Thứ Sáu, 29/03/2024 04:41:26 GMT+7

Tin đăng lúc 06-05-2017

Lượt xem: 4434

Ô nhiễm không khí xuyên biên giới

Những ảnh hưởng lâu dài của các vấn đề môi trường xuyên biên giới đã và đang đe dọa tới an sinh xã hội và nền kinh tế của khu vực.
Ô nhiễm không khí xuyên biên giới
Việt Nam cũng đang chịu biểu hiện rõ rệt của việc ô nhiễm không khí như lắng đọng axit, sương mù quang hóa... rõ nhất là vào các tháng mùa hè khi thời tiết khô nóng, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM.

Tại khu vực Đông Nam Á, các vấn đề môi trường xuyên biên giới đang trở nên hết sức nhạy cảm. Điển hình là năm 2000, mực nước trên sông Se San (Campuchia) tăng đột ngột khiến người dân tại tỉnh Ratanakiri chịu nhiều thiệt hại về người và của. Hay nạn cháy rừng ở Indonesia đã hoành hành các nước láng giềng.

 

Ô nhiễm từ… láng giềng

 

Tại Việt Nam, một hiện tượng chưa từng gặp trong lịch sử nhưng đang hiện hữu đó là tình trạng môi trường không khí bị ô nhiễm nặng nề do lây lan từ nước khác. Đặc biệt khi mới đây ông Nguyễn Văn Thùy - Giám đốc Trung tâm quan trắc môi trường, Tổng cục Môi trường chia sẻ, toàn bộ dải bờ biển phía đông của Trung Quốc dày đặc các nguồn phát tán thủy ngân và Việt Nam chắc chắn không tránh khỏi ô nhiễm. Đặc biệt, vào mùa đông ở miền bắc.

 

Theo tài liệu nghiên cứu của Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi Khí hậu thì các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn… đang phải chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí xuyên biên giới, chủ yếu là từ phía Trung Quốc. Theo đó, sự di chuyển của NO2 từ Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu theo hướng Đông Bắc. Do đó, mỗi khi có gió mùa Đông Bắc tràn về, nồng độ ô nhiễm không khí sẽ gia tăng hơn. Ngoài ra, Việt Nam cũng đang chịu biểu hiện rõ rệt của việc ô nhiễm không khí như lắng đọng axit, sương mù quang hóa... rõ nhất là vào các tháng mùa hè khi thời tiết khô nóng, đặc biệt ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP HCM.

 

Không thể phớt lờ

 

Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định các quốc gia đã nhận thức rằng vấn đề ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề không có biên giới, đòi hỏi tất cả các quốc gia phải có sự hợp tác với nhau. Tuy nhiên, việc kiểm soát các vấn đề ô nhiễm xuyên biên giới lại đang thiếu các cơ sở pháp lý vững chắc ở tầm khu vực hay quốc tế.

 

“Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có cơ sở pháp lý ở tầm khu vực hay quốc tế để kiểm soát tình trạng này. Hay như gần đây, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên Hiệp định khai thác và sử dụng nguồn nước của các dòng sông xuyên quốc gia. Tuy nhiên, Lào, Campuchia và nhiều quốc gia khác của ASEAN chưa tham gia Hiệp định này” – Bộ trưởng cho biết. Bộ trưởng cũng chia sẻ: “Việt Nam đang có cơ chế song phương trao đổi, chia sẻ, tìm cách giải quyết vấn đề ô nhiễm không khí ở vùng biên giới. Trước mắt chúng ta đã đặt một số trạm quan trắc và từng bước đầu tư trạm đo không khí”.

 

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam cần xây dựng một luật riêng về không khí, có thể gọi là Luật Không khí sạch nhằm cụ thể hóa các quy định về vấn đề ô nhiễm không khí ở Việt Nam. Hiện nay, các vấn đề liên quan đến ô nhiễm không khí được quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2013. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, các quy định này còn chung chung, khó triển khai trong thực tế.

 

Nguồn Enternews


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang