Thứ Sáu, 29/03/2024 04:42:30 GMT+7

Tin đăng lúc 01-01-2018

Lượt xem: 4119

Nhận diện kinh tế Việt Nam 2018

Bước sang năm 2018, định hướng của Việt Nam vẫn tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với chất lượng – hiệu quả. Chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước; kinh tế thị trường; cải thiện môi trường kinh doanh.
Nhận diện kinh tế Việt Nam 2018
Tăng cường quản lý doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ

Những điểm sáng năm 2017

 

Đến thời điểm này chúng ta có thể khẳng định tốc độ tăng trưởng 6,7% đã đạt được. Chúng ta có thể nhận thấy các biện pháp điều hành kinh tế vĩ mô từ phía Chính phủ thực hiện đã cải thiện từng bước môi trường kinh doanh và có hiệu quả rõ rệt, được thể hiện ở các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Theo đó, 13 chỉ tiêu vĩ mô đã đạt được.

 

Thêm vào đó, việc ban hành chính sách mới đưa ra phù hợp hơn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tăng trưởng sản xuất công nghiệp được cải thiện và chỉ số công nghiệp năm 2017 cũng tăng trưởng cao, đảm bảo ổn định của nền kinh tế. Quyết định của Quốc hội và Chính phủ về miễn visa cho một số quốc gia có lượng khách du lịch lớn vào Việt Nam và visa điện tử đã hỗ trợ tăng trưởng trong du lịch và dịch vụ. Tăng trưởng xuất khẩu đạt được như kế hoạch đề ra, chia thành 2 nhóm. Nhóm 1, dựa vào các doanh nghiệp FDI (mà chủ lực là Samsung, khi Samsung vượt qua sự cố Galaxy và đưa ra mẫu mới thì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tăng cao); nhóm 2, các sản phẩm thuần Việt Nam như da giày, dệt may, dù khó khăn vẫn đạt được tốc độ cao. Đặc biệt hơn là những yếu tố từ nông nghiệp như gạo, tôm, cá. Năm 2017, Việt Nam lần đầu tiên xuất khẩu rau, quả trên 1 tỷ đô la Mỹ. Gạo không còn chiếm tỷ trọng lớn trong nông nghiệp. Như vậy là bước đầu đang chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế phù hợp hơn với nhu cầu thị trường.

 

Tăng cường quản lý FDI về bán lẻ

 

Trong năm 2018, Việt Nam sẽ tăng cường quản lý doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực bán lẻ để đảm bảo mở cửa thị trường như cam kết của nhà nước, nhưng vẫn đảm bảo công bằng cho doanh nghiệp, không phân biệt doanh nghiệp FDI hay doanh nghiệp Việt Nam.

 

Trong quá trình đàm phán gia nhập các điều ước quốc tế, mở cửa thị trường, phân phối, bán lẻ là lĩnh vực được mở cửa theo lộ trình và Việt Nam đã giữ được một số biện pháp quản lý, kiểm soát nhất định.

 

 

Điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt

 

Về tiền tệ

 

Tiếp tục thành công của năm 2017, trong năm 2018, Chính phủ sẽ điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt theo quy luật của kinh tế thị trường. Ngân hàng Nhà nước nên điều chỉnh và giữ tăng trưởng tín dụng để không bơm lượng tiền lớn vào thị trường và tạo ra yếu tố bất ổn. Vấn đề là cần theo dõi và dự báo được khả năng hấp thụ của nền kinh tế, của doanh nghiệp để đưa ra lượng tín dụng cho phù hợp, để doanh nghiệp có khả năng tiếp cận đơn giản nhưng đảm bảo an toàn tín dụng. Đồng thời, điều chỉnh tỷ giá linh hoạt để không đột ngột như hồi tháng 1/2011 (9,1%), gây phá giá đồng tiền Việt Nam.

 

Về tài chính

 

Đối với thu ngân sách nhà nước thì phải tuân thủ đúng ngân sách dự toán đã duyệt, đặc biệt là dự toán chi. Nếu chi vượt dự toán là khuyết điểm, chứ không phải thành tích. Hạn chế tối đa cấp bảo lãnh của chính phủ đối với các doanh nghiệp nhà nước. Việc cấp bảo lãnh phá vỡ bình đẳng về vốn của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn của thành phần kinh tế khác. Đến năm 2020 sẽ thống nhất là doanh nghiệp Việt Nam, không còn doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, để các thành phần kinh tế bình đẳng hơn.

 

Đầu tư

 

Việc đầu tư sẽ tiếp tục giữ tốc độ như năm 2017. Năm tới, nhiều dự án đầu tư theo đối tác công tư đã được thông qua, trong đó đặc biệt là dự án cao tốc phía đông chạy song song quốc lộ 1 với tổng mức đầu tư 128 nghìn tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên, qua những kết quả những dự án công tư, nhà nước dành 46% vốn của dự án để đầu tư cùng các thành phần kinh tế khác.

 

Xuất khẩu và phát triển thị trường trong nước

 

Tập trung xuất khẩu sản phẩm có công nghệ trung bình, cao; giảm dần xuất khẩu lĩnh vực nguyên liệu thô trong nông nghiệp. Mở rộng khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, chế biến sâu trong nông sản để gắn với thị trường của các khu vực châu Âu, Đông Bắc Á và Mỹ.

 

Tiếp tục cải cách quản lý hành chính, trong đó tập trung rà soát các danh mục cấm và hạn chế xuất khẩu nhập khẩu bằng giấy phép.

 

Cố gắng đa dạng hóa thị trường xuất và nhập, giảm phụ thuộc nguyên liệu, phụ liệu từ một thị trường. Nghiên cứu các biện pháp phòng vệ thương mại vì nhiều mặt hàng của Việt Nam khi xuất khẩu gặp nhiều khó khăn trong phòng vệ thương mại, nhưng ở thị trường nội địa, các biện pháp tạo bình đẳng trong cạnh tranh chưa ổn định.

 

Chung tay gỡ khó cho doanh nghiệp

 

Thứ nhất, cả hệ thống chính quyền vì doanh nghiệp để tháo gỡ những rào cản, nhằm giúp doanh nghiệp phát triển. Trong năm 2018 cần sửa đổi một số luật về đầu tư, tạo điều kiện cho sản xuất, kinh doanh, rà soát lại điều kiện cho các ngành hàng.

 

Thứ hai, sửa lại Luật Đấu thầu và Luật Xây dựng để phù hợp với nguồn vốn không phải từ ngân sách nhà nước, để đáp ứng yêu cầu phát triển đối tác công tư, huy động nhiều vốn hơn nữa phục vụ phát triển kinh tế. Đổi mới văn bản tiền lương, bảo hiểm xã hội trong năm 2018 để phù hợp với năng suất lao động song vẫn đảm bảo an sinh xã hội cho người lao động.

 

Kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục tăng trưởng khá cao, nếu duy trì được tốc độ tăng trưởng khoảng 6,5%-6,7% trên nền tảng giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo được các cân đối lớn, bảo vệ môi trường… thì đó là một thành công lớn trong bối cảnh nền kinh tế đang trong quá trình chuyển đổi, tái cấu trúc để phát triển bền vững.

 

TS.Nguyễn Đức Kiên- Phó Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội

 

Nguồn Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang