Thứ Sáu, 29/03/2024 03:26:34 GMT+7

Tin đăng lúc 16-10-2015

Lượt xem: 3849

Ngành phân bón: Chính sách "bó buộc" doanh nghiệp

Nghị định số 202/2013/NĐ-CP với mục tiêu đưa ngành phân bón thành ngành sản xuất có điều kiện là một tiến bộ lớn trong công tác quản lý phân bón ở nước ta. Qua đó góp phần sàng lọc, loại bỏ nhiều doanh nghiệp nhỏ làm ăn chụp giật, gian trá. Tuy nhiên, bên cạnh đó, một số quy định trong Nghị định này vẫn bộc lộ hạn chế, đang gây khó cho quá trình hoạt động của các doanh nghiệp làm ăn chân chính.
Ngành phân bón: Chính sách "bó buộc" doanh nghiệp
Ảnh minh họa

Hướng dẫn thực hiện Nghị định 202, Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương ban hành hai thông tư hướng dẫn là thông tư 41 và thông tư 29. Trong cả hai thông tư lẫn nghị định đều quy định mở, cho phép các đơn vị sản xuất không có phòng thử nghiệm vẫn được cấp phép sản xuất phân bón.

 

Cụ thể: "Cơ sở sản xuất phân bón không có phòng thử nghiệm… thì phải có hợp đồng với phòng thử nghiệm được chỉ định". Nhiều doanh nghiệp chân chính cho rằng quy định này đang tạo cơ hội để các doanh nghiệp nhỏ lẻ hoạt động bát nháo, nhũng nhiễu thị trường.

 

Quy định chồng chéo, lùng nhùng

 

Ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng Giám đốc công ty Tiến Nông Thanh Hóa, cho biết: "Thực te, có nhiều cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, không đủ năng lực chuyên môn… Họ không có phòng thử nghiệm nên thuê bên ngoài giám định chất lượng, kiểm tra chất lượng nguyên liệu đầu vào, chất lượng sản phẩm đầu ra".

 

Ông Nguyễn Hồng Phong cho rằng điều này hết sức phi lý, đã là doanh nghiệp, có tiền làm cả nhà máy mà phòng thí nghiệm không đầu tư được thì nói gì đến sản xuất. Theo ông Phong, từ quy định này nên những đơn vị nhỏ lẻ này dễ lách luật, chính đây là cái nôi để làm phân bón giả, phân bón kém chất lượng.

 

"Vì thế nên sửa nghị định 202, cần phải quy định bắt buộc các cơ sở sản xuất phân bón phải tự đầu tư phòng thí nghiệm, kiểm soát chất lượng nguyên liệu và sản phẩm trong quá trình sản xuất. Nếu không thực hiện thì cương quyết thu giấy phép giải thể, có như vậy mới hạn chế được những cơ sở nhỏ lẻ sản xuất chụp giật, sản xuất phân bón không phù hợp gây ô nhiễm, rối loạn thị trường phân bón", ông Phong kiến nghị.

 

Bên cạnh quy định về điều kiện sản xuất, cũng quy định công bố hợp quy sản phẩm phân bón còn lùng nhùng. Ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Hiệp hội phân bón Việt Nam, đánh giá: "Sản phẩm phân bón vô cơ như lân, đạm, kali, SA, DAP… đã có quy chuẩn quốc gia, DN chỉ cần tuân thủ theo đó công bố hợp quy. Tuy nhiên, các loại phân bón khác như các loại phân NPK, các loại phân bón hữu cơ chưa có quy chuẩn quốc gia, DN không biết công bố sản phẩm hợp quy theo quy chuẩn nào?"

 

Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) đã có hướng dẫn nêu rõ khi quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chưa ban hành thì được áp dụng theo các tiêu chuẩn của cơ sở doanh nghiệp sản xuất công bố. Tiêu chuẩn cơ sở của doanh nghiệp là như thế nào lại chưa được hướng dẫn thành tiêu chí nên đến nay vẫn còn chồng chéo việc thực hiện giữa các Sở Công Thương và NN&PTNT với doanh nghiệp còn lúng túng.

 

Không chỉ rắc rối về hồ sơ, nhiều sản phẩm dù được phép sản xuất công nhận kinh doanh từ 10-15 năm nhưng khi Nghị định 202 có hiệu lực, để được chứng nhận hợp quy, các sản phẩm này phải khảo nghiệm lại từ đầu.

 

Thị trường hỗn loạn

 

Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, quy trình thực hiện chứng nhận hợp quy tốn khá nhiều thời gian, sau khi chờ kết quả chứng nhận sự phù hợp của phân bón vô cơ với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng do tổ chức của Bộ Công Thương chỉ định chứng nhận thì doanh nghiệp lại phải chờ phải nộp hồ sơ vào Sở Công Thương (khoảng 1 tuần, có nơi 10 ngày) nên doanh nghiệp mất hơn nửa tháng thì sản phẩm mới có thể lưu thông thương mại trên thị trường, làm trễ tính mùa vụ của sản phẩm mới.

 

Quản lý doanh nghiệp phân bón hiện nay đang có sự chồng chéo, nhiều doanh nghiệp rơi vào trường hợp một cổ hai tròng. Theo ông Ông Lê Quốc Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, cho biết: "Hiện tại nhiều doanh nghiệp chịu sự quản lý của hai Bộ là Bộ NN&PTNT(quản lý phân hữu cơ và Bộ Công Thương (quản lý phân vô cơ), mỗi Bộ lại có những quy định riêng, rất khó cho doanh nghiệp đăng ký các hồ sơ pháp lý sản phẩm".

 

Ông Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới phản ánh, danh mục phân bón được phép sản xuất của Bộ NN&PTNT hiện có tới hơn 5.000 loại phân bón như vậy là quá nhiều. Hiện, nước láng giềng Thái Lan cũng chỉ có khoảng 100 loại phân bón được lưu hành.

 

Ông Nghĩa cho biết, ngành nông nghiệp hiện nay có khoảng 10 chủng loại cây trồng, điển hình như_cây lúa nước, cây ăn quả, cây công nghiệp… Mỗi loại cây trồng chỉ cần 4 loại phân chuyên dùng đã là nhiều rồi. Như vậy, để đáp ứng nhu cầu sản xuất trong nước thực tế chỉ cần khoảng 40 loại phân bón. Nếu tính mở rộng ra cho các doanh nghiệp phân bón có cơ hội phát triển thì cũng chỉ cần khoảng gấp đôi, tương đương 100 loại phân bón là cùng.

 

Theo ông Nghĩa, phân bón trong danh mục đã nhiều, bên cạnh đó còn có hiện tượng một số loại phân bón chưa được cấp giấy phép sản xuất nhưng vẫn được sản xuất, bày bán. Bao bì, nhãn mác, thế giới có quy định chuẩn nhưng Việt Nam lại làm khá lung tung nhưng vẫn được lưu thông trên thị trường… Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến sức cạnh tranh của các doanh nghiệp.

 

Các chuyên gia cho rằng, để thật sự thiết lập lại trật tự thị trường phân bón, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các doanh nghiệp, cần sớm khắc phục một số bất cập của Nghị định 202, quy định của thông tư 29, thông tư 41…

 

Nguồn: Thời báo kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang