Thứ Sáu, 29/03/2024 00:39:26 GMT+7

Tin đăng lúc 18-10-2014

Lượt xem: 7551

Ngao Giao Thủy: Chất lượng vàng từ thiên nhiên

Chúng tôi đến xã Giao Xuân, huyện Giao Thủy vào một ngày đầu thu tháng 8, trời vẫn còn oi nồng, bởi nắng hè còn vương lại khi tiết trời đang đổi mùa. Giao Xuân thuộc xã vùng biển, một vùng đất nổi tiếng với rất nhiều sản vật phong phú, nhất là khi nhắc tới nghề nuôi ngao ở đây. Điểm dừng chân của chúng tôi là nhà ông Nguyễn Trường Cửu, người được mệnh danh là “Ông vua ngao” trên vùng đất này.
Ngao Giao Thủy: Chất lượng vàng từ thiên nhiên

 

Ít ai biết, vùng nuôi ngao ở Giao Thủy này, trước kia là một “vùng đất chết”. Cả xã như một bãi bồi hoang dại, cỏ mọc um tùm, chỉ có những loài thủy quái và cây sú vẹt có thể tồn tại. Sau khi được chính quyền tỉnh dốc sức quan tâm xây dựng và gia cố hệ thống đê điều, thì sự hồi sinh đã thức dậy ở vùng đất này. Với lợi thế nằm dọc tuyến 32 km đường bờ biển, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định có 2 cửa sông chính là cửa Ba Lạt thuộc sông Hồng,  và cửa Hà Lan thuộc sông Sò ngày đêm cần mẫn “chở đầy nước ngọt phù xa”, thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, là mũi đột phá kinh tế biển, đặc biệt là nghề nuôi ngao. Cách đây vài năm, nghề nuôi ngao còn manh mún, nhỏ lẻ, nhưng giờ đây nó đã là thế mạnh kinh tế của tỉnh (chiếm 30% nuôi trồng thủy sản trong tỉnh).                                    

 

Đặc thù của sản phẩm là tự làm ra từ khâu nhân giống đến nuôi lớn, trưởng thành và tiêu thụ trên thị trường. Thời gian gần đây, thông tin về tỉnh Thái Bình giáp ranh với tỉnh Nam Định, có tới 70% diện tích nuôi trồng ngao bị chết, khiến dư luận không khỏi băn khoăn, lo lắng. Nhưng, là người lâu năm trong nghề, với kiến thức hiểu biết khá rõ về phương pháp nuôi ngao hiệu quả, ông Cửu cho biết: hai tỉnh Thái Bình và Nam Định liền kề có vùng khí hậu và thổ nhưỡng giống nhau, mà vựa ngao ở Nam Định vẫn phát triển, sinh trưởng bình thường, không có dấu hiệu bệnh tật gì, trong khi đó ở Thái Bình ngao bị chết hàng loạt, nhiều nhà rơi vào hoàn cảnh điêu đứng, mất trắng toàn bộ. Ông phân tích, trong quá trình chăm sóc ngao, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo môi trường sinh thái tự nhiên cũng như nguồn dinh dưỡng để ngao có sức đề kháng tốt, phát triển nhanh. Giao Thủy có lợi thế là nguồn nước sạch, thường xuyên được lưu thông và đó là điều kiện cung cấp thức ăn tự nhiên cho ngao, trong khi ở Thái Bình, môi trường bị ô nhiễm nặng, lượng thức ăn không có sẵn (chủ yếu là sinh vật phù du…), khi cho ăn với liều lượng quá nhiều, ngao không thể hấp thu hết, thức ăn dư thừa đã gây ô nhiễm môi trường nước, dẫn đến hậu quả ngao chậm lớn, còi cọc và có thể bị chết hàng loạt... Giọng ông Cửu đượm buồn chia sẻ.

 

Vùng bãi nuôi ngao ở Giao Thủy - Nam Định

 

Liên tục từ năm 2004 đến nay, vùng nuôi ngao Giao Thủy là địa bàn duy nhất ở các tỉnh ven biển phía Bắc, đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, được công nhận an toàn cấp độ B, đủ tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang thị trường EU. Hiện nay, sản lượng ngao sản xuất được tiêu thụ hơn 40% sang thị trường Trung Quốc, 30% thị trường nội địa, 30% xuất sang thị trường EU. Tuy nhiên, bên cạnh đó, nghề nuôi ngao cũng gặp rất nhiều khó khăn về thị trường, khi thời tiết bão lụt, sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng ngao thịt. Thị trường EU là một thị trường rất khó tính, qua rất nhiều khâu kiểm định chất lượng, bao bì mới có thể xuất khẩu sang các nước châu Âu. Khi xảy ra thiên tai, các hộ nuôi ngao phải gánh chịu hậu quả rất nặng nề, mất lều, mất hết toàn bộ diện tích nuôi ngao, trị giá lên tới vài chục tỉ đồng, vì vậy mà nhiều hộ trắng tay. Khắc phục hậu quả sau bão sẽ gặp rất nhiều khó khăn về nguồn vốn, không thể vay ngân hàng được, vì không có gì để thế chấp, kéo theo giá ngao từ đó cũng bị sụt giảm mạnh. Trung Quốc là bạn hàng thân thiết với thị trường ngao nơi đây, nhờ vậy mà giao thương diễn ra thuận lợi. Nhưng từ khi xảy ra vấn đề Biển Đông, đã gây nhiều bất lợi cho bà con nuôi ngao, không thể nhập tiểu ngạch, nhập chính ngạch được vì không đảm bảo các thủ tục hành chính, dẫn đến giá ngao thương phẩm xuất sang thị trường Trung Quốc bị ép giá, giảm từ 20.000đ/1kg xuống còn 10.000đ/1kg.

 

Để có được sản phẩm ngao xuất khẩu, phải mất 3 năm chăm sóc mới có ngao thương phẩm, vậy mà thị trường giá lại rẻ như bèo, gây rất nhiều thiệt hại cho người nuôi ngao. Quá trình nuôi ngao đến khi thu hoạch, từ khâu tiếp thị, quảng bá sản phẩm đến việc tiêu thụ trên thị trường, còn vô cùng gian nan, vất vả mà người nuôi ngao phải chấp nhận. Kể từ khi Hội Nuôi ngao được thành lập năm 2007 do ông Nguyễn Trường Cửu làm Chủ tịch Hội đến nay, ông là người đã dày công nghiên cứu, tìm ra phương pháp, nhân giống mới hiệu quả, cho ra thị trường thương hiệu ngao Giao Thủy nổi tiếng trên khắp miền Bắc.                             

                                        

Chính ông Cửu cũng là người đầu tiên tìm ra thị trường nuôi ngao, du nhập giống, cấy tạo giống, đề tài sản xuất nhân giống của ông đã thành công và ngày càng lớn mạnh, nhờ những tháng ngày ông tận tâm, tỉ mỉ, tìm tòi, thậm chí sang nước ngoài học hỏi môi trường nuôi ngao, có biết bao khó khăn mà ông đã từng nếm trải. Để có được thành công hôm nay, một đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế cho quê hương, cũng như doanh nghiệp của mình trên đất Giao Thủy, ông đã trải qua biết bao trở ngại và những bài học kinh nghiệm để đời. Ông đã bỏ ra cả tiền bạc, công sức và thời gian với tấm lòng tâm huyết và ý chí quyết tâm vượt khó vươn lên, để giúp cho người dân vùng quê này có thu nhập, ổn định cuộc sống và thoát nghèo. Ông thực sự là người sống vì nghĩa lớn, vì mọi người chứ không vì tư lợi riêng mình, mọi người dân ở đây rất khâm phục, quý mến và kính trọng ông.

 

Trước đây, việc tìm mua ngao giống rất vất vả cho bà con, họ phải thu mua tận Đài Loan, Trung Quốc hoặc mãi tận các tỉnh phía Nam, nay, nhờ mô hình nhân giống hiệu quả của ông Cửu, mà Việt Nam không phải du nhập ngao giống ở nước ngoài. Ngược lại, họ tự nuôi lấy giống rất hiệu quả và khoa học, bình quân một ao sản xuất rộng 200 mét vuông, đạt tới 70 triệu con giống. Ông Cửu cho biết, nếu nhìn bề ngoài, ngao Giao Thủy không khác gì mấy so với những con ngao ở nơi khác, thậm chí vỏ còn xấu hơn, nhưng lại cho chất lượng tốt hơn, không có độc tố, có mùi thơm đặc trưng rất ngọt, đậm đà, hấp dẫn và bổ dưỡng.

 

Để thương hiệu Ngao Giao Thủy, Nam Định tiếp tục khẳng định vị thế và vươn xa trên thị trường quốc tế, vùng ngao nổi tiếng của miền Bắc này, đang tích cực phát triển thương hiệu ngao sạch, thân thiện với môi trường. Trong tương lai gần, tháng 10/2015 sẽ xây dựng nhà máy chế biến xuất khẩu ngao giai đoạn I, với công suất 20.000 tấn/năm và phát triển nâng công suất lên 150.000 tấn/năm vào những năm tiếp theo, với mô hình nuôi khép kín: nhân giống, ươm nuôi, chế biến, tiêu thụ trên thị trường. Mô hình khép kín này, sẽ giúp các hộ nuôi ngao có những bước đi đúng hướng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người nông dân ở nông thôn, làm nông nghiệp vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương. Thức dậy những tiềm năng kinh tế biển ở những vùng nông thôn, mục tiêu phát triển tam nông đang được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chú trọng và quan tâm trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.

Thu Hiền

 

 

 



 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang