Thứ Ba, 16/04/2024 12:59:04 GMT+7

Tin đăng lúc 11-07-2019

Lượt xem: 16689

Nước giặt giả Thái Lan hoành hành thị trường Việt

Những năm gần đây, lợi dụng tâm lý ưa chuộng hàng Thái của người tiêu dùng, nhiều cơ sở kinh doanh nước giặt đã trắng trợn thực hiện nhiều hành vi gian lận thương mại, sản xuất hàng giả, hàng nhái, gây ra những hệ lụy không nhỏ.
Nước giặt giả Thái Lan hoành hành thị trường Việt
Các sản phẩm nước giặt Thái Lan xuất hiện ngày càng nhiều trên các kệ hàng ở siêu thị và đại lý.

Chỉ cần đánh cụm từ “nước giặt Thái” trên Google, bạn sẽ nhận được tới hơn 15,8 triệu kết quả chỉ trong vòng 0,39 giây. Điều đó đủ cho thấy sức hút của hàng Thái nói chung và sản phẩm nước xả vải, nước giặt nói riêng đối với một bộ phận lớn người tiêu dùng Việt.

 

Trên thực tế, trong khoảng 5 – 6 năm gần đây, nước giặt Thái Lan đang ngày càng làm mưa làm gió trên thị trường Việt. Khi hàng Trung Quốc không tạo được sự tin tưởng còn hàng Việt vẫn chưa đủ sức chiếm lĩnh thị trường thì việc người tiêu dùng tìm đến hàng Thái là điều có thể dễ dàng hiểu được.

 

Nước giặt Thái Lan được quảng cáo là an toàn, thân thiện với làn da, cho khả năng lưu hương lâu và đặc biệt là giá thành khá rẻ, hợp túi tiền. Dù vậy, nước giặt Thái tiêu thụ ở Việt Nam hầu như đều thuộc hai trường hợp: Một là hàng nhập lậu qua đường tiểu ngạch và hai là hàng nhái, hoàn toàn được sản xuất, đóng tem mác trong nước.

 

Ở trường hợp thứ nhất, hàng nhập lậu đương nhiên sẽ gây thất thu cho nguồn thuế của Nhà nước, nhưng dù sao đó vẫn là hàng thật, có xuất xứ chính gốc và vẫn có chất lượng tốt. Còn trường hợp thứ hai, hàng giả, hàng fake, hàng kém chất lượng nhái thương hiệu Thái không chỉ gây ra tình trạng cạnh tranh thiếu lành mạnh mà còn nguy hại tới sức khỏe người tiêu dùng.

 

Thế nhưng câu chuyện về hàng Thái “nhái” đã không còn mới mẻ gì. Cách đây chừng hơn 2 năm, vào tháng 10/2015, lực lượng chức năng đã tịch thu gần 12 tấn hóa mỹ phẩm, nước giặt, nước rửa bát giả thương hiệu SPY của Thái Lan của công ty CP quốc tế Massco. Điều nguy hiểm là xưởng gia công của công ty này đặt ngay ở Triều Khúc (Hà Nội), quá gần với một trong những thị trường sôi động nhất cả nước.

 

Cũng mới đây chưa lâu, vào đầu tháng 4/2019, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã phát hiện và tịch thu hơn 500 chai nước giặt giả của một xưởng gia công đặt ngoài… cánh đồng thôn Yên Tàng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn, Hà Nội.

 

Khó mà đếm nổi những doanh nghiệp đang âm thầm làm nhái hàng Thái như Massco ở Việt Nam. Những cơ sở làm ăn bất chính từ lâu đã tạo ra được cả một quy trình khép kín từ khẩu sản xuất, quảng cáo, tiếp thị và tiêu thụ sản phẩm nhái. Mã vạch, tem Thái Lan đều được in đầy đủ trên từng sản phẩm. Vậy thì trách chi người tiêu dùng chẳng bị lừa! Niềm tin của người tiêu dùng đang bị lợi dụng trắng trợn, sự tin dùng vào những thương hiệu nhập khẩu như Thái Lan đang trở thành con dao hai lưỡi quay ngược lại tấn công khách hàng.

 

 

Nước giặt Thái Lan nhái vẫn đường hoàng in tem mác Việt Nam.

 

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng, trên thị trường nước giặt, nước xả, hàng Thái Lan đang chiếm được thị phần rất lớn. Thế nhưng theo quan sát riêng của chúng tôi, rất nhiều sản phẩm đều không dán tem phụ bằng tiếng Việt. Các chủ cửa hàng kinh doanh giải thích rằng đây đều là hàng ngoài hóa đơn đỏ nên không có tem phụ. Như vậy thấy rằng, rất có thể đây là hàng nhập lậu qua tiểu ngạch và càng có cơ sở để nghi ngờ đó là những sản phẩm nhái, giả.

 

Chị Nguyễn My, nhân viên một ngân hàng ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) là một “tín đồ” cuồng nhiệt của hàng Thái, có thói quen thường sử dụng luân phiên rất nhiều loại nước xả vải, nước giặt Thái Lan để trải nghiệm. Chị My chia sẻ: “Dù rất hay săn hàng Thái giá rẻ nhưng thực sự mình cũng không rõ lắm về nguồn gốc của những đồ đã mua. Mình thường mua ở mối quen nên cũng phần nào yên tâm”. Nhưng không phải ai cũng có nhiều “mối quen” để có được chỗ dựa tinh thần như chị My. Chị Lê Thị Hòa, nhân viên văn phòng ở phố Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội) ngao ngán: “Nghe lời người quen giới thiệu, tôi mua nước giặt Thái về dùng. Thời gian đầu cũng thấy bình thường nhưng sau đó con trai tôi mặc quần áo vào thường ngứa ngáy khó chịu, thậm chí còn dị ứng, nổi mẩn. Sau đó tôi dừng hẳn không dùng nữa. Thật giả bây giờ lẫn lộn, đúng là chẳng biết đâu mà lần”.

 

Những nguy cơ về sức khỏe của nước giặt giả đã được các chuyên gia cảnh báo từ lâu. Ngay cả với nước giặt thật, các bác sĩ cũng đưa ra khuyến cáo về những thành phần hóa học có thể gây hại nếu tiếp xúc lâu ngay với da người. Một số liệu của Tổ chức bảo vệ môi trường thế giới cho thấy, trong số 85.000 chất hóa học được sử dụng thường ngày hiện nay, chỉ có 7% sản phẩm là an toàn với sức khỏe con người. Ai có thể dám chắc rằng hàng trăm loại nước giặt đang bán trên thị trường kia đều an toàn cho người sử dụng?

 

Chị Nguyễn Giang Thanh ở Định Công (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết mình thường dùng tay không, đổ pha nước xả vải, nước giặt để ngâm quần áo. Cách đây một thời gian chị phát hiện bàn tay bị bong tróc từng mảng da, tuy không đau rát nhưng gây bất tiện ít nhiều đến sinh hoạt hàng ngày.

 

Hiện tại ở Việt Nam chưa có nghiên cứu chính thức nào về tác hại của nước giặt, nước tẩy rửa đối với sức khỏe con người nhưng việc tiếp xúc thường xuyên, trực tiếp qua da với các chất hóa học này cũng có thể gây nên một số nguy cơ về sức khỏe. Đặc biệt là các chai nước giặt nhái, giả đều không qua cơ quan có thẩm quyền kiểm định độ an toàn, càng khiến người tiêu dùng đứng trước nhiều nguy cơ hơn.

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang