Thứ Năm, 28/03/2024 19:56:50 GMT+7

Tin đăng lúc 23-11-2019

Lượt xem: 8310

Nghiên cứu khoa học ngành Công Thương: Bám sát thực tiễn

Trong thời gian qua, công tác khoa học và công nghệ (KH&CN) ngành Công Thương đã liên tục có những điều chỉnh nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả, gắn với yêu cầu cấp thiết của thực tiễn, hướng tới mục tiêu góp phần phát triển bền vững ngành Công Thương.
Nghiên cứu khoa học ngành Công Thương: Bám sát thực tiễn
Các nghiên cứu khoa học- công nghệ đóng góp quan trọng vào sản xuất

Theo Viện Năng lượng (Bộ Công Thương), các đề tài cấp bộ được viện thực hiện trong giai đoạn 2015 - 2018 đều đã được Bộ Công Thương nghiệm thu với kết quả khá và xuất sắc, đáp ứng yêu cầu đặt hàng. Các đề tài đã thực hiện đều có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao, đóng góp vào việc nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và cung cấp dịch vụ KH&CN của Viện Năng lượng, kịp thời cung cấp thông tin giúp cơ quan quản lý xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp để thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam. "Nhờ nghiên cứu bám sát thực tiễn, trong giai đoạn 2015-2018, Viện Năng lượng đã ký kết khoảng 80 hợp đồng tư vấn phát triển các đường dây, sân phân phối, trạm biến áp bao gồm các dịch vụ nghiên cứu tiền khả thi, nghiên cứu khả thi, lập dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật… cho nhiều công trình ở cấp điện áp 220kV và 500kV, góp phần hiện thực hóa kế hoạch phát triển lưới điện truyền tải Việt Nam" - đại diện Viện Năng lượng cho biết.

 

Đối với Viện Nghiên cứu Cơ khí (Bộ Công Thương) - cơ quan nghiên cứu triển khai đầu ngành của nhà nước về KH&CN trong lĩnh vực cơ khí - tự động hóa, nắm bắt tiềm năng lớn của việc thiết kế và chế tạo công nghệ cho các dự án năng lượng tái tạo, viện đã tập trung nguồn năng lực để nghiên cứu, làm chủ công nghệ thiết kế, chế tạo hệ thống phao nổi, neo cho các dự án điện mặt trời. Đồng thời, tổ chức các đoàn kỹ sư chuyên ngành tham gia nghiên cứu, khảo sát các nhà máy điện mặt trời được đầu tư tại Trung Quốc, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Pháp, Đài Loan và tìm ra giải pháp hợp lý phù hợp với điều kiện trong nước. Đặc biệt, viện đã trúng thầu thực hiện gói thầu "Thiết kế, cung cấp lắp đặt và thử nghiệm hệ thống phao và neo" với công suất 47,5MW cho Dự án Nhà máy điện mặt trời Đa Mi. Từ thành công ban đầu của dự án, có thể khẳng định hướng đi đúng đắn của viện trong lĩnh vực phát triển các sản phẩm năng lượng mới, năng lượng tái tạo. Đặc biệt, kết hợp thành quả nghiên cứu của nước ngoài cùng với nỗ lực nghiên cứu, ứng dụng của các đơn vị trong nước để tạo ra một sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam.

 

Đây chỉ là một trong những minh chứng cho thấy, hoạt động nghiên cứu KH&CN ngành Công Thương trong thời gian qua đã góp phần giải quyết các yêu cầu bức thiết của thực tiễn. Ông Trần Việt Hòa - Vụ trưởng Vụ KH&CN (Bộ Công Thương) - khẳng định, hoạt động KH&CN ngành Công Thương đã chú trọng phối hợp giữa các cơ quan nghiên cứu với lực lượng KH&CN của doanh nghiệp để giải quyết đòi hỏi thực tế, đáp ứng yêu cầu sản xuất trong cơ chế thị trường, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập ngoại, đổi mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế tạo thiết bị, sản phẩm phục vụ nhu cầu của xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển ngành Công Thương.

 

Nhiều công trình nghiên cứu KH&CN ngành Công Thương đã được áp dụng thành công vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của ngành, góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa trong chế tạo thiết bị, giảm nhập siêu, nâng cao năng suất, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế cao.

 

Theo Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang