Thứ Ba, 16/04/2024 14:46:14 GMT+7

Tin đăng lúc 17-04-2020

Lượt xem: 1974

Những sản phẩm 4.0 góp phần phòng chống dịch

Robot “BK-AntiCovid” được nhóm giảng viên khoa cơ khí, trường đại học Bách khoa thuộc đại học Đà Nẵng chế tạo theo đơn đặt hàng của Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng để phục vụ những người tại khu cách ly trong giai đoạn nghi nhiễm Covid-19 nhằm giảm lây lan dịch bệnh cũng như bảo đảm sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế...
Những sản phẩm 4.0 góp phần phòng chống dịch
Máy rửa tay sát khuẩn tự động của Trường Đại học Sư phạm đặt tại chợ Cồn

Từ máy rửa tay sát khuẩn tự động

 

Nhằm chung tay cùng toàn xã hội trong cuộc chiến chống Covid-19, giảng viên, sinh viên các trường thuộc Đại học Đà Nẵng đã sáng tạo máy rửa tay sát khuẩn tự động, phục vụ nhà trường, bệnh viện và cộng đồng. Đến nay, đã có 3 trường làm máy rửa tay sát khuẩn tự động gồm: trường đại học Sư phạm, trường đại học Bách khoa và trường đại học Sư phạm kỹ thuật. Đặc điểm chung là máy có cấu tạo đơn giản gồm: hệ thống cảm biến, vòi phun và bình đựng dung dịch nước sát khuẩn. Để lấy dung dịch sát khuẩn, người dùng chỉ cần đưa lòng bàn tay vào dưới vòi phun (không tiếp xúc thiết bị), hệ thống cảm biến tự động được kích hoạt sẽ phun một lượng dung dịch vừa đủ vào tay người cần rửa. Ưu điểm nổi bật của thiết bị là tránh tiếp xúc trực tiếp giữa người sử dụng và máy giúp phòng tránh lây nhiễm Covid-19; giá thành thấp; tiết kiệm dung ịch sát khuẩn.

 

Kỹ sư Trịnh Ngọc Đạt, giảng viên khoa vật lý, Trường đại học Sư phạm, là người đưa ra ý tưởng thiết kế sản phẩm, chia sẻ, nhóm nghiên cứu suy nghĩ để thiết kế, chế tạo máy sao cho gọn, nhẹ, dễ di chuyển, đặc biệt là có chi phí thấp… để có thể đặt máy tại nhiều địa điểm công cộng trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, dung dịch nước sát khuẩn cũng do các giảng viên và sinh viên của trường sản xuất nên càng tiết kiệm chi phí. Tuy nhiên, sản phẩm của mỗi trường vẫn có sự khác biệt về kích thước, mẫu mã. Như sản phẩm máy rửa tay sát khuẩn tự động của nhóm 4 sinh viên trường đại học Bách khoa  có kích thước nhỏ, gọn. Trong khi đó, sản phẩm máy rửa tay sát khuẩn tự động được nghiên cứu, chế tạo bởi nhóm giảng viên, sinh viên khoa vật lý, trường đại học Sư phạm, có dung tích lên đến 10 lít (chứa được dung dịch sát khuẩn có thể phục vụ khoảng 2.000 lượt người sử dụng). Tương tự, máy rửa tay sát khuẩn tự động do nhóm nghiên cứu-giảng dạy Khoa Cơ khí, Trường đại học Sư phạm kỹ thuật, có dung tích lên đến 20 lít. Sản phẩm đã được đưa vào sử dụng tại đơn vị và trong cộng đồng. Bệnh viện Đà Nẵng đã đặt hàng nhóm sinh viên Trường đại học Bách khoa lắp đặt 10 máy rửa tay sát khuẩn tự động để dùng tại các khu vực có đông bệnh nhân đến khám.

 

PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường đại học Bách khoa cho biết, phía nhà trường sẽ hỗ trợ một phần cùng với Bệnh viện Đà Nẵng chung tay đẩy lùi đại dịch Covid-19. Cụ thể, ngoài máy mẫu bệnh viện đặt hàng, nhà trường sẽ tặng thêm máy cho bệnh viện; đồng thời, nhà trường cũng sẽ cố gắng tìm kiếm các nguồn tài trợ để hỗ trợ thêm chi phí sản xuất và gia tăng số lượng máy để nhiều đơn vị có thể tiếp cận và sử dụng sản phẩm hữu ích giữa đại dịch này. Trong khi đó, đại diện Trường đại học Sư phạm đã đến tận nơi để trao tặng, hướng dẫn sử dụng máy rửa tay sát khuẩn tự động cho 5 chợ lớn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng bao gồm: chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Mới, chợ Đống Đa và chợ đầu mối Hòa Cường. Sản phẩm  đưa vào thử nghiệm  nhận được phản hồi rất tích cực của đội ngũ y bác sĩ cũng như bệnh nhân đến khám bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng cũng như người dân thành phố.

 

Đến robot vận chuyển và thiết bị đo thân nhiệt từ xa

 

Robot “BK-AntiCovid” được nhóm giảng viên khoa cơ khí, trường đại học Bách khoa thuộc đại học Đà Nẵng chế tạo theo đơn đặt hàng của Bệnh viện Phụ sản - Nhi  Đà Nẵng để phục vụ những người tại khu cách ly trong giai đoạn nghi nhiễm Covid-19 nhằm giảm lây lan dịch bệnh cũng như bảo đảm sức khỏe cho đội ngũ nhân viên y tế. Trong 5 ngày, nhóm giảng viên khoa cơ khí đã chế tạo thành công robot “BK-AntiCovid” với cấu tạo bằng thép không rỉ (inox) 3 ly, khung đúc liền với nhau để không bị thấm nước. Robot có trọng tải khoảng 100kg nhưng khá linh hoạt trong vận chuyển thức ăn, thuốc men, các vật dụng cá nhân… đến người được cách ly; trong khi cơ cấu truyền động lại không quá nhanh, tạo điều kiện dễ dàng cho người điều khiển. Đồng thời, trong quá trình vận hành, có thể xịt, phun thuốc khử trùng, hóa chất lên robot theo yêu cầu về y tế mà vẫn bảo đảm các mạch, linh kiện hoạt động ổn định.

 

Theo TS Võ Như Thành, Trưởng bộ môn Cơ điện tử (khoa cơ khí), từ khi nhận yêu cầu đặt hàng cho đến khi ra sản phẩm, nhóm nghiên cứu có khoảng 7 ngày. Trong đó, công việc thiết kế, chế tạo, lập trình, gia công linh kiện, chế tạo mạch đấu nối dây và khung giàn chỉ 5 ngày và kiểm tra chạy thử trong 2 ngày. Khó nhất trong chế tạo robot “BK-Anticovid” là sản phẩm phải khép kín để đạt yêu cầu chống nước, tính toán công suất động cơ sao cho đủ tải và gia công cơ khí. Trong một thời gian rất ngắn, với sự hỗ trợ của 3 cựu sinh viên của khoa cùng những xưởng cơ khí quen biết, nhóm nghiên cứu đã lắp ráp và vận hành thành công robot. Bác  sĩ  Trần Đình Vinh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng đánh giá cao tính hữu ích và hiệu quả của sản phẩm trong công tác phòng, chống Covid-19 của bệnh viện. Bởi, robot này có thể vận chuyển thức ăn, nhu yếu phẩm, đồng thời có thể theo dõi quan sát tình trạng đối tượng được cách ly từ xa, hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa nhân viên y tế và người bệnh; nhờ đó, bảo đảm an toàn, tránh lây nhiễm chéo Covid-19.

 

Tương tự, thiết bị đo thân nhiệt từ xa là sản phẩm công nghệ do nhóm nghiên cứu động cơ sử dụng năng lượng tái tạo Trường Đại học Bách khoa-đại học Đà Nẵng  nghiên cứu và chế tạo. Thiết bị này có cấu tạo gồm 1 máy đo thân nhiệt hồng ngoại thông dụng (hoặc cảm biến nhiệt độ hồng ngoại), 1 webcam, một laptop hay Ipad, điện thoại thông minh để đọc kết quả. Kết quả đo sẽ được camera chuyển đến màn hình của nhân viên y tế qua mạng internet. Việc sử dụng máy đo thân nhiệt từ xa bảo đảm không có sự tiếp xúc gần giữa nhân viên y tế và người được đo, nhờ đó, hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm chéo Covid-19. Hơn nữa, chi phí đầu tư thiết bị khá thấp là những yếu tố để thiết bị có thể được nhân rộng.

 

GS.TSKH. Bùi Văn Ga - Trưởng nhóm nghiên cứu chế tạo cho biết, nhóm nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho cơ quan, trường học, doanh nghiệp… để tự chế tạo hoặc nhóm chế tạo  cung cấp theo yêu cầu, hoàn toàn không vì lợi nhuận, nhằm phổ biến rộng rãi công nghệ này cho cộng đồng, góp phần hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Hiện nhà trường cũng đã nhận được các “đặt hàng” từ nhiều đơn vị, cơ quan, địa phương trong cả nước.

 

Theo Thơi Báo Ngân Hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang