Thứ Sáu, 29/03/2024 15:29:26 GMT+7

Tin đăng lúc 26-06-2017

Lượt xem: 7551

Người Thuyền trưởng “yêu bia hơi Hà Nội ”với nhiều ý tưởng độc đáo

Tôi cùng một đồng nghiệp đến thăm ông Nguyễn Văn Hùng - Giám đốc Công ty CP Thương mại Bia Hà Nội (Habeco Trading) - người Thủ trưởng cũ ở Khu đô thị Ecopark vào một buổi sáng chủ nhật cuối tháng 5. Chúng tôi mải mê ngắm những hàng cây xanh dọc con đường trong khu đô thị thì bắt gặp một mô hình Tháp Keg Bia Hơi Hà Nội sừng sững trước ngôi nhà giống như Tháp Keg Bia Hơi Hà Nội được trưng bày tại Lễ hội Bia Hà Nội tháng 12/2016.
Người Thuyền trưởng “yêu bia hơi Hà Nội ”với nhiều ý tưởng độc đáo
Kỷ niệm 10 năm thành lập Habeco Trading

Chính Tháp này đã được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập “Tháp Keg Bia Hơi Hà Nội cao nhất Việt Nam” , chúng tôi đoán chắc rằng, đây chính là nhà sếp cũ của mình, bởi không ai yêu Bia Hơi Hà Nội hơn người Giám đốc này.

 

Mời chúng tôi tham quan xung quanh khu nhà và dừng lại ở mô hình Tháp Keg Bia Hơi Hà Nội, ông Nguyễn Văn Hùng giới thiệu, mô hình này là kỷ vật vô cùng quí giá mà ông rất thích thú và tâm huyết. Đây là sự gắn kết tình yêu giữa ông và Habeco Trading hơn 10 năm qua và sẽ ở bên cạnh ông suốt quãng đời còn lại.

 

Khởi đầu sự nghiệp kinh doanh

 

Nhớ lại đầu năm 2005, tôi xuống Hải Phòng gặp ông Hùng, khi đó ông là Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Bia - Rượu - NGK Việt Nam, Giám đốc Công ty Thủy tinh Hải Phòng (nay là Công ty CP Bao bì Bia - Rươu -  NGK) và là Tổng biên tập Tạp chí Đồ uống Việt Nam đến năm 2010.Ông tiếp tôi tại phòng làm việc của mình - một căn phòng dành cho vị Giám đốc thật đơn sơ, chẳng có gì đáng giá, nó không giống như các phòng sang trọng dành cho các vị giám đốc khác mà tôi đã từng chứng kiến. Qua tìm hiểu, tôi mới hay, ông Nguyễn Văn Hùng được Lãnh đạo Tổng công ty Bia Hà Nội điều xuống Nhà máy Thủy tinh Hải Phòng mới được hai năm. Thời điểm đó là giai đoạn cuối của quá trình cổ phần hóa (chuyển đổi từ Công ty Thủy tinh Hải Phòng sang Công ty CP Bao bì Bia - Rượu - Nước giải khát). Mọi thứ còn rất khó khăn.

 

Năm 2003, ông Nguyễn Văn Hùng về làm Giám đốc Nhà máy Thủy tinh Hải Phòng trong bối cảnh Nhà máy này đang đứng bên bờ phá sản. Sản phẩm bao bì thủy tinh sản xuất ra không tiêu thụ được, hơn 200 người lao động không có việc làm. Đời sống công nhân vô cùng khó khăn, 3 người chung nhau một suất lương cơ bản, từ tiền hỗ trợ của Tổng công ty Bia Hà Nội.

 

Sau khi nghiên cứu kỹ về Nhà máy, ông Hùng cùng Lãnh đạo Nhà máy xây dựng phương án đề nghị cấp trên cho tiến hành cổ phần hóa (CPH) doanh nghiệp, đồng thời chuyển đổi mặt hàng từ sản xuất bao bì thủy tinh sang sản xuất nút chai bia, rượu, NGK. Đề án được cấp trên đồng ý, quá trình cổ phần hóa nhanh chóng được tiến hành, đến tháng 6/2005, Nhà máy chính thức đi vào hoạt động với tên mới: Công ty CP Bao bì Bia - Rượu - Nước giải khát.

 

Sau khi được cổ phần hóa, ông Hùng cùng tập thể lãnh đạo Công ty mạnh dạn vay 20 tỷ đồng của Tổng công ty Bia Hà Nội đầu tư một dây chuyền sản xuất nắp chai bia, trước mắt phục vụ cho Tổng công ty Bia Hà Nội. Mặt khác tiến hành sắp xếp lại lao động, tinh giảm biên chế, chỉ giữ lại 50 lao động là những người trẻ, nhiệt huyết, sẵn sàng đồng cam cộng khổ với Công ty, số còn lại gần 200 người được giải quyết về nghỉ theo chế độ. Phương án đưa ra được tất cả người lao động đồng tìnhủng hộ. Dây chuyền sản xuất nắp chai bia,sau khi lắp đặt và đưa vào sản xuất đã phát huy có hiệu quả, chất lượng tốt, đầu ra ổn định, đời sống người lao động từng bước được cải thiện.

 

Những ý tưởng độc đáo chỉ có ở người yêu Bia Hơi Hà Nội

 

Tháng 11/2006, sau khi dây chuyền sản xuất bao bì nắp chai bia đi vào sản xuất ổn định, ông Hùng lại được Lãnh đạo Tổng công ty điều về Hà Nội để làm thủ tục thành lập Công ty CP Thương mại Bia Hà Nội (Habeco Trading). Sau một tháng rưỡi lập đề án, hoàn tất các thủ tục, ngày 1/1/2007, Habeco Trading chính thức được ra đời và đi vào hoạt động.

 

 

Tác giả chụp ảnh lưu niệm cùng gia đình ông Nguyễn Văn Hùng

 

Trước thời điểm đó,sản phẩm bia hơi Hà Nội gặp nhiều khó khăn, bởi dòng sản phẩm này lợi nhuận thấp, sản lượng không nhiều, chỉ khoảng trên 30 triệu lít một năm. Bia hơi tỷ suất lợi nhuận không bằng các dòng sản phẩm khác, nên Tổng công ty Bia Hà Nội chỉ duy trì sản xuất để giữ thương hiệu. Trong khi đó trên thị trường Hà Nội xuất hiện nhiều loại bia hơi là những đối thủ cạnh tranh gay gắt với bia hơi Hà Nội. Thị phần bia hơi Hà Nội lúc đó chỉ chiếm 40%, bia hơi Việt Hà chiếm 40%, còn lại 20% là các loại bia hơi của các địa phương và bia cỏ.

 

Bia hơi Hà Nội vốn được đông đảo người tiêu dùng Hà Nội và cả nước yêu mến nhưng tại thời điểm năm 2006 về trước, Tổng công ty Bia Hà Nôi chỉ quản lý chất lượng sản phẩm sản xuất tại Nhà máy, còn sản phẩm ra thị trường chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến hiện tượng các cửa hàng mua bia hơi Hà Nội về pha trộn với các loại bia cỏ bán cho người tiêu dùng để thu lợi nhuận và Thương hiệu Bia Hơi Hà Nội cũng dần dần bị mất đi. Những người yêu bia hơi Hà Nội lúc đó đã quay lưng lại và tìm đến bia hơi khác uống không bị pha trộn…”.

 

Để lấy lại Thương hiệu Bia Hơi Hà Nội, Ông Nguyễn Văn Hùng cùng Ban Lãnh đạo Công ty ngày đêm trăn trở đề ra nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp quan trọng đó là thành lập hệ thống Địa chỉ Vàng để tránh bia hơi Hà Nội bị pha trộn. Công ty yêu cầu các các cửa hàng bán bia hơi Hà Nội phải cam kết thực hiện các qui định của Công ty như: Thay biển thống nhất, mẫu do Công ty cung cấp, các cửa hàng chỉ được bán 100% bia hơi Hà Nội, phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và chịu sự quản lý về chất lượng của Công ty. Mỗi Địa chỉ Vàng đều ký cam kết bảo đảm chất lượng và dịch vụ với người tiêu dùng, bản cam kết này được treo trang trọng tại khu vực dễ nhận biết tại nhà hàng. Công ty có trách nhiệm đưa bia đến tận nơi, hướng dẫn cách bảo quản, kiểm tra và cùng chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình ở khâu cuối cùng…

 

Năm 2006, Công ty thành lập được 50 Địa chỉ Vàng, đến năm 2007 đã tăng lên 200 Địa chỉ Vàng và đến nay các Địa chỉ Vàng đã được thực khách tin cậy, không có hiện tượng pha trộn bia khác như những năm trước. Từ lúc bia hơi Hà Nội chỉ chiếm 40% thị phần tại Hà Nội (năm 2006), nay đã tăng lên 95%. Sản lượng bia hơi Hà Nội tại 183 Hoàng Hoa Thám năm 2016 đã đạt 61 triệu lít/125 triệu lít của toàn Tổng công ty, tăng gấp hơn 2 lần năm 2006. Điều đó khẳng định, bia hơi Hà Nội bây giờ đã chiếm được niềm tin gần như tuyệt đối của người người tiêu dùng Hà Nội.

 

Một điều mà ông Hùng cảm thấy rất tâm đắc và tự hào nữa là, để khẳng định Thương hiệu Bia Hơi Hà Nội và lấy lại niềm tin của khách hàng, Công ty cho ra đời Keg bia hơi 2 lít. Lúc đầu cũng có những ý kiến khác nhau, nhưng khi sản phẩm ra thị trường ngay lập tức đã được đông đảo người tiêu dùng đón nhận và nhanh chóng trở thành dòng bia hơi thông dụng. Chính dòng sản phẩm này đã mang lại cho Công ty doanh thu và lợi nhuận cao. Bia hơi Hà Nội Keg 2 lít trở thành dòng sản phẩm bia hơi cao cấp và đến nay hầu hết các doanh nghiệp sản xuất bia trong cả nước đều có dòng sản phẩm này. Đây chính là niềm tự hào của những người đi tiên phong ở Habeco Trading mà ông Nguyễn Văn Hùng là người thuyền trưởng.

 

Chưa hết, Công ty vừa thành lập được một năm, đã mạnh dạn tổ chức Lễ hội Bia Hơi Hà Nội và sau này trở thành Lễ hội thường niên với mỗi năm một chủ đề, đã thu hút hàng chục nghìn người đến tham dự. Năm 2007, năm đầu tiên tổ chức Lễ hội, Công ty đưa ra chủ đề“Trăm hoa đua nở”, năm 2008 “Uống bia Vàng tại các Địa chỉ Vàng” đã được xác lập kỷ lục quốc gia “Cùng một thời điểm có nhiều người uống bia Hà Nội nhất”. Đó là điểm nhấn đã đưa Thương hiệu Bia Hơi Hà Nội bay xa.

 

 

Ông Nguyễn Văn Hùng với nhà báo

 

Năm 2009 với chủ đề “Bia Hơi Hà Nội thuở ấy”, gợi nhớ cho lớp trẻ hiểu về uống bia thời bao cấp. Đây cũng là điểm nhấn rất thú vị và thu hút hàng vạn người tới dự. Năm 2010, sau thành công của những lần tổ chức trước, Công ty tổ chức “Ngày hội Bia Hơi Hà Nội” và từ năm 2011 trở thành “Ngày hội Bia Hà Nội” được Tổng công ty CP Bia - Rượu - NGK Hà Nội (HABECO) tổ chức thường niên vào đầu tháng 12 hàng năm. Habeco Trading rất tự hào vì mình là đơn vị khởi xướng.

 

Để tri ân khách hàng yêu mến Bia Hơi Hà Nội, Công ty thành lập Câu lạc bộ những người yêu thích Bia Hơi Hà Nội (HAT Club). Hiện nay, có 1.000 thành viên thường xuyên sinh hoạt. Tại những buổi sinh hoạt các thành viên có cơ hội được nghe các chuyên gia trong ngành giới thiệu công nghệ sản xuất bia chai, bia hơi; Sự khác biệt giữa bia hơi và bia chai, giữa bia tươi và bia chai… và nhiều nội dung hấp dẫn khác đã và đang thu hút thêm nhiều thành viên vào Câu lạc bộ này. Đây chính là kênh truyền thông rất hiệu quả cho Bia Hơi Hà Nội.

 

Thành lập Địa chỉ Vàng, cho ra Keg bia hơi hai lít, tổ chức các Lễ hội, thành lập Câu lạc bộ những người yêu thích Bia Hơi Hà Nội…, tất cả những ý tưởng và việc làm của ông Nguyễn Văn Hùng chỉ với một mục đích là không ngừng phát triển Thương hiệu Bia Hơi Hà Nội. Tôi ít thấy có vị giám đốc nào dũng cảm, say sưa và dành trọn tình yêu với Bia Hơi Hà Nội như ông. Một người luôn thường trực các ý tưởng mới và luôn sáng tạo, người Thuyền trưởng này chưa bao giờ chịu dừng bước, mặc dù có sóng to, gió lớn nhưng vẫn quyết tâm đưa con tàu vượt sóng và cập bến an toàn. Đó là điều tôi học tập được ở ông.

 

Những điều còn trăn trở

 

Chia tay chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hùng vẫn còn những điều trăn trở mà ông chưa thực hiện được trong những năm qua. Đó là làm sao giữa sản xuất và tiêu thụ được nhịp nhàng, đối với bia hơi là điều rất khó, bởi nếu sản xuất theo kế hoạch cứng nhắc thì không đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Nhu cầu thị trường bia hơi không chỉ thay đổi theo ngày, theo tuần mà thay đổi theo giờ, chịu ảnh hưởng rất nhiều của thời tiết. Chẳng hạn, chỉ trong một ngày thôi, buổi sáng tiêu thụ có thể gấp hai buổi chiều hay ngày nắng tiêu thụ gấp nhiều lần ngày bình thường, nếu không cân đối linh hoạtthì lại không có bia bán. Thời tiết cả ngày nắng, nhưng trước lúc bán bia vào tầm trưa hoặc chiều tối, có một trận mưa lớn, là có thể giảm đi một lượng tiêu thụ rất lớn. Ngày mưa bán không được, bia bị tồn đọng, chất lượng bị ảnh hưởng. Trong khi thời hạn bảo quản của bia hơi chỉ có hạn (trong vòng 72 tiếng) kể từ khi bia ra khỏi nơi sản xuất và bán cho người tiêu dùng. Đây là một thách thức cho người làm công tác phân phối bia hơi Hà Nội.

 

Vấn đề nữa là làm sao xây dựng được niềm tin của Công ty với các điểm bán hàng và có chính sách quan tâm đến người tiêu dùng trực tiếp vì họ là những người làm truyền thông hiệu quả cho bia hơi Hà Nội...

 

 

Dòng sản phẩm bia hơi Hà Nội cũng giống như những sản phẩm nổi tiếng khác của Việt Nam thời kỳ bao cấp. Chuyển sang cơ chế thị trường, sản phẩm bia hơi Hà Nội không cạnh tranh được bị các sản phẩm cùng loại lấn át, và thậm chí còn mất chỗ đứng ngay trên sân nhà (thị trường Hà Nội). Trong thời gian đó, Lãnh đạo Tổng công ty Bia Hà Nội có ý định giảm sản lượng bia hơi Hà Nội vì sản phẩm không cạnh tranh được.

 

Tuy nhiên, sau 10 năm đổi mới, phát triển và khôi phục Thương hiệu Bia Hơi Hà Nội (2006 - 2016), Habeco Trading đã đưa sản phẩm bia hơi Hà Nội trở lại vị trí số 1 và tiếp tục dẫn đầu thị trường, chiếm gần như tuyệt đối thị phần bia hơi tại Hà Nội. Thương hiệu Bia Hơi Hà Nội trở thành một trong những thương hiệu chính của Bia Hà Nội. Đến nay, có lẽ sản phẩm Bia Hơi Hà Nội là một trong rất ít sản phẩm nổi tiếng thời bao cấp vẫn tiếp tục phát triển và dẫn đầu trên thị trường.

 

 

 Nguyễn Hoàng


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang