Thứ Sáu, 29/03/2024 22:13:43 GMT+7

Tin đăng lúc 20-03-2017

Lượt xem: 2979

Nỗ lực mới nhìn từ góc độ PCI của Thái Nguyên

Những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên luôn nỗ lực nhằm cải cách hành chính tại địa phương, tạo cơ chế, chính sách hợp lý, thông thoáng, gọn nhẹ để thúc đẩy hoạt động của các doanh nghiệp, người dân, qua đó nâng cao, duy trì thứ hạng PCI của tỉnh ở mức cao trên bảng xếp hạng toàn quốc.
Nỗ lực mới nhìn từ góc độ PCI của Thái Nguyên

Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố hằng năm được tỉnh Thái Nguyên đặc biệt quan tâm, xem đây là thước đo quan trọng, khách quan để đánh giá chất lượng điều hành kinh tế của chính quyền cấp tỉnh, mức độ cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của tỉnh qua từng năm, nhằm có giải pháp điều chỉnh phù hợp trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển.

 

Đồng chí Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Thái Nguyên cho biết: Cách đây sáu năm (2011), sau khi có kết quả công bố chỉ số PCI (Thái Nguyên đứng thứ 57/63 tỉnh/thành), tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết tâm nhằm cải thiện chỉ số PCI, Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 19 về Chỉ đạo nhằm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

 

Theo đó, tỉnh Thái Nguyên đã tích cực chỉ đạo các ngành, các cấp tập trung nghiên cứu, rà soát, đánh giá, chỉ ra những yếu kém, đề ra giải pháp để cải thiện các chỉ số thành phần thấp điểm. Vận dụng linh hoạt, bám sát, đánh giá cụ thể tình hình thực tế để thực hiện các nhiệm vụ trong việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tại địa phương. Nhờ sự nỗ lực cao, chỉ số PCI của Thái Nguyên có những bước tiến vượt bậc: Từ thứ hạng gần như cuối bảng 57/63 năm 2011, năm 2013 chỉ số PCI của Thái Nguyên vươn lên xếp thứ 25/63, năm 2014 xếp thứ 8/63, năm 2015 xếp thứ 7/63 và năm 2016 vừa qua “trụ hạng” thứ bảy trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (đứng đầu tốp tốt).

 

Dưới góc độ doanh nhân, ông Nguyễn Văn Thắng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn An Khánh - một doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh nhận xét: Thái Nguyên đã có sự chuyển biến mãnh liệt trong cải cách môi trường đầu tư. Tỉnh không chỉ tạo dấu ấn thông qua thu hút vốn FDI tới hơn 6,4 tỷ USD, với điểm nhấn là Tập đoàn Samsung, Thái Nguyên còn trở thành điểm đến của các nhà đầu tư lớn trong nước như: Tập đoàn Vingroup, tập đoàn Xuân Trường.

 

Ông Hoàng Hữu Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Hoàng Hải cũng cho rằng: Các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên trong những năm qua luôn đồng hành và lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, người dân, qua đó tạo sự đồng thuận và hỗ trợ rất lớn cho các doanh nghiệp.

 

Cụ thể, cách đây hai năm tỉnh đã thành lập Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa để hỗ trợ vốn trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Việc ra đời quỹ này đã góp phần không nhỏ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tiếp cận thị trường vốn. Một chia sẻ khá thú vị nữa từ góc độ một doanh nghiệp nhỏ - bà Nguyễn Thị Thanh Vân, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân sắt thép 27-7: Đơn giản nhất là việc công khai số điện thoại cá nhân của lãnh đạo các cấp, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận đã thể hiện sự thân thiện, cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ của chính quyền với doanh nghiệp và công dân...

 

Điều đáng ghi nhận nữa ở Thái Nguyên, đó là việc các cấp ủy Đảng, chính quyền trong tỉnh đã luôn “xắn tay áo” chung sức thực hiện giải quyết các vướng mắc trong cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh, tạo thuận lợi nhất giúp các nhà đầu tư. Đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Bí thành ủy, Chủ tịch UBND TP Thái Nguyên dẫn chứng một thí dụ: Dự án xây dựng nhà máy sản xuất linh kiện điện tử Glonic Việt Nam (Công ty Bujeon Electonics của Hàn Quốc) triển khai đầu tư với tổng mức đầu tư 210 tỷ đồng (10 triệu USD). Lúc đầu, dự án tưởng như không thể thực hiện bởi công tác giải phóng mặt bằng, đầu tư cơ sở hạ tầng… rất phức tạp và gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, nhận thức đây là dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử đầu tiên tại Thái Nguyên, Thành ủy và UBND TP Thái Nguyên tập trung quyết liệt hỗ trợ giải phóng mặt bằng, kết quả trong vòng năm tháng đã bàn giao mặt bằng, giúp nhà đầu tư sớm đầu tư thực hiện dự án.

 

Trao đổi với phóng viên chung quanh chủ đề cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước, nước ngoài, đồng thời nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đồng chí Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cho biết: Tỉnh hằng năm tập trung nghiên cứu, rà soát các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, kịp thời phát hiện những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn thi hành để sửa đổi, bổ sung. Triển khai Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị số 19 của Tỉnh ủy và Nghị quyết số 35 của Chính phủ. Tổ chức đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân để lắng nghe những phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, cùng với doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, thủ tục hành chính, giúp các doanh nghiệp mở rộng, phát triển sản xuất kinh doanh.

 

Mục tiêu của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên nhiệm kỳ này là xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại; là trung tâm vùng trung du, miền núi bắc bộ về phát triển công nghiệp, dịch vụ, y tế và giáo dục- đào tạo. Trong công nghiệp, lấy Công ty điện tử Sam sung Thái Nguyên làm động lực. Trong nông nghiệp, sẽ xây dựng mô hình nông nghiệp công nghệ cao tại Khu công nghiệp Yên Bình. Đối với du lịch, Khu du lịch hồ Núi Cốc và ATK Định Hóa được chọn làm điểm đột phá; về phát triển đô thị, lấy xây dựng hệ thống chống lũ kết hợp hoàn thiện hạ tầng hai bờ sông Cầu là điểm nhấn,… Với tầm nhìn mới, quyết tâm mới, nhiều dự án lớn đã, đang được Thái Nguyên dồn sức thực hiện để thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

 

Tuy có nhiều tiến bộ trong việc nâng cao, giữ vững chỉ số PCI, trong việc chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế-xã hội, nhưng Thái Nguyên vẫn còn những vấn đề cần phải cố gắng hơn, đó là: Sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan nhà nước trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư chưa linh hoạt, quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành thực hiện chưa thực sự tốt. Trong đối thoại và hỗ trợ doanh nghiệp, một số ngành, địa phương còn vắng mặt, chưa chấp hành tốt sự phân công, chỉ đạo của HĐND, UBND tỉnh trong việc giải đáp thắc mắc cho doanh nghiệp trên địa bàn khi có yêu cầu. Việc phối hợp báo cáo, đánh giá kết quả thực hiện của một số đơn vị còn chậm, chưa kịp thời. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư và thực hiện các thủ tục về đất đai vẫn còn gặp khó khăn, vướng mắc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, khai thác và công khai, minh bạch thủ tục hành chính thực hiện còn chưa triệt để.

 

Để khắc phục những bất cập nêu trên và giữ vững, nâng cao hơn chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thời gian tới đây, tỉnh Thái Nguyên cần tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác cải cách hành chính. Các ngành, địa phương tiếp tục rà soát, cập nhật các quy định hiện hành, bãi bỏ các thủ tục hành chính không còn phù hợp, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Tổ chức công khai, minh bạch thủ tục hành chính tại các bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của tất cả các ngành, các cấp, địa phương...

 

Nguồn Nhandan.com.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang