Thứ Tư, 24/04/2024 03:38:34 GMT+7

Tin đăng lúc 14-11-2019

Lượt xem: 2544

Ninh Bình: Hỗ trợ doanh nghiệp địa phương ứng dụng công nghệ mới phát triển SXKD

Thời gian qua, công tác khuyến công ở Ninh Bình ngày càng thiết thực hơn, đi vào chiều sâu, góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp nông thôn có thêm động lực phát triển.
Ninh Bình: Hỗ trợ doanh nghiệp địa phương ứng dụng công nghệ mới phát triển SXKD
Làm hàng thêu tại xã Ninh Hải (Hoa Lư).

Sự phát triển của các cơ sở CNNT, các làng nghề tiểu thủ công nghiệp ở Ninh Bình đang trở thành nhân tố tích cực thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phân công lại lao động xã hội.

 

Năm 2019, Bộ Công Thương và HĐND tỉnh phê duyệt tổng kinh phí hỗ trợ khuyến công là 10,1 tỷ đồng, hỗ trợ cho 34 đề án. Theo đó, Trung tâm Khuyến công, Xúc tiến thương mại và Phát triển Cụm công nghiệp (Sở Công Thương Ninh Bình) đã hỗ trợ cho 02 doanh nghiệp thực hiện đề án “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến trong sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ” với tổng kinh phí hỗ trợ là 600 triệu đồng.

 

Trung tâm đã phối hợp với doanh nghiệp tư nhân Minh Quyền Ninh Bình và Công ty TNHH Đá mỹ nghệ Lâm Tạo đầu tư 04 máy CNC 3D điêu khắc đá. Trước đây, việc chạm đục thủ công cho ra số lượng sản phẩm ít, khó thực hiện các mẫu chạm khắc tinh vi và chi tiết phức tạp. Với máy CNC 3D mới, sản phẩm chạm khắc được sản xuất nhanh hơn, nhiều hơn với độ chính xác cao hơn. Mẫu mã sản phẩm đẹp hơn cũng thỏa mãn nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, thị trường.

 

Việc ứng dụng công nghệ 3D trong sản xuất, chế tác đá mỹ nghệ đã nâng cao năng suất, chất lượng, tăng giá trị và tính cạnh tranh của sản phẩm. Điều này góp phần giúp các cơ sở chuyển hướng sản xuất, từng bước hiện đại hóa thiết bị, công nghệ. Đại diện các đơn vị thụ hưởng cũng cho biết, máy CNC 3D đã giúp tăng năng suất lao động lên gấp 1,5 lần so, giải phóng 50% sức lao động chân tay và giúp thu nhập của người lao động ổn định ở mức 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.

 

 

Các doanh nghiệp làm hàng thủ công mỹ nghệ nhận được rất nhiều sự quan tâm, đầu tư

 

Ngoài máy CNC 3D, Trung tâm cũng đang triển khai Đề án hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng Cụm công nghiệp Gia Vân với kinh phí hỗ trợ là 5,5 tỷ đồng. Đến nay, Cụm công nghiệp Gia Vân đã thu hút được nhiều nhà đầu tư, góp phần tăng thu ngân sách cho Ninh Bình và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

 

Để thực hiện hiệu quả nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2019, Trung tâm đã bám sát, tìm hiểu những vướng mắc của cơ sở, đồng thời có những biện pháp hỗ trợ kịp thời để các doanh nghiệp, hộ sản xuất ổn định, mở rộng quy mô.

 

Thúc đẩy sản xuất CN – TTCN cũng luôn là ưu tiên lớn của Ninh Bình trong những năm qua. Đơn cử như trường hợp huyện Hoa Lư, từ đầu năm 2019 đến nay, giá trị sản xuất CN – TTCN của huyện ước đạt 636,375 tỷ đồng với sự gia tăng chủ yếu của các mặt hàng truyền thống như đá mỹ nghệ, thêu ren, sản phẩm may mặc, phân bón, xi măng clanke, vật liệu xây dựng… Toàn huyện hiện có trên 250 doanh nghiệp, với khoảng 100 doanh nghiệp và trên 700 hộ gia đình trực tiếp sản xuất đá mỹ nghệ. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất này đã thu hút và tạo việc làm cho trên 5.200 lao động thường xuyên và hơn 4.000 lao động thời vụ với mức thu nhập bình quân khoảng 4,5 đến 6 triệu đồng/người/tháng.

 

Theo báo cáo của Sở Công Thương Ninh Bình, 8 tháng năm 2019, tổng giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt gần 46.951,7 tỷ đồng, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 82,23% so với kế hoạch năm.

 

 

 

 

 

Minh Phương


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang