Thứ Sáu, 19/04/2024 19:23:35 GMT+7

Tin đăng lúc 20-10-2015

Lượt xem: 3882

Ngành Dệt May Việt Nam: Cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu

Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa kết thúc đàm phán kỳ vọng mở ra nhiều cơ hội lớn cho kinh tế, thương mại của các nước thành viên. Trong đó, ngành Dệt May (DM) Việt Nam là một trong những ngành sẽ được hưởng lợi nhiều nhất từ hiệp định này.
Ngành Dệt May Việt Nam: Cơ hội tiến sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu
Sản xuất hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10

Trong khi chờ hiệp định được các nước phê duyệt, quãng thời gian hiện thời sẽ là giai đoạn để các doanh nghiệp (DN) đổi mới và có chiến lược phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường, đồng thời có những bước tiến vững chắc trên con đường hội nhập sâu rộng với thế giới.

 

Gia nhập TPP sẽ giúp DN được hưởng nhiều ưu đãi về thuế nên đây là cơ hội để DN DM trong nước nỗ lực đầu tư, mở rộng thị phần xuất khẩu, đặc biệt là vào thị trường Mỹ. Vì thế, không phải ngẫu nhiên hàng loạt dự án DM đã và đang được khởi động. Ông Thân Đức Việt, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, để đón đầu các cơ hội về thị trường và đơn đặt hàng tăng, May 10 đã đầu tư mở rộng sản xuất, thành lập bộ phận nghiên cứu và phát triển nhằm tăng tối đa năng suất lao động. Trước khi TPP được ký kết, hàng của May 10 xuất khẩu vào các thị trường phải chịu các mức thuế cao (hàng vào Mỹ bình quân phải chịu thuế 20%, Châu Âu phải chịu 12%...), nhưng lượng hàng xuất khẩu vẫn khá ổn định. Như vậy, khi TPP có hiệu lực, thị trường mở rộng hơn với các dòng thuế được cắt giảm sẽ là cơ hội để xuất khẩu của DN tăng và giá thành sản phẩm cũng cạnh tranh hơn.

 

Để đón đầu lợi thế này, từ năm ngoái, Tổng Công ty CP Dệt May Hà Nội đã đầu tư 1.500 tỷ đồng cho các dự án sản xuất hàng dệt kim, sợi và may mặc để nhân rộng năng lực cung ứng hàng may mặc xuất khẩu. Tổng Công ty cổ phần (CP) Phong Phú dự kiến sẽ đầu tư 1.000 tỷ đồng/năm để mở rộng năng lực sản xuất cho ngành dệt nhuộm với các sản phẩm chủ lực như dệt kim, vải jeans, sợi chỉ may…; đồng thời với việc đầu tư cơ sở hạ tầng, DN còn chủ động cải tiến chất lượng sản phẩm, mẫu mã thiết kế và tiếp cận thị trường. Công ty An Phước cũng đã thử nghiệm một số mẫu mã, chủng loại vải tốt hơn cho thương hiệu An Phước bằng việc đầu tư 600.000 USD cho dây chuyền sản xuất veston và sơ mi. Trong khi đó, Công ty cổ phần DM Thành Công cũng vừa đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Vĩnh Long, dự kiến hoạt động vào đầu năm sau. Với công suất thiết kế lên đến 6 triệu sản phẩm/năm, nhà máy này kỳ vọng sẽ tăng công suất khâu may của Thành Công lên 18% và đóng góp khoảng 13 tỷ đồng vào lợi nhuận sau thuế của công ty trong năm 2015.

 

Bên cạnh chiến lược đầu tư nhà máy, mở rộng sản xuất, một số DN DM đang tiếp tục phát huy thế mạnh phát triển đối tác, khai thác thị trường mới. Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến đang triển khai chiến lược củng cố thị trường, đồng thời tiếp tục khai thác các thị trường mới để tìm khách hàng, nhằm tận dụng lợi thế có được từ hiệp định thương mại giữa Việt Nam và các nước. Các DN như Nhà Bè, Garmex Saigon, May 10… cũng đang đầu tư mạnh cho nghiên cứu thị trường, xây dựng thương hiệu, công nghệ, thiết kế và phát triển sản phẩm mới. Công ty May Sài Gòn đã mở chi nhánh tại Mỹ để bán hàng trực tiếp ở thị trường này.

 

Theo tính toán của các chuyên gia, đối với việc xuất khẩu sang các nước lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Canada, việc giảm thuế nhập khẩu về 0% cho hàng hóa của Việt Nam sẽ tạo ra "cú hích" lớn. Riêng ngành DM, kim ngạch có thể tăng đáng kể, cứ 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu hàng DM sẽ tạo ra khoảng 250.000 việc làm các loại. Ngoài ra, ViệtNam sẽ có nhiều cơ hội thu hút đầu tư vào lĩnh vực dệt, nhuộm và sản xuất nguyên phụ liệu. Đây là mặt tích cực của quy tắc xuất xứ từ sợi trở đi, giúp Việt Nam tăng giá trị nội địa cho hàng may xuất khẩu và giúp ngành DM phát triển bền vững trước các đối thủ cạnh tranh khác.

 

Ông Lê Tiến Trường, Phó Chủ tịch Hiệp hội DM Việt Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn DM Việt Nam: Thuận lợi không tồn tại mãi mãi

 

DM Việt Nam muốn tận dụng hiệu quả cao nhất TPP thì phải hình thành chuỗi cung ứng bên trong, có sự liên kết hữu cơ giữa các khâu. Một chuỗi cung ứng hoàn chỉnh từ thiết kế - nguyên phụ liệu - may - phân phối phải được hình thành trong cộng đồng các thành viên tham gia ký kết TPP.

 

Ngoài ra, các DN cũng không nên tận dụng TPP như một cứu cánh để phát triển trong ngắn hạn, mà quan trọng hơn là cần tận dụng tốt cơ hội này để gia tăng năng lực cạnh tranh, xây dựng chiến lược phát triển bền vững. Thực tế cho thấy, trong thương mại toàn cầu luôn có những thỏa thuận thương mại mới được hình thành và những thuận lợi ban đầu sẽ không tồn tại mãi.

 

Nguồn: Báo Hànộimới 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang