Thứ Năm, 28/03/2024 17:00:04 GMT+7

Tin đăng lúc 16-06-2019

Lượt xem: 1197

Nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế

Lạm phát được kiểm soát, cán cân thương mại tiếp tục duy trì, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, thị trường tài chính - tiền tệ ổn định là những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Nhiều yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế
Trong 5 tháng đầu năm, xuất nhập khẩu cán mốc 200 tỷ đô, trong đó xuất khẩu tăng "đột biến" ở thị trường Mỹ.

Thu ngân sách tăng 14,1%

 

Đây là thông tin tại buổi họp báo tình hình thực hiện công tác 5 tháng đầu năm 2019 do Tổng cục Thuế tổ chức chiều ngày 14/6.  Theo đó, Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế thu ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 508.608 tỷ đồng, đạt 43,5% so với dự toán pháp lệnh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính cho biết, để hoàn thành tốt mục tiêu đề ra, ngành thuế đã tích cực thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính.  Trong 5 tháng đầu năm 2019, tổng số tiền kiến nghị xử lý qua thanh tra, kiểm tra là  13.536,21 tỷ đồng, bằng 113,13% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Trong đó, tổng số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra là 4.045,27 tỷ đồng; giảm khấu trừ là 670,48 tỷ đồng; giảm lỗ là 8.820,45 tỷ đồng. Tổng số tiền thuế nộp vào ngân sách là 2.122,58 tỷ đồng, đạt 52,47% số thuế tăng thu qua thanh tra, kiểm tra, tăng 6,37% so với cùng kỳ năm 2018. 

 

Ngành thuế đã thanh tra, kiểm tra được 80 doanh nghiệp có hoạt động giao dịch liên kết; truy thu, truy hoàn và phạt 491,92 tỷ đồng; giảm lỗ 947,24 tỷ đồng; giảm khấu trừ 4,87 tỷ đồng và điều chỉnh tăng thu nhập chịu thuế 2.131,06 tỷ đồng.

 

Thực hiện thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT) là 1.875 quyết định, tương ứng với số tiền hoàn là: 8.061 tỷ đồng. Tổng số tiền truy hoàn và phạt là: 55,5 tỷ đồng (trong đó: truy hoàn: 40,1 tỷ đồng, phạt: 15,5 tỷ đồng).

 

Với những giải pháp hiệu quả, Tổng cục Thuế cho biết, lũy kế thu ngân sách nhà nước (NSNN) 5 tháng đầu năm 2019 ước đạt 508.608 tỷ đồng, đạt 43,5% so với dự toán pháp lệnh, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Theo ông Cao Anh Tuấn, trong 5 tháng đầu năm 2019, các ngành sản xuất và dịch vụ tăng trưởng khá; lạm phát được kiểm soát; cán cân thương mại tiếp tục duy trì; thu hút vốn đầu tư nước ngoài; thị trường tài chính - tiền tệ ổn định; cầu tiêu dùng hồi phục ở mức cao là những yếu tố thuận lợi cho tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

 

Cụ thể,  thu từ dầu thô ước đạt 23.371 tỷ đồng, bằng 52,4% so với dự toán, bằng 97,5% so với cùng kỳ năm 2018 trên cơ sở giá dầu thô bình quân 5 tháng năm 2019 ước đạt 66,9 USD/thùng, bằng 103% so với giá dự toán, bằng 95,6% so với cùng kỳ năm 2018 và sản lượng ước đạt 4,9 triệu tấn, bằng 47% dự toán, bằng 98% cùng kỳ.

 

Thu nội địa ước đạt 485.236 tỷ đồng, bằng 43,2% so với dự toán pháp lệnh, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018… So với dự toán, có 11/18 khoản thu, sắc thuế đạt khá (trên 43%). Hầu hết các khoản thu, sắc thuế đều có mức tăng trưởng thu khá như: Khu vực sản xuất kinh doanh tăng 14,5%; thuế thu nhập cá nhân tăng 18,5%; lệ phí trước bạ tăng 20,8%; thu từ xổ số tăng 12,6%, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, tài nguyên nước tăng 18,3%... 

 

Trong đó, số thu ngân sách trung ương lũy kế 5 tháng năm 2019 ước đạt 235.000 tỷ đồng, bằng 41,5% dự toán, tăng 20,5% so với cùng kỳ. Thu ngân sách địa phương ước đạt 273.608 tỷ đồng, bằng 45,5% dự toán, tăng 9,1% so với cùng kỳ.

 

Về công tác quản lý nợ thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, đến thời điểm 31/5/2019, cơ quan thuế đã thực hiện các biện pháp đôn đốc thu nợ và đã thu được 13.390 tỷ đồng tiền thuế nợ, bằng 34,5% nợ đến 90 ngày và trên 90 ngày tại thời điểm 31/12/2018, trong đó: Thu bằng biện pháp quản lý nợ là 10.246 tỷ đồng, bằng biện pháp cưỡng chế nợ thuế là 3.144 tỷ đồng. 

 

Ngành thuế đã thường xuyên cập nhật các chính sách thuế mới, công tác cải cách thủ tục hành chính, đăng tải các văn bản hướng dẫn về thuế và các hoạt động của ngành thuế trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

 

Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 01, 02 và Chương trình hành động của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế tiếp tục triển khai các giải pháp cải cách thủ tục hành chính thuế; triển khai theo đúng tiến độ các dự án công nghệ thông tin; đặc biệt là đã đẩy nhanh tiến độ triển khai và mở rộng thực hiện khai thuế qua mạng và nộp thuế điện tử; hóa đơn điện tử có mã xác thực của cơ quan thuế; triển khai hoàn thuế điện tử.

 

Kết quả, về khai thuế điện tử, hệ thống khai thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% Chi cục Thuế trực thuộc. Tính đến ngày 31/05/2019 có 99,98% doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử.

 

Về nộp thuế điện tử, ngành Thuế đã phối hợp với 50 Ngân hàng thương mại và 63 Cục Thuế triển khai dịch vụ Nộp thuế điện tử và tuyên truyền, vận động doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ. Tính đến 31/5/2019, 99,93% doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế.

 

Về hoàn thuế điện tử, tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử đạt 94,73% trên tổng số doanh nghiệp hoàn thuế và đạt 96,14% số hồ sơ đề nghị hoàn thuế; tổng số hồ sơ hệ thống đã giải quyết hoàn là 7.260 hồ sơ với tổng số tiền đã giải quyết hoàn là hơn 44.074 tỷ đồng.

 

Về hóa đơn điện tử, ngành thuế đã tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại thành phố Hà Nội, TP HCM, thành phố Đà Nẵng. Tính từ thời điểm triển khai tháng 9/2015 đến ngày 31/5/2019 tổng số doanh nghiệp tham gia hoàn thuế điện tử là 5.288 trên tổng số 5.582 doanh nghiệp hoàn thuế đạt tỷ lệ 94.73%; Số hồ sơ tiếp nhận là 10.027 hồ sơ trên tổng số 10.429 hồ sơ đạt tỷ lệ 96,14%...

 

Xuất nhập khẩu sớm cán mốc 200 tỷ USD

 

Hết tháng 5/2019, trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã vượt 200 tỷ USD, kỷ lục từ trước đến nay, với tốc độ tăng trưởng 8,8% (tương ứng tăng 16,5 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2018.

 

Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước trong tháng 5 đạt 21,9 tỷ USD, tăng 7,2% so với tháng trước đó. Ở chiều nhập khẩu, kim ngạch đạt gần 23,2 tỷ USD, tăng 10,5% so với tháng 4/2019.

 

Lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 101 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ 2018; tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước đạt 101,555 tỷ USD, tăng 10,5%.

 

Dù tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 5 đạt thấp hơn so với cùng kỳ vài năm gần đây, nhưng lũy kế hết tháng 5, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đã đạt 202,68 tỷ USD, con số kỷ lục trong 5 tháng đầu năm kể từ trước tới nay.

 

Đáng chú ý trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn chiếm tỷ trọng cao hơn nhưng tốc độ tăng lại thấp hơn khối doanh nghiệp trong nước.

 

Hết tháng 5, tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp FDI đạt 128,2 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 63% và chỉ tăng 6,5%, trong khi tổng trị giá xuất nhập khẩu của khối doanh nghiệp trong nước đạt 74,5 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 37% nhưng lại tăng tới 13,1%, gấp đôi tốc độ tăng của doanh nghiệp FDI.

 

Về cán cân thương mại, sau điệp khúc “xuất siêu, nhập siêu” liên tục thay đổi trong từng tháng, lũy kế hết tháng 5 Việt Nam bị thâm hụt 434 triệu USD, tỷ lệ nhập siêu là 0,4%. Tuy vậy, con số thâm hụt thương mại và tỷ lệ nhập siêu này vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với cùng kỳ một số năm trước.

 

Xuất khẩu mạnh ở thị trường Mỹ

 

Hiện nay, Việt Nam xuất siêu lớn nhất sang Hoa Kỳ lên tới 17 tỷ USD, tăng 31,5% so với cùng kỳ năm 2018; trong khi Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất và cũng bị thâm hụt nhiều nhất lên đến 16,3 tỷ USD, tăng mạnh tới trên 47%.

 

Cụ thể về thị trường xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm, trị giá xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng mạnh, còn hầu hết các thị trường chủ lực đều giảm tốc, thậm chí bị suy giảm như Trung Quốc, Hồng Kông, Đức, Hà Lan…

 

Trong đó, xuất khẩu sang Hoa Kỳ đạt 22,7 tỷ USD, chiếm hơn ¼ tổng trị giá xuất khẩu hàng hóa của cả nước. Tốc độ tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong 5 tháng đạt 29%, cao gấp gần 3 lần so với tốc độ tăng 10,3% của cùng kỳ năm trước.

 

Trong khi xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 13,6 tỷ USD, bị suy giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, thị trường Hồng Kông giảm 18,4%; Hà Lan giảm 9,4%; Đức giảm 2,3%...

 

Ở một thị lớn khác là Hàn Quốc dù đạt kim ngạch 7,7 tỷ USD nhưng chỉ tăng 7%, trong khi tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2018 lên đến 31,5%...

 

Về thị trường nhập khẩu, 5 tháng đầu năm nay riêng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường Trung Quốc lên đến 29,9 tỷ USD, tăng mạnh 20,3% so với cùng kỳ năm 2018.

 

Các thị trường đáng chú ý khác có thể kể đến như: Hàn Quốc đạt 19,1 tỷ USD, tăng 0,7%; Hoa Kỳ đạt 5,7 tỷ USD, tăng 22%; Nhật Bản đạt 7,4 tỷ USD, giảm nhẹ 0,4%...

 

Xét về yếu tố mặt hàng, dữ liệu của Tổng cục Hải quan ghi nhận sự tăng trưởng mạnh ở các nhóm hàng như: Máy vi tính sản phẩm điện tử và linh kiện tăng 1,45 tỷ USD; hàng dệt may tăng 1,26 tỷ USD; giày dép các loại tăng 864 triệu USD; gỗ và sản phẩm gỗ tăng 636 triệu USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng 427 triệu USD; điện thoại các loại và linh kiện tăng 423 triệu USD…

 

Trong khi nhóm hàng nhập khẩu có kim ngạch tăng lớn nhất là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện tăng tới hơn 3,3 tỷ USD; máy móc thiết bị dụng cụ và phụ tùng tăng gần 2 tỷ USD; ô tô nguyên chiếc các loại tăng 1,2 tỷ USD; dầu thô tăng 1,3 tỷ USD và than đá tăng 659 triệu USD.

 

Theo Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH và ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2018 và tình hình những tháng đầu năm 2019, do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trình bày tại Quốc hội ngày 20/5.


Theo đó, Chính phủ đánh giá trong 4 tháng đầu năm 2019, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát; chỉ số giá tiêu dùng bình quân 4 tháng tăng 2,71%, thấp nhất trong 3 năm qua. GDP quý I đạt 6,79%. Tổng thu NSNN 4 tháng tăng 13,9%, đạt 36,7% dự toán năm. 

 

Về năm 2019, UBKT đề nghị Chính phủ quan tâm thêm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như giảm bớt thủ tục hành chính một cách thực chất, mạnh mẽ hơn, khuyến khích sự tham gia của khu vực kinh tế tư nhân vào các dự án quan trọng quốc gia; tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công; nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, kiểm soát chuyển giá, trốn thuế đối với DN… Đồng thời, tăng cường sự chủ động và phối hợp của các bộ, ngành và địa phương trong xử lý nợ xấu. Triển khai quyết liệt, đồng bộ để xử lý tình trạng "tín dụng đen", trong đó sớm hoàn thiện chế tài xử phạt, chú trọng các giải pháp phát triển nền tài chính toàn diện…

 

Ngoài ra, Chính phủ cũng dự báo, nếu bối cảnh thuận lợi, nhất là việc đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành dịch vụ đạt nhiều kết quả tích cực, tăng trưởng khu vực dịch vụ cả năm đạt mức cao (trên 7,2%) thì tăng trưởng GDP cả năm có khả năng vượt mục tiêu đề ra, đạt mức tăng trưởng bằng hoặc cao hơn so với năm 2018 (7,08%)./.

 

Nguồn Enternews


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang