Thứ Năm, 18/04/2024 12:32:34 GMT+7

Tin đăng lúc 01-02-2018

Lượt xem: 3666

Nhà ô nhiễm không khí, bạn bảo vệ mình bằng cách nào?

Người dân chung sống với ô nhiễm không khí ngay trong chính nhà mình mà không biết là vì chúng ta đã sống trong môi trường đó rất lâu nên quen dần và khó cảm nhận ra sự “bất thường”.
Nhà ô nhiễm không khí, bạn bảo vệ mình bằng cách nào?
Khói thuốc lá cũng là "thủ phạm" gây ô nhiễm không khí ngay trong ngôi nhà của bạn

Ô nhiễm nhưng khó nhận biết

 

Không chỉ môi trường bên ngoài bị ô nhiễm không khí, môi trường bên trong nhà cũng bị ô nhiễm. Bụi, nấm mốc, vi khuẩn, hóa chất tẩy rửa…, đặc biệt trong thời gian Tết hoạt động đốt vàng mã, đốt hương nhiều, khiến cho ngôi nhà bạn đang sống bị ô nhiễm không khí.

 

Tuy nhiên, theo TS Lê Thái Hà, Viện Sức khỏe Nghề nghiệp và Môi trường, ở nước ta, ô nhiễm không khí trong nhà chưa thực sự được quan tâm.

 

Trong khi thực tế, kết quả nghiên cứu do Viện thực hiện tại Hà Nội và một số tỉnh thành từ năm 2011 đến nay tại nhiều loại nhà ở như nhà mặt đường, nhà trong hẻm, nhà cũ, nhà mới, văn phòng… đã phần nào cho thấy chất lượng không khí trong nhà không tốt như chúng ta vẫn nghĩ.

 

Ví dụ, tại các hộ gia đình sống trong hẻm ở Hà Nội, nồng độ bụi PM10 trong phòng khách vượt quá tiêu chuẩn 1,6 lần; nồng độ bụi PM2.5 trong phòng khách vượt quá tiêu chuẩn 1,8 lần. Ngoài ra, tổng số vi khuẩn hiếu khí và nấm mốc tại các hộ được kiểm tra hầu hết không đạt tiêu chuẩn.

 

Không chỉ ở thành phố, chất lượng không khí trong nhà của các hộ gia đình ở nông thôn cũng không tốt. Ví dụ, tại các nhà thuộc huyện Kiến Xương (Thái Bình), các chỉ số NO2, SO2, bụi PM10, PM2.5 đáp ứng tiêu chuẩn, nhưng chỉ số vi khuẩn hiếu khí và nấm mốc trong không khí đều không đạt tiêu chuẩn.

 

Điều đáng nói, ở phương diện người dân, mọi người hầu như không chú ý hoặc không phát hiện ra nhà mình đang bị ô nhiễm hoặc không biết được ô nhiễm ở mức độ nào.

 

Bà Nguyễn Thị Anh Thư, Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – GreenID (thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) cho rằng, người dân chung sống với ô nhiễm không khí ngay trong chính nhà mình mà không biết là vì chúng ta đã sống trong môi trường đó rất lâu nên quen dần và khó cảm nhận ra sự “bất thường”. 

 

"Sống chung với lũ"

 

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thư, có một số cách giúp người dân nhận biết ô nhiễm trong nhà như sử dụng máy đo cầm tay để theo dõi chất lượng không khí trong nhà; sử dụng máy lọc không khí. Ngoài ra, ô nhiễm không khí trong nhà có thể nhận biết thông qua tần suất và mức độ mắc các bệnh như: dị ứng, khó thở, sổ mũi, xoang, hen suyễn... Nếu gia đình có người mắc các chứng bệnh này nên kiểm tra chất lượng không khí trong nhà.

 

 

Ô nhiễm không khí trong nhà do hoạt động đun nấu.

 

Bà Thư cũng cho biết thêm, khi chất lượng không khí trong nhà kém, nên sử dụng máy lọc không khí. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện mua máy lọc không khí và trong nhiều trường hợp máy cũng không lọc hết bụi. Vì vậy, người dân phải chủ động thay vì phụ thuộc vào máy móc.

 

Theo đó, khi nhà bị ô nhiễm không khí, hãy hạn chế hoạt động mạnh khiến bạn phải thở sâu, thở gấp, thay vào đó hãy thử những hoạt động nhẹ như đọc sách, xem tivi, nghe nhạc. Quan trọng hơn là phải khắc phục được nguồn gây ô nhiễm. 

 

Các chuyên gia của Green ID cho rằng, nguồn gây ô nhiễm không khí gồm bụi, nấm mốc, vi khuẩn, hoạt động đun nấu, lông động vật, hóa chất tẩy rửa, ô nhiễm từ bên ngoài... Vì vậy, đầu tiên hãy giảm lượng bụi và vi sinh vật, hai nguồn chính gây ô nhiễm không khí.

 

 

Trồng cây là một trong những cách đơn giản để giảm ô nhiễm không khí trong nhà 

 

Cụ thể: hãy làm sạch nhà thường xuyên bằng vải ẩm để tránh bụi hoặc hút bụi bằng máy hút bụi có bộ lọc HEPA hàng ngày; dọn dẹp nhà cửa để tiệt trừ nấm mốc, vi khuẩn; giữ độ ẩm trong nhà dưới 60% để tránh nấm mốc và vi khuẩn phát triển; trồng cây xanh (cây lan ý, cây nhện, cây hoa đồng tiền…) trong nhà và quanh nhà; hạn chế ô nhiễm bụi từ môi trường xung quanh (ví dụ đóng kín cửa khi bên ngoài bị ô nhiễm và chỉ mở cửa lại khi môi trường bên ngoài đã hết bụi)…

 

Ngoài ra, tránh hút thuốc, đốt vàng mã, đốt hương, sử dụng hợp lý các loại hóa chất tẩy rửa. Một cách nữa là sử dụng nhiên liệu sạch hơn và hiệu quả hơn. Việc giảm sử dụng năng lượng trong gia đình có thể giúp cải thiện chất lượng không khí, hạn chế phát thải khí nhà kính.

 

 

Theo TS Lê Thái Hà, bệnh tật đi kèm ô nhiễm không khí trong nhà là điều chắc chắn. Ví dụ, hệ thực vật nấm có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ, đặc biệt là trong các phòng có hệ thống sưởi ấm, thông gió và điều hòa không khí (HVAC) và có thể gây ra dị ứng. Tình trạng sức khoẻ kém, mệt mỏi, nhức đầu, chóng mặt, giảm sự tập trung, trí nhớ và khả năng trí tuệ, bệnh hô hấp (bao gồm hen phế quản)… cũng liên quan đến ô nhiễm không khí trong nhà.

 

 

Nguồn Khám Phá


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang