Thứ Sáu, 26/04/2024 04:47:09 GMT+7

Tin đăng lúc 04-08-2015

Lượt xem: 6948

Nghệ An: Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề

Làng nghề là một trong những đặc thù của nông thôn Việt Nam. Đa số làng nghề đã trải qua lịch sử hình thành và phát triển hàng trăm năm gắn liền với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Nghệ An: Khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề
Nghề làm hương ở Quỳ Châu

Từ khi nước ta thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế làng nghề phát triển mạnh, nhưng cơ bản vẫn mang tính tự phát, nhỏ lẻ; thiết bị thủ công, đơn giản; công nghệ lạc hậu, mặt bằng sản xuất nhỏ hẹp cộng thêm ý thức người dân làng nghề trong việc bảo vệ môi trường sinh thái và bảo vệ sức khoẻ con người còn hạn chế... Những yếu kém và hạn chế nói trên đã tạo sức ép không nhỏ đến chất lượng môi trường sống của chính làng nghề và cộng đồng xung quanh.

 

Nghệ An có 119 làng nghề được UBND tỉnh công nhận, trong đó có 42 làng nghề mây tre đan xuất khẩu; 20 làng nghề chế biến lương thực, thực phẩm; 25 làng nghề đóng tàu thuyền, mộc dân dụng, mỹ nghệ, làm trống, chu hương, hương trầm... Ngoài ra, toàn tỉnh có 285 làng có nghề do UBND các huyện công nhận. Hoạt động làng nghề khá phong phú, nhiều lĩnh vực, đã giải quyết việc làm tại chỗ cho hàng vạn nông dân, góp phần phát triển kinh tế địa phương, nâng cao đời sống nhân dân. Nhiều làng, xã đã làm giàu nhờ phát triển kinh tế làng nghề.

 

Tuy nhiên, do quy hoạch của các làng nghề trong tỉnh vẫn mang tính tự phát, công nghệ lạc hậu, thủ công, thiết bị chắp vá, thiếu đồng bộ, ý thức bảo vệ môi trường không được quan tâm. Vì vậy, nảy sinh nhiều vấn đề môi trường nông thôn rất đáng lo ngại, tác động xấu tới chất lượng môi trường đất, nước, không khí ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và đời sống nhân dân ở các làng nghề như: Làng nghề thủy sản ở Diễn Ngọc (Diễn Châu), Phú Lợi, Tân An, Phương Cẩn (Quỳnh Lưu), Nghi Hải, Hải Giang (Cửa Hội), Nghi Thủy, Nghi Tân (Cửa Lò); Làng nghề mộc và mỹ nghệ Nam Thắng, Phú Nghĩa, Phú Liên (Quỳnh Lưu); Làng mộc khối Tây Hồ (thị trấn Nam Đàn); Làng nghề bún ở Vân Diên (Nam Đàn)...

 

Để từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng môi trường sống, sức khỏe cho người dân, các Sở, ban ngành chức năng liên quan trong tỉnh như các Sở: Kế hoạch - Đầu tư; Khoa học - Công nghệ; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đã tổ chức điều tra, đánh giá thực trạng, qua đó phân loại làng nghề theo tiêu chí rõ ràng, làng nghề nào gây ô nhiễm nghiêm trọng kiên quyết xóa bỏ, những làng nghề gây ô nhiễm ít phải có lộ trình khắc phục cụ thể. Đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm xen kẽ trong khu dân cư sẽ từng bước di dời vào các khu, cụm công nghiệp… Đồng thời bổ sung nguồn kinh phí, tăng cường hỗ trợ kỹ thuật trong kiểm soát, xử lý môi trường, nhất là việc khuyến khích chuyển giao kỹ thuật, công nghệ, các phương thức sản xuất sạch, ít gây ô nhiễm môi trường, các công nghệ xử lý chất thải phù hợp từng lĩnh vực sản xuất, giúp giảm thiểu chất thải, khí thải ra môi trường. Có như vậy, các làng nghề mới phát triển bền vững và môi trường sống của chính những người dân trong khu vực được đảm bảo.

 

Như Trang

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang