Thứ Sáu, 29/03/2024 15:21:14 GMT+7

Tin đăng lúc 05-12-2016

Lượt xem: 3258

Ngành Công Thương Bình Định phát huy tiềm năng và lợi thế, mở rộng liên kết, vững bước tiến vào năm 2017 với những triển vọng mới

Những năm gần đây, ngành Công Thương Bình Định đã tạo bước đột phát trong thu hút đầu tư, phát triển ngành nghề truyền thống và tạo chuỗi liên kết bền vững với đối tác trong và ngoài nước, sự chuyển động mạnh mẽ ấy đã thúc đẩy hoàn thành thắng lợi kế hoạch năm 2016 trong điều kiện hết sức khó khăn. Phóng viên Tạp chí Công nghiệp & Tiêu dùng có cuộc trao đổi với ông Man Ngọc Lý – Giám đốc Sở Công Thương Bình Định về tiến trình này.
Ngành Công Thương Bình Định phát huy tiềm năng và lợi thế, mở rộng liên kết, vững bước tiến vào năm 2017 với những triển vọng mới
Ông Man Ngọc Lý – Giám đốc Sở Công Thương Bình Định

PV: Xin ông cho biết những kết quả chủ yếu đạt được của Sở Công Thương Bình Định trong những năm gần đây?

 

Ông Man Ngọc Lý: Thực hiện Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh, Sở Công Thương đã cùng các ngành tập trung tổ chức thực hiện tốt nghị quyết của các cấp bằng nhiều giải pháp và nhiệm vụ cụ thể. Kết quả thực hiện qua các chỉ tiêu như sau:

 

Trong giai đoạn 2011-2015: Giá trị sản xuất công nghiệp (giá thực tế) đạt 166.034 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với giai đoạn 2006-2010; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội ước đạt 186.838 tỷ đồng (tăng gấp 2,3 lần so với giai đoạn 2006-2010); Kim ngạch xuất khẩu đạt 2.970,3 triệu USD (tăng 68,7% so với giai đoạn 2006-2010); Kim ngạch nhập khẩu đạt 1.032 triệu USD (tăng 41,4% so với giai đoạn 2006-2010). Riêng năm 2016: Chỉ số sản xuất công nghiệp ước thực hiện tăng 7,53% so với năm 2015; GTSXCN ước đạt 34.747 tỷ đồng (tăng 9,27% so năm 2015); Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 51.773 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2015; KNXK ước đạt 730,5 triệu USD (tăng 4% so với năm 2015); KNNK ước đạt 289,6 triệu USD (tăng 3,5% so với năm 2015)…

 

PV: Những lĩnh vực nào được coi là thế mạnh của Bình Định, thưa ông?

 

Ông Man Ngọc Lý: Trong lĩnh vực công nghiệp, tỉnh đã hình thành và phát triển các ngành công nghiệp có tiềm năng và lợi thế về nguồn nguyên liệu như: Chế biến thức ăn chăn nuôi, thủy hải sản, vật liệu xây dựng, tinh bột sắn... Lợi thế về nguồn nhân lực như: May mặc, chế biến gỗ, dược phẩm... Đến nay, tỉnh đã thu hút đầu tư được 13 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi với tổng công suất đạt trên 2,6 triệu tấn/năm; 05 nhà máy chế biến tinh bột sắn có tổng công suất 270 tấn/năm; 05 nhà máy chế biến thủy hải sản với tổng công suất 20.000 tấn/năm; 110 nhà máy chế biến đồ gỗ có công suất gần 350.000 m3/năm, giải quyết việc làm khoảng 26.000 lao động và 35 nhà máy sản xuất hàng may mặc với công suất trên 40 triệu sản phẩm/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 15.000 lao động. Riêng ngành chế biến gỗ và may mặc đã giải quyết gần 70% lao động của ngành công nghiệp.

 

Tỉnh Bình Định cũng đã xúc tiến đầu tư, triển khai và đưa vào sản xuất một số dự án công nghiệp mới như Nhà máy ống thép, ống nhựa Hoa Sen, Nhà máy dệt - nhuộm - may Delta Galil và đến tháng 3/2017, Nhà máy thép Hoa Sen Nhơn Hội với công suất 200.000 tấn, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng sẽ đi vào hoạt động.

 

Hội thảo phát triển bền vững thị trường xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản Việt Nam

 

Một số sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh có tiềm năng, lợi thế đã chủ động được nguồn nguyên liệu đầu vào và thị trường tiêu thụ ổn định. Năng suất lao động công nghiệp được cải thiện, cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng, giá trị sản phẩm khu vực CN-XD năm 2016 ước đạt 17.031,4 tỷ đồng chiếm 28,3% trong GRDP. Trong đó, một số ngành đã phát huy được công suất máy móc, thiết bị và có hệ số sử dụng cao như: Sản xuất đồ uống xấp xỉ 100%; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu 90%; sản xuất trang phục 86,7%; chế biến thực phẩm 84,1%.

 

Đối với thương mại, đã hình thành thị trường ổn định và thông suốt. Hàng hóa dịch vụ ngày càng phong phú, đa dạng về chủng loại, nâng cao về chất lượng và nguồn cung ứng bảo đảm phục vụ đầy đủ, kịp thời cho người tiêu dùng và đồng bào trong tỉnh. Tổ chức kinh doanh thương mại ngày càng phát triển đa dạng về số lượng và phạm vi hoạt động, đặc biệt là sự phát triển nhanh của khu vực kinh tế ngoài quốc doanh. Năm 1986 mạng lưới bán lẻ của thương nghiệp quốc doanh và hợp tác xã là 233 cửa hàng, đến năm 2015 tổng số doanh nghiệp, hộ bán buôn và bán lẻ là 62.500, đã tạo ra mạng lưới kinh doanh, mua bán thương mại rộng khắp trên địa bàn tỉnh, đáp ứng nhu cầu đa dạng tiêu dùng của nhân dân, giải quyết nhiều việc làm cho xã hội; năm 1986 số người buôn bán nhỏ và kinh doanh thương nghiệp là 20.879 người đến năm 2015 đã tăng lên hơn 88.000 người. 

 

Mạng lưới chợ trên địa bàn tỉnh được quy hoạch, đầu tư nâng cấp, mở rộng và phát triển đến các vùng sâu, vùng xa. Hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị từng bước hình thành với phương thức kinh doanh hiện đại, tạo ra xu hướng mới trong kinh doanh; mạng lưới cung ứng xăng dầu được quy hoạch lại tương đối đồng bộ giữa thành thị, đồng bằng và miền núi, góp phần quan trọng trong việc đóng góp của ngành thương mại nội địa đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh.

 

PV: Để có được kết quả đó, ngành Công Thương Bình Định đã những giải pháp căn cơ nào, thưa ông?

 

Ông Man Ngọc Lý: Ngành Công Thương Bình Định đã thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển ngành cũng như các chính sách về xúc tiến thương mại, khuyến công và hỗ trợ phát triển làng nghề; các chính sách của Nhà nước về lĩnh vực thương mại. Trong gần 5 năm qua, Sở Công Thương đã triển khai các hoạt động khuyến công cho 86 chương trình, đề án với tổng kinh phí hỗ trợ 11,443 tỷ đồng. Đồng thời cũng chủ động nắm bắt, tổng hợp các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp để kịp thời tham mưu cho các cấp để giải quyết.

 

Tổ chức và triển khai thực hiện tốt các hoạt động khuyến mại, hội chợ triển lãm thương mại, phiên chợ hàng Việt về nông thôn... tạo ra nhiều kênh mua sắm lựa chọn cho người tiêu dùng.  Đồng thời, đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, phòng chống buôn lậu; ban hành thông báo đường dây nóng tiếp nhận thông tin phản hồi về hoạt động buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại, những vi phạm trong hoạt động kinh doanh đa cấp và hoạt động kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn....

 

Hàng năm Sở đều xây dựng và triển khai thực hiện nghiêm túc chương trình công tác trọng tâm, nhiệm vụ cụ thể của Ngành. Đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, xây dựng và nâng cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2, mức độ 3 và 4; thực hiện tốt Quy chế “một cửa”, tiếp nhận, giải quyết và trả lời kết quả đúng thời hạn, đúng pháp luật theo quy trình tiêu chuẩn chất lượng ISO 9001:2008 trong hoạt động quản lý hành chính nhà nước.

 

Khu công nghiệp Nhơn Hòa, tỉnh Bình Định

 

Bên cạnh đó, Sở Công Thương cũng thường xuyên tuyên truyền phổ biến pháp luật, các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành, phổ biến thông tin, quy định về các hiệp định thương mại, thông tin kinh tế đến các tổ chức và cá nhân có liên quan. Hỗ trợ xây dựng, phát triển nhãn hiệu và phân phối sản phẩm hàng hóa của các DN, cơ sở trên địa bàn tỉnh...

 

PV: Ông có thể cho biết, để đón đầu các cơ hội hợp tác quốc tế, ngành Công Thương Bình Định đã chuẩn bị những phương án khả thi nào để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ kế hoạch năm 2017?

 

Ông Man Ngọc Lý: Chính sách kinh tế mở cửa và hội nhập của Việt Nam đã giúp chúng ta có cơ hội tham gia sâu vào các hiệp định thương mại với các thị trường như EU, Á –Âu, Hàn Quốc… và Việt Nam cũng đang trong quá trình thảo luận hiệp định RCEP cũng như khởi động đàm phán hiệp định thương mại Khu vực châu Á - Thái Bình Dương (FTAAP).

         

Trước thực tiễn đó, Sở Công Thương Bình Định vẫn tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh mời gọi các nhà đầu tư có năng lực cao trong và ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực then chốt mũi nhọn như: du lịch - dịch vụ, hạ tầng giao thông, công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ kèm theo, công nghiệp chế biến - chế tạo... Ưu tiên các dự án có công nghệ hiện đại, nhân lực cao, thân thiện với môi trường sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, đem lại sản phẩm có lợi thế cạnh tranh; đặc biệt là đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh.

 

Bên cạnh đó, Sở cũng tổ chức các hoạt động giới thiệu, quảng bá về môi trường kinh doanh tiềm năng, hỗ trợ các nhà đầu tư tìm hiểu về cơ hội phát triển, đối tác thương mại, thủ tục và chính sách thu hút đầu tư của tỉnh nhà, mời các nhà đầu tư tham dự các chương trình hội thảo về hội nhập kinh tế quốc tế, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác về xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, Sở cũng sẽ tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, XNK trên địa bàn.

 

PV: Xin cám ơn ông!

 

                                                                                  Văn Thuận (thực hiên)

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang