Thứ Bẩy, 20/04/2024 09:38:50 GMT+7

Tin đăng lúc 01-10-2018

Lượt xem: 4701

Phát triển bền vững: Câu chuyện từ các doanh nghiệp

Thực hiện cam kết quốc tế về phát triển bền vững (PTBV), năm 2017, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự PTBV. Để thực hiện được kế hoạch này, cần có sự chung tay của toàn xã hội, đặc biệt là cộng đồng các doanh nghiệp (DN). Hiện nay tại Việt Nam, ngày càng nhiều DN áp dụng mô hình sản xuất - kinh doanh bền vững, trong đó, tiêu biểu có những DN đi tiên phong như: HEINEKEN Việt Nam; Traphaco; Coca – Cola Việt Nam; Tập đoàn Bảo Việt; Vinamilk…
Phát triển bền vững: Câu chuyện từ các doanh nghiệp
Mô hình kinh tế tuần hoàn áp dụng tại HEINEKEN VN

Dưới đây là kinh nghiệm của một số DN tại Việt Nam đã và đang áp dụng rất thành công mô hình PTBV vào các sản xuất - kinh doanh, mang lại những tác động tích cực cho con người, hành tinh và sự thịnh vượng.

 

HEINEKEN Việt Nam: “Nền kinh tế tuần hoàn - sáng tạo cho tương lai”

 

Trong nhiều năm qua, HEINEKEN Việt Nam không chỉ được biết đến là một trong những nhà máy sản xuất bia hàng đầu tại Việt Nam với những thương hiệu bia được yêu thích, quy mô hơn 3.000 nhân viên, gián tiếp tạo hàng ngàn việc làm cho các nhà cung cấp và đối tác tại VN, đóng góp hàng năm chiếm 0,88% GDP cả nước, mà còn được biết đến vì sự tích cực trong các hoạt động xã hội và luôn đi đầu trong công tác bảo vệ môi trường. Năm 2017, HEINEKEN Việt Nam tiếp tục được vinh danh là DN sản xuất bền vững nhất Việt Nam, đồng thời cũng là đơn vị đi tiên phong trong đổi mới sáng tạo, góp phần hiện thực hóa các Mục tiêu PTBV toàn cầu.

 

Có được danh hiệu uy tín này là do Công ty tập trung vào chiến lược phát triển xanh nhờ các sáng kiến thân thiện với môi trường, không thải khí carbon, trong đó, sử dụng năng lượng sinh khối để nấu bia là một sáng kiến nổi bật.

 

Chia sẻ những kinh nghiệm trong việc áp dụng thành công mô hình kinh tế tuần hoàn, PTBV, ông Matt Wilson – Giám đốc Ngoại vụ cấp cao HEINEKEN Việt Nam cho biết: “Với mục tiêu đưa HEINEKEN Việt Nam trở thành nhà máy không rác thải, chúng tôi luôn suy nghĩ phải làm thế nào để từ nguồn thải của việc này trở thành tài sản quý báu cho một việc khác”. Vì vậy, HEINEKEN Việt Nam đã tiên phong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, sử dụng năng lượng sinh khối phục vụ cho quy trình nấu bia thông qua việc tận dụng vỏ trấu và mùn cưa thu mua tại địa phương. Trong quá trình sản xuất sẽ tạo ra nước thải và bã bia. Đối với bã bia, Công ty sẽ không thải ra môi trường mà tận dụng để tái chế thành thức ăn gia súc, hoặc phân bón, ngoài ra, bã bia còn được làm khô để tái sử dụng làm nhiên liệu tạo ra năng lượng sinh khối phục vụ cho sản xuất bia. Đối với nước thải từ sản xuất, luôn đảm bảo được xử lý sạch trước khi quay trở lại môi trường và được Công ty sử dụng làm vệ sinh và tưới cây. Trong quá trình xử lý nước thải cũng thu được khí sinh học, khí này sẽ được biến thành khí biogas và quay trở lại cung cấp nhiệt năng phục vụ cho quy trình nấu bia. “Việc sử dụng năng lượng tái tạo, xử lý nguồn nước một cách đảm bảo chính là cách HEINEKEN Việt Nam thực hiện PTBV” – ông Matt Wilson nhấn mạnh.

 

Áp dụng nền kinh tế tuần hoàn đã đem lại lợi ích to lớn không chỉ cho HEINEKEN mà còn cho toàn xã hội và môi trường. Nó giúp HEINEKEN giảm được 50% khí CO2 thải vào tự nhiên trong 2 năm qua; Gián tiếp tạo công ăn việc làm, tạo ra lợi nhuận cho người dân và các nhà cung cấp, hỗ trợ việc làm cho ngành công nghiệp năng lượng tái tạo; Giúp Công ty giảm chi phí, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh của DN…

 

Traphaco: “Kinh doanh cùng người có thu nhập thấp”

 

Cũng nằm trong top 10 DN sản xuất bền vững nhất VN, câu chuyện về PTBV của Traphaco là phát triển nguồn dược liệu với mô hình PTBV cùng người dân tộc thiểu số; phát triển các sản phẩm bản địa và chia sẻ lợi ích với người dân địa phương; chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân thực hiện.

 

 

Vùng Atiso của Traphaco đạt tiêu chuẩn GACP, UEBT với 200 hộ dân với 99% là đồng bào dân tộc ít người

 

Traphaco đã tiên phong trong việc hợp tác với người nông dân, người dân tộc thiểu số xây dựng và phát triển mô hình trồng dược liệu bền vững với hệ thống quản lý chất lượng cao; ứng dụng KHCN để nâng cao năng suất, chất lượng của dược liệu, đồng thời đóng góp hiệu quả vào việc bảo vệ môi trường. 

 

Qua nhiều năm triển khai, đến nay Traphaco đã có 05 vùng trồng dược liệu theo tiêu chuẩn GACP-WHO của Bộ Y tế với trên 36.000 ha cung cấp nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho Công ty. Với mô hình phát triển dược liệu này, Traphaco đã tạo ra việc làm cho trên 20.000 lao động, trong đó, trên 40% là đồng bào dân tộc ít người với thu nhập gia tăng từ 3 - 5 triệu đồng/hộ/tháng; đa dạng hóa các sản phẩm bản địa...

 

Nói về kinh nghiệm áp dụng mô hình PTBV này, ông Nguyễn Huy Văn - Phó Tổng giám đốc Traphaco chia sẻ: “Chúng tôi đã thực hiện theo kiểu mô hình liên kết 4 nhà: Nhà nước - Nhà khoa học - Nhà DN và Nhà nông. Trong đó, Nhà nước có vai trò quy hoạch các vùng dược liệu và truyền thông tới đồng bào dân tộc ít người  để sao cho bà con tin tưởng và tham gia vào chuỗi liên kết. Các nhà khoa học có vai trò chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, chăm sóc phòng trừ dịch bệnh và nâng cao năng suất chất lượng vùng dược liệu. Về phía DN, chúng tôi cam kết thu mua hết cho bà con với giá cao hơn giá thị trường khoảng 15%, đồng thời, đảm bảo cho chuỗi giá trị này luôn được thông suốt và hòa nhập vào được với chuỗi giá trị quốc gia. Còn đối với bà con nông dân, chúng tôi ký hợp đồng với từng hộ dân và lập một quỹ để xoay vòng hỗ trợ người dân phát triển dược liệu; người dân sẽ được cung cấp hạt giống, hỗ trợ về kỹ thuật, đặc biệt là sẽ được tập huấn để có thể tham gia xây dựng được vùng nguyên liệu của mình theo tiêu chuẩn quốc tế như GACP-WHO, UEBT, Organic”.

 

Trên đây chỉ là hai trong số nhiều DN tại VN đang triển khai, áp dụng hiệu quả mô hình sản xuất kinh doanh bền vững. Qua đó thấy rằng, vai trò của DN là không thể thiếu trong việc hiện thực hóa các mục tiêu PTBV. Hành động của các DN chính là chìa khóa dẫn đến thành công của mỗi mục tiêu PTBV thông qua hoạt động kinh doanh có trách nhiệm, áp dụng mô hình kinh doanh mới, đầu tư, sáng tạo, đổi mới công nghệ và hợp tác. Hơn thế nữa, PTBV sẽ giúp DN nâng cao uy tín và năng lực cạnh tranh, vững bước trên con đường hội nhập kinh tế quốc tế./.

 

Minh Vũ


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang