Thứ Sáu, 19/04/2024 13:20:47 GMT+7

Tin đăng lúc 31-07-2015

Lượt xem: 4308

Ngành Công Thương Quảng Bình: Sẽ có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế

Phát triển công nghiệp để thực hiện mục tiêu tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH là quan điểm chủ đạo của các cấp lãnh đạo chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Bình trong giai đoạn từ 2015 - 2020.
Ngành Công Thương Quảng Bình:  Sẽ có những giải pháp đồng bộ để thúc đẩy tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Ảnh minh họa

Quảng Bình phấn đấu đến năm 2020 sẽ tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, trở thành ngành trọng điểm, tạo động lực phát triển của nền kinh tế. Ưu tiên phát triển mạnh ngành công nghiệp có thế mạnh trở thành ngành công nghiệp chủ lực, mũi nhọn, như sản xuất vật liệu xây dựng, xi măng, điện, chế biến nông, lâm, thủy sản... Chú trọng phát triển các ngành công nghiệp theo hướng công nghệ cao, công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu, thu hút nhiều lao động. Sớm tạo sự liên kết vùng kinh tế động lực khu vực Bắc Quảng Bình - Nam Hà Tĩnh. Từng bước xây dựng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ các nhà máy xi măng, Trung tâm Điện lực Quảng Trạch và các dự án quan trọng khác. Phấn đấu lĩnh vực công nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 20 - 21%/năm. Trong đó: Giai đoạn 2011 - 2015 tăng 21 - 22%, giai đoạn 2016 - 2020 tăng 19 - 20%.

 

Nhằm thực hiện các mục tiêu trên, những năm qua, ngành Công Thương Quảng Bình đã khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về tài nguyên, nhân lực của địa phương để đẩy mạnh sản xuất - kinh doanh, trở thành một trong những ngành kinh tế chủ lực của tỉnh. Hiện, ngành Công Thương chiếm trên 63% GDP của tỉnh, đóng góp trên 90% tổng thu ngân sách của các doanh nghiệp.   

 

Trao đổi với báo chí, ông Phan Văn Thường - Giám đốc Sở Công Thương Quảng Bình cho biết, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu kế hoạch đề ra, Sở Công Thương đã có những giải pháp đồng bộ sau: Phối hợp với các sở, ban, ngành trong tỉnh, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện thuận lợi để các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn, các dự án mới đầu tư sản xuất ổn định, khai thác tốt công suất thiết bị. Đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp đang triển khai để sớm hoàn thành, đưa vào hoạt động đúng tiến độ, như may xuất khẩu tại Khu làng nghề Tây Bắc Quán Hàu, huyện Lệ Thủy và thị xã Ba Đồn, các Nhà máy sản xuất gạch không nung nhằm tăng giá trị sản xuất công nghiệp.

 

Tăng cường làm việc với các bộ, ngành, các Tập đoàn, Tổng Công ty để đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án đang triển khai: Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch I; Bột đá Châu Hóa; Que hàn Kim Tín – Quảng Bình; Các dự án đường dây và Trạm biến áp 220 kV - 110 kV... Đôn đốc để các nhà đầu tư sớm triển khai các dự án đã đăng ký và được cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong lĩnh vực công thương như: May xuất khẩu, sản xuất cọc sợi, chế biến gỗ MDF, trung tâm thương mại tại thành phố Đồng Hới, dự án xây dựng kho ngoại quan và hệ thống đường ống dẫn dầu sang Lào… theo đúng tiến độ…

 

Bên cạnh đó, Sở cũng sẽ tổ chức tốt các Hội chợ thương mại, các phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn. Đẩy mạnh hoạt động Khuyến công và Xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp được tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày giới thiệu hàng hoá nhằm mở rộng mạng lưới kinh doanh, thị trường tiêu thụ thúc đẩy sản xuất, kinh doanh phát triển. Trong đó, định hướng công tác khuyến công tỉnh Quảng Bình (giai đoạn đến năm 2020) sẽ bao gồm 09 nội dung,cụ thể là: chương trình đào tạo nghề, truyền nghề và phát triển nghề mới; hỗ trợ nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật; xây dựng thương hiệu sản phẩm CNNT tiêu biểu; tư vấn trợ giúp các cơ sở CNNT; cung cấp thông tin, tuyên truyền; hỗ trợ liên doanh liên kết, hợp tác kinh tế, phát triển các cụm công nghiệp và di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện hoạt động khuyến công; hợp tác quốc tế về khuyến công. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình khuyến công đến năm 2020 dự kiến là 39.271 triệu đồng, trong đó: Nguồn kinh phí từ ngân sách khuyến công Quốc gia hỗ trợ: 8.948 triệu đồng, từ ngân sách tỉnh là 30.323 triệu đồng.

 

Hy vọng với sự nỗ lực, cố gắng của tập thể công chức, viên chức trong toàn Sở, đặc biệt là Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Quảng Bình trong việc huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế, trong và ngoài nước tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân phát triển sản xuất Công nghiệp nông thôn (CNNT), trong thời gian tới, hoạt động khuyến công sẽ góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động khu vực nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, thực hiện an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

 

MH

 

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang