Thứ Sáu, 19/04/2024 12:37:30 GMT+7

Tin đăng lúc 25-08-2019

Lượt xem: 1464

Nhiều doanh nghiệp tại Quảng Bình đã áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất

Những năm qua, từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại Quảng Bình (TTKC) đã thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn (SXSH) cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, nhiều doanh nghiệp đã có cái nhìn đúng về SXSH trong công nghiệp, áp dụng thực tế vào cơ sở mình để đem lại lợi ích tối đa.
Nhiều doanh nghiệp tại Quảng Bình đã áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất
Sản xuất sạch hơn đang được áp dụng trong việc sản xuất sản phẩm từ nhựa composite thủy tinh

SXSH đang trở thành nhu cầu cấp thiết trong công nghiệp. Ngoài việc nâng cao hiệu quả sản xuất, SXSH còn là giải pháp hữu hiệu trong việc sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, góp phần bảo vệ sức khoẻ người lao động và đưa ngành công nghiệp phát triển bền vững.

 

Tại Quảng Bình, hiện đã có một số doanh nghiệp (DN) áp dụng SXSH vào quá trình sản xuất gạch không nung. Để đáp ứng tiêu chí cạnh tranh về giá thành, đồng thời tận dụng được nguồn phế thải từ sản xuất đá xây dựng, các doanh nghiệp này đã nghiên cứu, thay thế một phần nguyên liệu xi măng bằng các thành phần phụ gia khác, như bột đá, cát nhân tạo… Công nghệ này giúp DN tiết kiệm khoảng 4 -10% chi phí đầu vào nhưng vẫn đảm bảo chất lượng gạch.

 

Bên cạnh đó, SXSH còn được áp dụng trong việc sản xuất sản phẩm từ nhựa composite – thủy tinh tại Công ty TNHH sản xuất Composite miền Trung (xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch), Công ty hiện đang sử dụng chất liệu này để thay thế cho gỗ, sắt thép, xi măng, tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Nhờ đó, doanh nghiệp này đã giảm được 15-20% chi phí vật liệu đầu vào, giúp nâng cao được sức cạnh tranh cho sản phẩm. Ngoài ra, gần 100% vật liệu dư thừa và chất thải đã được Công ty tái sử dụng để sản xuất các sản phẩm, như: nắp hố ga, lưới chắn rác… góp phần giảm phát thải ra không khí, giúp bảo vệ môi trường.

 

Hiện nay, các cơ sở công nghiệp nông thôn thuộc các lĩnh vực sản xuất chế biến nông - thủy sản như: chế biến chả cá xuất khẩu, sản xuất nước mắm, chế biến tinh dầu lạc, sản xuất củi trấu… cũng đang được TTKC tư vấn hướng đến áp dụng SXSH.

 

Chia sẻ với phóng viên, ông Lê Mậu Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại cho biết: Những năm qua, bằng nguồn ngân sách địa phương, TTKC đã từng bước thực hiện công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực áp dụng SXSH cho các cán bộ quản lý nhà nước, cán bộ quản lý tại các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh. Nhờ vậy, đa phần các cơ sở công nghiệp nông thôn đã hiểu rõ lợi ích từ việc áp dụng SXSH trong công nghiệp.

 

Thực tế, SXSH đang góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; tạo được lợi ích kinh tế, xã hội và môi trường. Thời gian tới, Quảng Bình sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp đánh giá áp dụng SXSH, đồng thời tuyên truyền nhiều hơn nữa những tích cực mà SXSH mang lại, nhằm mục tiêu đến năm 2020, 90% các cơ sở sản xuất công nghiệp nhận thức được lợi ích của việc áp dụng SXSH trong công nghiệp; 50% cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng SXSH; 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa có bộ phận chuyên trách về SXSH.

 

Trường An


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang