Thứ Bẩy, 20/04/2024 00:20:48 GMT+7

Tin đăng lúc 28-11-2022

Lượt xem: 636

Những mùa lễ hội được trông chờ

Festival Huế 2023 ngoài việc tôn vinh, quảng bá các giá trị đặc sắc của văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, còn là dịp để quảng bá hoạt động du lịch thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của người dân địa phương và các cơ sở lưu trú.
Những mùa lễ hội được trông chờ

Mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa công bố kế hoạch tổ chức các hoạt động Festival Huế 2023 gắn với định hướng "Festival bốn mùa". Với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, Festival Huế 2023 dự kiến sẽ được tổ chức với các hoạt động liên tục, kéo dài suốt trong năm. Theo kế hoạch, Festival sẽ chia làm 4 mùa.

 

Lễ hội mùa Xuân “Xuân Cố đô” trải dài suốt 3 tháng đầu năm từ tháng 1 đến tháng 3, bao gồm các lễ hội cung đình, lễ hội truyền thống, lễ hội dân gian đặc thù. Điểm nhấn là chương trình Khai mạc - Lễ Ban Sóc cùng nhiều hoạt động Tết cung đình, tết dân gian vừa phong phú, vừa độc đáo với những tập tục đón Tết...

 

Lễ hội mùa Hạ chủ đề “Kinh thành tỏa sáng” diễn ra từ tháng 4 đến tháng 6. Trong đó, điểm nhấn là chương trình nghệ thuật kỷ niệm 30 năm Quần thể Di tích Cố đô Huế và 20 năm Nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO vinh danh kết hợp với các hoạt động Festival nghề truyền thống Huế “Tinh hoa nghề Việt”.

 

Trong khi đó, điểm nhấn của Lễ hội mùa Thu với chủ đề “Huế vào thu” từ tháng 7 đến tháng 9 sẽ là Lễ hội Áo dài gắn với Tuần lễ Áo dài cộng đồng Huế kết hợp các hoạt động vui Tết Trung thu, Lễ hội đèn lồng, Ngày hội Lân và các hoạt động trưng bày, sắp đặt, rước đèn lồng, quảng diễn múa lân...

 

Ba tháng cuối năm là Lễ hội mùa Đông với “Mùa Đông xứ Huế” từ tháng 10 đến tháng 12 với điểm nhấn là Festival âm nhạc quốc tế và Chương trình Countdown chào đón năm mới, tạo không khí mùa đông xứ Huế sôi động, ấm áp hơn, đồng thời tạo các loại hình vui chơi, giải trí cho du khách thưởng ngoạn trong thời gian lưu lại Cố đô Huế.

 

Festival Huế 2023 ngoài việc tôn vinh, quảng bá các giá trị đặc sắc của văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, còn là dịp để quảng bá hoạt động du lịch thúc đẩy các hoạt động kinh doanh của người dân địa phương và các cơ sở lưu trú. Đặc biệt, lễ hội sẽ góp phần kích cầu du lịch, thu hút khách trong nước và quốc tế đến cố đô Huế và các địa phương miền Trung trong thời gian dài.

 

Tương tự, UBND TP. Đà Nẵng vừa ban hành kế hoạch tổng thể tổ chức Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng 2023 (DIFF 2023). Lễ hội từ lâu đã được xem là “thương hiệu” của Đà Nẵng. Sau 2 năm vắng bóng vì dịch bệnh, người dân, du khách, đặc biệt là những người làm du lịch đều kỳ vọng sự quay trở lại của lễ hội lớn này trong năm 2023 sẽ góp phần thúc đẩy các hoạt động du lịch, thu hút đông khách trong nước và quốc tế đến thành phố bên bờ sông Hàn này.

 

Theo đó, lễ hội dự kiến diễn ra từ ngày 3/6 đến ngày 8/7/2023 tại khu vực cảng sông Hàn với quy mô khán đài 17.000 chỗ ngồi. DIFF 2023 dự kiến có 8 đội tham gia (gồm đội chủ nhà Đà Nẵng - Việt Nam và 7 đội quốc tế) sẽ trình diễn trong 5 đêm, trong đó có 4 đêm thi vòng loại và 1 đêm chung kết. Mỗi đội sẽ trình diễn trong khoảng thời gian 20 phút theo chủ đề của DIFF 2023. Bên cạnh màn trình diễn pháo hoa của các đội, các chương trình nghệ thuật cũng được đầu tư theo chủ đề của từng đêm... Với hoạt động chính là Lễ hội pháo hoa quốc tế 2023, Đà Nẵng cũng dự kiến địa điểm để tổ chức các hoạt động phụ trợ trải rộng trên địa bàn thành phố gồm: các không gian hai bên bờ sông Hàn, dọc đường Bạch Đằng, bãi biển Mỹ Khê, dọc đường Võ Nguyên Giáp, Cung thể thao Tiên Sơn…

 

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP. Đà Nẵng Cao Trí Dũng chia sẻ, lễ hội pháo hoa đã trở thành điểm nhấn của Đà Nẵng, không những nâng tầm thương hiệu điểm đến mà còn là giải pháp để thu hút khách đến với thành phố. Do đó, với kỳ vọng nối tiếp những thành công của các lần tổ chức trước, các doanh nghiệp du lịch rất hoan nghênh chào đón sự kiện lễ hội pháo hoa quay trở lại.

 

Theo Thời báo ngân hàng


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang