Thứ Sáu, 29/03/2024 03:59:49 GMT+7

Tin đăng lúc 26-04-2020

Lượt xem: 1584

Ninh Bình đồng hành cùng doanh nghiệp vượt bão COVID-19

Để hỗ trợ các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, bên cạnh các chính sách của Chính phủ, các sở ban ngành của tỉnh Ninh Bình có nhiều hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ninh Bình đồng hành cùng doanh nghiệp vượt bão COVID-19
Tỉnh Ninh Bình đưa ra nhiều giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Hoàng Trung Kiên, Giám đốc Sở Công thương Ninh Bình, nếu phải tạm ngừng một phần hoặc toàn bộ hoạt động sản xuất do thiếu hụt nguồn nguyên, phụ liệu và linh kiện đầu vào, các doanh nghiệp sẽ phải chịu rất nhiều chi phí phát sinh như, các chi phí vốn vay ngân hàng, duy tu bảo trì máy móc trong quá trình tạm ngưng sản xuất, chi phí trả lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật về lao động...

 

Huy động doanh nghiệp kết nối, tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường nội địa

 

Vì vậy, để hỗ trợ các doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, hiện nay, ngành Công thương đang tập trung các giải pháp, trước mắt là doanh nghiệp Việt Nam, vì doanh nghiệp FDI có tiềm lực mạnh và hỗ trợ từ các quốc gia có đại diện ở Việt Nam, còn các doanh nghiệp của Việt Nam hầu hết vẫn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ nên cần sự hỗ trợ. Ngành Công thương đã và đang tích cực huy động kết nối, tiêu thụ sản phẩm ngay tại thị trường nội địa, có thể cung cấp nguyên liệu đầu vào cho doanh nghiệp Việt Nam.

 

Đại diện Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, ban đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh các giải pháp hỗ trợ người lao động, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Theo đó, đối với các doanh nghiệp phải dừng hoạt động đã hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện các biện pháp kê khai, hoàn chỉnh hồ sơ thủ tục để được hưởng các hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh về thuế, tài chính, tiền thuê đất...

 

Đối với các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh giữ mối liên hệ với các chủ doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn cho doanh nghiệp đảm bảo ổn định sản xuất, kinh doanh cũng như đời sống cho người lao động.

 

Thúc đẩy hoạt động xuất khẩu

 

Được biết, hiện nay Sở Công thương tỉnh Ninh Bình cũng đang đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, chương trình khuyến công... Đặc biệt, năm 2020, tỉnh đã hỗ trợ một số doanh nghiệp xây dựng website thương mại điện tử bán hàng với 2 ngôn ngữ là Tiếng Việt và Tiếng Anh. Thông qua việc hỗ trợ này nhằm giúp các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tạo dựng kênh thông tin trực tuyến quảng bá thương hiệu, sản phẩm, tìm kiếm khách hàng, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu.

 

Về phía doanh nghiệp, đại diện công ty TNHH Great Global International cho biết, các đơn hàng xuất đi Mỹ của Công ty cũng đã bị hủy. Từ sau Tết nguyên đán đến nay công ty mới chỉ nhập về được 4 công ten nơ nguyên phụ liệu, số lượng này chỉ đủ để doanh nghiệp duy trì hoạt động đến cuối tháng 4. Hiện nay, công ty đang khó khăn về nguồn nguyên liệu đầu vào, đơn vị đang phải chia đều các đơn hàng lẻ cho các tổ sản xuất nhằm đảm bảo việc làm cho hơn 2 nghìn lao động. Tuy nhiên, cũng không thể duy trì được lâu. Dự kiến, chỉ đến khoảng đầu tháng 5 là Công ty phải đóng cửa và cho toàn bộ công nhân nghỉ việc.

 

Còn theo ông Nguyễn Thanh Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Lam Giang, ngoài chính sách giảm lãi, giảm thuế, giãn nợ, các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động mong muốn Chính phủ, tỉnh Ninh Bình bố trí ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp tiền lương cho người lao động để ổn định đời sống công nhân.

 

Về phía ngân hàng, ông Phạm Đức Cường, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh cho biết, để chính sách nhanh chóng được triển khai đến đúng đối tượng thụ hưởng, sau khi các Bộ, ngành và Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam ban hành hướng dẫn cho vay, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh sẽ phối hợp cùng Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, các sở, ngành liên quan thực hiện rà soát, nắm bắt các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, số lao động phải ngừng việc, dừng hợp đồng lao động... Trên cơ sở đó, Ngân hàng sẽ tính toán và xin phân bổ nguồn vốn để thực hiện hỗ trợ kịp thời đối với người sử dụng lao động để chi trả tiền lương ngừng việc tại điểm 2 Mục II Nghị quyết số 42/NQ-CP, đảm bảo đúng quy định.

 

Theo Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang