Thứ Sáu, 26/04/2024 06:36:31 GMT+7

Tin đăng lúc 03-02-2018

Lượt xem: 3171

Ngành Công Thương Thanh Hóa: Toả sáng khu vực bắc miền Trung

Do nhận định tình hình từ đầu năm về những khó khăn, trở ngại nên năm 2017, ngành Công Thương Thanh Hóa bước vào thực hiện nhiệm vụ phát triển KT-XH với tâm thế vững vàng, chủ động, linh hoạt và sáng tạo cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự nỗ lực quyết tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, tình hình KT-XH của tỉnh cuối năm đạt kết quả khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.
Ngành Công Thương Thanh Hóa: Toả sáng khu vực bắc miền Trung
Chi cục QLTT Thanh Hóa (Sở Công Thương) tăng cường công tác đảm bảo VSATTP trên địa bàn

Với 21/25 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, trong đó tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 9,08%, là mức tăng cao trong điều kiện còn nhiều khó khăn. Trong thành tích chung đó, có sự đóng góp quan trọng của ngành Công Thương với những kết quả cụ thể như sau:

 

Giá trị sản xuất công nghiệp (GTSXCN) đạt 78.245 tỷ đồng, tăng trưởng 23,1%, trong đó lọc hóa dầu đã chiếm tới 15,6% với giá trị tuyệt đối 9.900 tỷ đồng. Kết quả cả năm, chỉ số SXCN toàn tỉnh ước tăng 9.1%, gần bằng bình quân cả nước (cả nước tăng 9,4%), GTSXCN ước đạt 70.833 tỷ đồng, đạt 90,5% KH, tăng 11,4% so với cùng kỳ (kế hoạch đầu năm loại trừ lọc hóa dầu, dự kiến các sản phẩm truyền thống tăng 7,5%, kết quả đạt được cao hơn 3,9% dự kiến). SXCN Thanh Hóa xếp thư 16/63 tỉnh, thành phố cả nước, đứng đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ.

 

Trong số 32 sản phẩm công nghiệp chủ yếu có 14 sản phẩm có đóng góp lớn và hoàn thành kế hoạch ở mức cao gồm: Xi măng ước đạt 12,04 triệu tấn/KH 10,5 triệu tấn, vượt 14,7% KH, tăng trưởng 33,7% cùng kỳ. Thuốc lá ước đạt 144,7 triệu bao/KH 135 triệu bao, vượt 7,2% KH, tăng trưởng 6,6% cùng kỳ. May mặc ước đạt 184,6 triệu sản phẩm/KH 150 triệu sản phẩm, vượt 23,1% KH, tăng trưởng 28,9% cùng kỳ. Giày ước đạt 72,7 triệu đôi/KH 70 triệu đôi, vượt 3,8% KH, tăng trưởng 10,6% cùng kỳ.

 

Xuất khẩu của Thanh Hóa tiếp tục tăng trưởng cao, giữ ổn định vị trí 18/63 tỉnh, thành phố cả nước. Giá trị xuất khẩu năm 2017 ước đạt 1.874 triệu USD vượt 1,3% kế hoạch, tăng 10.7% cùng kỳ.

 

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 2.400 tỷ đồng, gấp 2,35 lần cùng kỳ, góp phần tích cực để thu ngân sách tỉnh cả năm tăng so với cùng kỳ (bằng 101% cùng kỳ).

 

Thị trường nội tỉnh thông suốt, sức mua dân cư tăng nhanh, cân đối cung – cầu trên toàn thị trường được đảm bảo. Tổn mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và daonh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 82.944 tỷ, bằng 101,2% KH, tăng 15,3% cùng kỳ, cao hơn bình quân cả nước (cả nước tăng 10,86%).

 

Hàng hóa và dịch vụ trên thị trường dồi dào, phong phú, lưu thông thuận tiện, giá cả bình ổn. Hàng Việt Nam ngày càng chiếm tỷ trọng lớn, đa dạng mẫu mã, chất lượng nâng cao. Hàng nhập ngoại có tem phụ ngày càng được kiểm soát chặt chẽ. Nhờ đầu tư đột phá của Tập đoàn FLC tại thành phố Sầm Sơn, lượng khách nghỉ dưỡng tại các khu du lịch biển đã tăng trưởng mạnh, tác động tích cực đến tăng trưởng dịch vụ thương mại của tỉnh.

 

Văn minh thương mại có chuyển biến tích cực. Việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết ngày càng phổ biến. Người tiêu dùng được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để tự lựa chọn hàng hoá. Dịch vụ, thương mại điện tử phát triển nhanh chóng, giao nhận và thanh toán thuận tiện. Hệ thống cửa hàng vệ sinh an toàn thực phẩm đã được hình thành với 7 cửa hàng.

 

Mạng lưới cơ sở kinh doanh thương mại ngày càng phát triển, hạt nhân là các trung tâm thương mại, đại siêu thị, chờ đầu mối, chợ trung tâm, kho và các cửa hàng xăng dầu quy mô lớn, được đầu tư khang trang, hiện đại, kết nối với các tổng đại lý, các siêu thị, chợ truyền thống, cửa hàng tiện ích và cơ sở thương mại dân doanh khác, hình thành các kênh phân phối, lưu thông ổn định ở hầu hết các ngành hàng như: Nhiên liệu (xăng dầu, gas), vật tư y tế, vật tư nông nghiệp, vật liệu xây dựng, rau quả, thực phẩm, hàng điện tử, điện lạnh, ô tô, xe máy… phủ rộng đến mọi vùng, miền trong tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 34 trung tâm thương mại, siêu thị và 396 chợ đang hoạt động. Mạng lưới kinh doanh xăng dầu với 6 kho, sức chứa 238.350 m3 và 540 cửa hàng bán lẻ, đảm bảo cung ứng gần 450.000 m3 xăng, dầu cho sản xuất và phương tiện vận tải.

 

 

Dự án Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa

 

Bên cạnh việc triển khai các nghị quyết và kế hoạch hành động, Sở Công Thương đã bám sát chỉ đạo của Bộ Công Thương và UBND tỉnh, triển khai trong toàn ngành các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể về tăng cường quản lý thị trường Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tăng cường công tác bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, khắc phục những hạn chế, yếu kém, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” và nhiều chỉ đạo khác tại thông báo kết luận các kỳ họp hàng tháng của Bộ Công Thương, của UBND tỉnh.

 

Trong năm, Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường khắc phục khó khăn, linh hoạt, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ, làm tốt vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo 389 của tỉnh, phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, tăng cường quản lý địa bàn, dự báo sát diễn biến thị trường, triển khai hiệu quả công tác kiểm tra kiểm sát thị trường có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng như: Hàng cấm (pháo nổ, đèn trời, đồ chơi kích động bạo lực, ngà voi), rượu ngoại, vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi, thuốc tân dược, xăng dầu, khí dầu mỏ hoá lỏng, thuốc lá ngoại, đường nhập lậu, sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, kiểm tra về VSATTP, dịch vụ tại lễ hội xuân, du lịch biển, hoạt động kinh doanh tại hội chợ… Năm 2017, lực lượng QLTT kiểm tra 5674 vụ, xử lý 4842 vụ, thu ngân sách 20 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu chờ xử lý 1 tỷ đồng.

 

Lĩnh vực hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án SXCN, mạng lưới điện và hạ tầng CCN và hạ tầng thương mại cũng được ngành quan tâm. Trên địa bàn tỉnh có 229 dự án ngành Công Thương đang trong giai đoạn đầu tư, với tổng số vốn đăng ký hơn 326.000 tỷ đồng. Năm 2017, có 60 dự án SXCN triển khai xây dựng, 13 dự án đi vào sản xuất. Tổng giá trị thực hiện đầu tư các dự án SXCN, ước đạt 41.000 tỷ đồng/KH 43.822 tỷ đồng. Tỉnh đã thu hút được doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng 5 cụm công nghiệp. Các đơn vị kinh doanh điện đã đầu tư 804 tỷ đồng, cải tạo lưới điện nông thôn.

 

Năm 2017, ngành Công Thương đã đạt kết quả khá toàn diện trên các mặt công tác, cả 3 chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước đều có mức tăng trưởng cao, đóng góp quan trọng cho tăng trưởng GRDP toàn tỉnh, chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, TTCN và thương mại được triển khai, hiệu lực công tác quản lý nhà nước tiếp tục được tăng cường, chất lượng công tác tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh ngày càng nâng cao, công tác hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh ngày càng đi vào thực chất và có hiệu quả hơn. Đây là những tiền đề thuận lợi để toàn ngành phấn đấu thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2018, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp và những năm tiếp theo.

 

Xuân Trường

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang