Thứ Năm, 28/03/2024 18:08:38 GMT+7

Tin đăng lúc 26-03-2017

Lượt xem: 4365

Ngành Công Thương Ninh Bình: Khẳng định vai trò chủ lực

Sau 25 năm tái lập, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của tỉnh, ngành Công Thương Ninh Bình đã có bước phát triển ấn tượng, khẳng định vai trò nền tảng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng giúp Ninh Bình có những bước tiến vững chắc trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.
Ngành Công Thương Ninh Bình: Khẳng định vai trò chủ lực

Công nghiệp phát triển mạnh mẽ

 

Nhìn lại những năm đầu tái lập tỉnh, Ninh Bình mới chỉ có vài chục doanh nghiệp sản xuất công nghiệp. Ngoài các doanh nghiệp do Trung ương quản lý, các doanh nghiệp địa phương hầu hết có quy mô nhỏ, sản phẩm đơn điệu, hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp…

 

Thực hiện nghị quyết các kỳ đại hội Đảng bộ tỉnh, ngành Công Thương đã tập trung mọi nguồn lực, thực hiện hàng loạt giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó, đẩy mạnh sản xuất. Nhờ đó, sản xuất công nghiệp đã có bước phát triển mạnh mẽ, khẳng định vai trò là nền tảng trong phát triển kinh tế địa phương. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp giai đoạn 1992-2016 tăng bình quân 19,3%/năm. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2016 đạt trên 34.500 tỷ đồng, tăng gần 70 lần so với năm 1992. Cơ cấu thành phần kinh tế đã chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng khu vực kinh tế nhà nước, tăng tỷ trọng khu vực tư nhân và đầu tư nước ngoài; ngành công nghiệp chế biến, chế tạo luôn chiếm tỷ trọng cao trên 90%. Trong đó, sản phẩm ôtô, linh kiện điện điện tử đang được tạo điều kiện để phát triển thành sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh.

 

Đến nay, toàn tỉnh đã quy hoạch 7 khu công nghiệp, có 5 khu đi vào hoạt động, thu hút 101 dự án; tổng mức đầu tư đăng ký là 52.320 tỷ đồng, trong đó có 27 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký đạt 700 triệu USD. Ngoài ra, tỉnh cũng đã quy hoạch 25 cụm công nghiệp, 15 cụm đã triển khai xây dựng thu hút 154 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký 7.010 tỷ đồng (đã thực hiện khoảng 3.850 tỷ đồng). Các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh với hạ tầng đồng bộ đã đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất để thu hút đầu tư và di chuyển cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp và làng nghề, góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề, khu dân cư. Hạ tầng điện được đặc biệt quan tâm, đầu tư… góp phần quan trọng hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

 

Giai đoạn 1992-2016, ngành Công Thương đã tập trung lồng ghép nhiều nguồn kinh phí để hỗ trợ phát triển làng nghề, các sản phẩm kết hợp với bảo tồn và tôn vinh các làng nghề, nghệ nhân. Đến nay, đã quyết định công nhận 81 làng nghề, 2 nghề truyền thống và 72 nghệ nhân nghề thủ công mỹ nghệ. Hoạt động sản xuất làng nghề đã giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực nông thôn, giải quyết việc làm, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của người dân.

 

Thương mại tăng trưởng ổn định

 

Với những chính sách “đúng và trúng” của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, trong giai đoạn 1992-2016, hoạt động thương mại đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Sự phát triển của thị trường nội địa và hoạt động xuất khẩu tăng trưởng nhanh tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất. Thương mại trong tỉnh đã bảo đảm cung ứng kịp thời, đầy đủ với giá cả khá ổn định các mặt hàng thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng xã hội. Tổng mức bán lẻ hàng hoá, doanh thu dịch vụ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1992-2016 bình quân tăng 23,16%/năm (riêng năm 2016 đạt gần 27.140 tỷ đồng, tăng hơn 148 lần so với năm 1992). Mạng lưới phân phối trên địa bàn tỉnh phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu; cơ sở vật chất từng bước được cải tạo, đầu tư xây dựng mới; các hình thức thương mại văn minh: Siêu thị BigC, Trần Anh, FPT, Pico,... xuất hiện ngày càng nhiều.

 

Ngành Công Thương còn tổ chức nhiều chương trình hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, “Đưa hàng Việt về nông thôn”, phiên chợ hàng Việt, chương trình kết nối cung cầu... Đồng thời tăng cường công tác quản lý thị trường, đấu tranh có hiệu quả với tình trạng buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, bảo vệ quyền lợi cho những nhà sản xuất chân chính và người tiêu dùng; kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật, nâng cao nhận thức và tự giác chấp hành các quy định của pháp luật đối với các thương nhân khi tham gia hoạt động kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Nhờ đó, tình hình thị trường luôn ổn định, cân đối cung cầu hàng hoá được bảo đảm, đáp ứng các nhu cầu về sản xuất và tiêu dùng của người dân, không có tình trạng thiếu hàng, sốt giá.

 

Cùng với thương mại nội địa, hoạt động xuất khẩu của tỉnh đã có bước tiến vượt bậc cả kim ngạch và thị trường xuất khẩu. Nếu như năm 1992, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 2,5 triệu USD thì đến năm 2016 đạt 1.020 triệu USD, tăng gấp 408 lần so với năm 1992. Cơ cấu hàng hoá xuất khẩu đã chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng nhóm hàng chế biến, chế tạo, nhóm hàng có hàm lượng công nghệ và chất xám cao. Nhiều mặt hàng đã được mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao giá trị xuất khẩu như: linh kiện điện tử, xi măng - clanke, dệt may, giày dép, chế biến rau quả, hàng thủ công mỹ nghệ.... Đến nay, sản phẩm của Ninh Bình đã được xuất khẩu sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhiều sản phẩm đã vào được các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, Mỹ.

 

Nguồn MOIT


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang