Thứ Sáu, 19/04/2024 00:44:56 GMT+7

Tin đăng lúc 07-07-2016

Lượt xem: 4995

Ninh Bình tăng cường thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ

Với 7 khu và 25 cụm công nghiệp, năm 2015, giá trị sản xuất công nghiệp của Ninh Bình đạt trên 33 nghìn tỷ đồng. Hiện nay, UBND tỉnh Ninh Bình vẫn đang tiếp tục tăng cường thu hút đầu tư, nhất là đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) cho các ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, cơ khí, dệt may và linh kiện điện tử.
Ninh Bình tăng cường thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hỗ trợ
Dây chuyền lắp ráp ô tô của Nhà máy lắp ráp ô tô Thành Công

Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực CNHT, tạo điều kiện cho thương nhân đầu tư cơ sở hạ tầng công nghiệp và thương mại hiện đại trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển KT – XH của tỉnh. Trong đó, đã tập trung triển khai xây dựng Quy hoạch phát triển cụm công nghiệp tỉnh Ninh Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Ban hành Quy chế đánh giá, xét chọn và hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực tỉnh Ninh Bình, phê duyệt chương trình khuyến công tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2016 – 2020, chính sách về phát triển CNHT…

 

Nhờ vậy, thời gian qua Ninh Bình cũng đã thu hút được một số doanh nghiệp sản xuất, chế tạo camera và linh kiện điện tử, đinh ốc vít… trong đó có Nhà máy lắp ráp ô tô Thành Công – doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam được Tập đoàn Huyndai Hàn Quốc hợp tác lắp ráp một số dòng xe tiêu thụ trên thị trường Việt Nam. Trên cơ sở định hướng tập trung thu hút đầu tư vào CNHT, Ninh Bình đã ban hành quy định về chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển CNHT đối với ngành sản xuất, lắp ráp ô tô và các ngành công nghiệp khác. Đặc biệt, Lãnh đạo tỉnh còn trực tiếp làm việc với Hàn Quốc về các chính sách ưu đãi nhằm kêu gọi các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư vào CNHT ngành ô tô của tỉnh.

 

Trong thời gian tới, để tăng cường thu hút đầu tư, Ninh Bình hiện đang xây dựng kế hoạch thành lập cụm công nghiệp riêng cho ngành CNHT theo phương thức kêu gọi đầu tư trực tiếp, Nhà nước đầu tư, hoặc có thể theo mô hình hợp tác công tư. Cụm CNHT sẽ có những phân khu riêng về kỹ thuật, khu chức năng, khu xử lý môi trường…, đồng thời nỗ lực xây dựng hạ tầng đồng bộ để các nhà đầu tư có địa điểm lý tưởng về cơ sở hạ tầng. Tập trung xây dựng một số khu, cụm CNHT có trang thiết bị, công nghệ tiên tiến gắn với các vùng có các ngành công nghiệp chính phát triển, dồn hết mọi khả năng để kêu gọi FDI đầu tư vào việc sản xuất trong các ngành CNHT, từ đó kết nối doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp nội địa trong việc phát triển sản xuất hỗ trợ thông qua các chương trình giới thiệu nhu cầu phát triển và sử dụng sản phẩm phụ trợ và hợp đồng kinh tế giữa các doanh nghiệp này. Ninh Bình cũng sẽ xây dựng các trang web chuyên ngành công nghiệp, xây dựng cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm hỗ trợ, kênh thông tin cho các công ty linh kiện phụ tùng và các nhà sản xuất FDI, SOE… để làm cơ sở cho việc giới thiệu, tìm kiếm các mối liên kết ngang; Tổ chức và hỗ trợ thành lập các trung tâm tiếp thị tìm kiếm thị trường tiêu thụ và đối tượng cung cấp sản phẩm hỗ trợ trong và ngoài nước, đồng thời làm cầu nối giữa các doanh nghiệp.

 

Có thể nói, ngành CNHT Ninh Bình đã và đang góp phần chuyển giao công nghệ, áp dụng các kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, đồng thời tạo công ăn việc làm, thu hút lao động dư thừa của doanh nghiệp và khu vực lân cận. Đồng thời, tiếp tục tập trung phát triển ngành CNHT nhằm tạo nền tảng phát triển KT- XH của tỉnh, thúc đẩy quá trình CNH, HĐH.

 

Hoa Nguyễn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang