đốt sơ cấp và thứ cấp. Chất rắn nguy hại y tế và công nghiệp được đốt ở buồng đốt sơ cấp. Ở buồng đốt thứ cấp, các sản phẩm cháy chưa hoàn toàn, chứa cả đi-ô-xin và fu-ran tiếp tục được phân hủy và đốt cháy ở nhiệt độ cao. Khói từ buồng đốt này được xử lý bằng phương pháp hấp thụ với dung dịch kiềm, bảo đảm khí đạt Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải công nghiệp đối với bụi và các chất vô cơ (QCVN 19-2009/BTNMT). Đến nay, đã có hơn 50 hệ thống xử lý chất thải rắn (VHI-18B) được ứng dụng tại nhiều bệnh viện trong cả nước, như: Bệnh viện Lao Thái Nguyên, Bệnh viện C Thái Nguyên, Bệnh viện Phong và Da liễu Sơn La...

Việc ứng dụng lò đốt chất thải rắn (VHI-18B) và hệ thống xử lý nước thải (IET-BF) đã góp phần bảo vệ môi trường, tăng hiệu quả đầu tư, giảm chi phí xử lý và bảo vệ môi trường của các cơ sở phát sinh chất thải nguy hại. PGS,TS Trịnh Văn Tuyên cho biết, do chi phí rẻ hơn sản phẩm cùng loại nhập khẩu, xử lý hiệu quả, cho nên các sản phẩm công nghệ có cơ hội vươn xa hơn nữa. Mới đây, Chương trình nông thôn mới của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã mời nhóm nghiên cứu tham gia đánh giá hệ thống xử lý nước thải nông thôn, từ đó có thể ứng dụng hệ thống xử lý nước thải (IET-BF) tại nông thôn.

 

Theo nhandan.com.vn
 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang