Thứ Sáu, 29/03/2024 19:16:46 GMT+7

Tin đăng lúc 26-03-2020

Lượt xem: 2526

Những khó khăn khi chuyển đổi hộ kinh doanh hoạt động theo Luật Doanh nghiệp

Theo Nghị quyết 35 của Chính phủ ngày 16/5/2016, thì mục tiêu đến 2020, cả nước sẽ có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có các doanh nghiệp có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% doanh nghiệp Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo...
Những khó khăn khi chuyển đổi hộ kinh doanh hoạt động theo Luật Doanh nghiệp
Ảnh minh họa

Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đề ra thì chúng ta cần phải làm gì để hỗ trợ khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi và đăng kí hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Trong thực tế, việc thực hiện mục tiêu này đang gặp không ít khó khăn và thách thức.

 

Theo các chuyên gia, hiện kinh tế hộ ở nước ta đang là một lực lượng mạnh trong nền kinh tế với hơn 5,2 triệu hộ kinh doanh, đóng góp 32% GDP. Mặc dù có nhiều thuận lợi, nhưng mô hình hộ kinh doanh cũng xuất hiện nhiều hạn chế khiến mô hình này khó có thể phát triển và đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế đất nước. Nếu chính thức hóa hoạt động kinh doanh hộ kinh doanh sẽ nâng cao chất lượng lao động, thu nhập và tính ổn định. Ông Mạc Quốc Anh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội chia sẻ: Chúng tôi cũng khảo sát nhiều hộ kinh doanh và họ cũng chia sẻ thẳng thắn. Họ không muốn lớn vì có quá nhiều thủ tục rườm rà, nhiều điều kiện nếu muốn trở thành doanh nghiệp. Khi hợp tác với đối tác, nhà đầu tư thì các đối tác cũng không yêu cầu họ trở thành các công ty.

 

Để khuyến khích các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp, Nhà nước đã có nhiều chính sách ưu tiên. Mới đây, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 47 quy định mới về thu lệ phí doanh nghiệp. Từ ngày 20/9/2019, mức thu lệ phí đăng kí doanh nghiệp còn 50.000 đồng/lần (trước là 100.000 đồng/lần). Nếu thực hiện đăng kí qua mạng điện tử, doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh được miễn lệ phí đăng kí doanh nghiệp. Thông tư trên giảm phí công bố nội dung đăng kí doanh nghiệp từ 300.000 đồng xuống 100.000 đồng/lần. Ông Đậu Anh Tuấn – Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho biết: “Theo tinh thần của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và những Nghị định, Thông tư gần đây của Bộ Tài chính, thì thấy rằng, chính sách của Chính phủ là rất hợp lý, thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc Luật ban hành đã được 2 năm nhưng thời gian qua quá trình chuyển đổi này diễn ra chậm, chưa đáp ứng nhu cầu của các hộ kinh doanh.

 

Theo ông Nguyễn Đại Trí – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, muốn quá trình chuyển đổi nhanh hơn, thì Bộ Tài chính phải xây dựng chế độ kế toán doanh nghiệp phù hợp với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, phù hợp với đối tượng là hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Sau đó một mặt để đảm bảo yêu cầu quản lý nhưng phải đơn giản hóa tới mức tối đa để cho các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể sử dụng được mà không làm tăng chi phí vận hành của doanh nghiệp. Mặt khác, nếu cứ áp dụng chính sách thuế khoán như hiện nay, hộ kinh doanh sẽ không có động lực chuyển đổi lên doanh nghiệp vốn đòi hỏi về các yêu cầu về báo cáo thuế, quyết toán thuế cao hơn rất nhiều so với thuế khoán. Giải pháp cần làm lúc này là giảm tối đa các điều kiện hoạt động cho nhóm doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, tạo tiền đề để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp chứ không phải chỉ dừng lại ở chính sách giảm phí như hiện nay.

 

Bà Nguyễn Minh Thảo – Trưởng ban Môi trường kinh doanh Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cũng cho rằng, những quy định gần đây của Chính phủ chưa thực sự hấp dẫn cho các hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp. Trong Thông tư 47 có miễn lệ phí cho hộ kinh doanh khi đăng kí chuyển đổi lên doanh nghiệp hay Nghị định 39 có nhiều hỗ trợ cho hộ kinh doanh chuyển đổi lên doanh nghiệp nhưng các con số này đối với các hộ gia đình chưa thực sự hấp dẫn để họ phải thực hiện. Thông tư 47 chỉ thể hiện sự khuyến khích còn chưa phải động lực để họ thay đổi. Hộ kinh doanh chưa tin lắm và0 sự minh bạch và an toàn khi lên doanh nghiệp.

 

Một lý do mà khiến nhiều hộ kinh doanh không muốn lên doanh nghiệp là do không muốn thực hiện nghĩa vụ thuế theo đúng doanh thu thực tế, vì mức thuế khoán hằng năm mà các hộ đang nộp thấp hơn rất nhiều so với doanh thu thực. Mặt khác, việc chuyển đổi thành doanh nghiệp khiến các hộ phải mở sổ sách kế toán, lập báo cáo tài chính và nhiều thủ tục hành chính liên quan đến bảo hiểm, công đoàn, hợp đồng lao động, phòng cháy chữa cháy khiến chi phí tăng lên. Theo ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế: Khoán thuế là phải khoán ở mức tối đa để khi lên doanh nghiệp nộp thuế theo thực tế kinh doanh, mức thuế nhẹ hơn. Bởi vì hiện nay chúng ta đang khoán thấp hơn với thực tiễn. Chính vì vậy người ta không muốn lên doanh nghiệp. Đấy cũng là một nguyên nhân về lợi ích. Nhưng vấn đề thứ hai là các quy định về thành lập doanh nghiệp, các thông tin chế độ báo cáo đối với doanh nghiệp cũng cần giảm nhẹ về thủ tục, bởi đối với hộ kinh doanh muốn chuyển đổi lên doanh nghiệp để mở rộng quy mô nhưng lại thiếu kiến thức và kĩ năng quản trị kinh doanh dưới mô hình doanh nghiệp như tài chính nhân sự, bán hàng rủi ro nên nhiều người chưa đủ tự tin để phát triển lên doanh nghiệp và chấp nhận kinh doanh ở quy mô hộ gia đình. Vì vậy, hộ kinh doanh thay đổi lên doanh nghiệp phải có quá trình cụ thể, cắt giảm nhiều hơn nữa nhiều thủ tục.

 

Theo một khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương được thực hiện với những hộ kinh doanh lớn tương đương doanh nghiệp nhỏ cho thấy: Chỉ có khoảng 8,7% hộ kinh doanh có vốn từ 1 – 5 tỉ đồng nghĩ tới việc chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tỉ lệ hộ kinh doanh có trên 10 lao động muốn trở thành doanh nghiệp chỉ có khoảng 5,63%. Vẫn có hơn 10% hộ còn e ngại không muốn thành doanh nghiệp. Nguyên nhân sâu xa mà các hộ kinh doanh không chuyển đổi thành doanh nghiệp là do cách thức quản lý. Đối với hộ kinh doanh hiện nay đóng theo thuế khoán và cách thức quản lý rất đơn giản. Nếu như hoạt động thành doanh nghiệp, các yêu cầu về quyết toán, thanh tra kiểm tra… phức tạp hơn rất nhiều. Yêu cầu về chế độ kế toán là như nhau giữa doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ. Chính vì thế, hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp rất khó khăn vì họ phải tuân thủ tất cả quy định giống như một doanh nghiệp lớn. Nhà nước phải khuyến khích các hộ kinh doanh có tiềm năng bằng cơ chế chính sách thuận lợi hơn.

 

Bích Ngọc


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang