Thứ Sáu, 19/04/2024 00:54:50 GMT+7

Tin đăng lúc 09-06-2020

Lượt xem: 1677

Ninh Bình tăng hiệu quả đầu tư vào khu công nghiệp

Ninh Bình đã xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả chương trình xúc tiến đầu tư vào các khu công nghiệp trong tỉnh. Các hoạt động xúc tiến đầu tư được xây dựng cụ thể, chặt chẽ, bám sát chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo đảm thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài vào các khu công nghiệp theo đúng định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư.
Ninh Bình tăng hiệu quả đầu tư vào khu công nghiệp
Dây chuyền sản xuất bóng đèn của Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Ðại Phát, Khu công nghiệp Phúc Sơn (Ninh Bình).

5 năm qua, Ninh Bình thu hút được 30 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký gần 15.880 tỷ đồng.

 

Từ đầu năm đến nay, diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng tới tiến độ thu hút đầu tư; tỉnh đã thực hiện cấp mới cho một dự án với mức đầu tư 120 tỷ đồng và đang hoàn chỉnh thủ tục để cấp mới cho hai dự án (tổng vốn đăng ký hơn 170 tỷ đồng). Do tỉnh có sự lựa chọn trong thu hút đầu tư và xử lý nghiêm những dự án chậm tiến độ, cho nên các dự án đi vào hoạt động đều đem lại hiệu quả trong phát triển kinh tế.

 

Toàn tỉnh hiện có bảy khu công nghiệp, với tổng diện tích gần 1.500 ha; trong đó năm khu công nghiệp hoạt động ổn định: Khánh Phú, Gián Khẩu, Phúc Sơn, Tam Ðiệp I, Khánh Cư. Ðến nay, tổng số dự án đầu tư còn hiệu lực là 113 dự án (tổng số vốn đăng ký là hơn 61 nghìn tỷ đồng). Trong 28 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 22 dự án đã hoạt động sản xuất, kinh doanh, sáu dự án còn lại được triển khai đúng tiến độ giải quyết số lượng lớn việc làm cho lao động địa phương. Trong năm tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp của tỉnh đạt 590 triệu USD.

 

* Từ đầu năm đến nay, các ngành, địa phương, đơn vị của tỉnh Ðồng Tháp đã tăng cường công tác tư vấn, giải quyết chính sách bảo hiểm thất nghiệp; đồng thời thông tin tuyển dụng, giới thiệu việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid-19. Toàn tỉnh có gần 70 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, từ đó tác động đến việc làm của gần 8.000 lao động. Các ngành nghề bị ảnh hưởng gồm công nghệ chế biến, xây dựng, nghệ thuật vui chơi giải trí, giáo dục và đào tạo, dịch vụ ăn uống, buôn bán... Tỉnh đã tiến hành rà soát, áp dụng các chính sách hỗ trợ người lao động sau thời gian nghỉ việc, không tìm được việc làm. Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Ðồng Tháp tổ chức phiên giao dịch việc làm với 15 doanh nghiệp tham gia, hơn 1.000 lượt người đến tìm kiếm cơ hội học nghề, việc làm. Kết quả, có gần 500 lao động được tư vấn và hơn 140 người được giới thiệu việc làm. Tỉnh còn tăng cường kết nối với các doanh nghiệp để tìm kiếm việc làm cho người lao động. Các địa phương kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện chương trình việc làm và giảm nghèo các cấp nhằm hỗ trợ lao động địa phương; đưa ra giải pháp hỗ trợ lao động xuất khẩu theo hợp đồng làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

 

Tính đến đầu tháng 6, toàn tỉnh có gần 14 nghìn lao động được giải quyết việc làm. Dự kiến từ nay đến cuối năm, các cơ sở dạy nghề trong tỉnh tuyển và đào tạo nghề cho hơn 21.500 lao động nông thôn, trong đó đào tạo nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp là 2.400 lao động.

 

Theo Báo Nhân Dân

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang