Thứ Bẩy, 20/04/2024 16:25:51 GMT+7

Tin đăng lúc 04-12-2015

Lượt xem: 3576

Ngành công nghiệp: Tăng trưởng cao, đơn hàng ít!

Sản xuất công nghiệp cả nước 11 tháng qua đã tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn nhiều so mức tăng 2 năm gần đây, tiếp tục là “cỗ máy” giữ đà tăng trưởng.
Ngành công nghiệp: Tăng trưởng cao, đơn hàng ít!
Sản xuất công nghiệp cả nước 11 tháng qua đã tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước

Tháng 11/2015, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 1,5% so với tháng trước và tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2014. Tính chung 11 tháng 2015, chỉ số IIP tăng 9,7% so với cùng kỳ 2014, cao hơn nhiều so với mức tăng của cùng kỳ 2 năm gần đây.

 

Băn khoăn PMI giảm

 

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, sản xuất - phân phối điện, công nghiệp chế biến - chế tạo là những ngành có đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp. Ngoài ra, tình hình tiêu thụ tăng trưởng khá, tồn kho ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái là những dấu hiệu tích cực thúc đẩy sản xuất trong nước phát triển.

 

Tuy nhiên, với các số liệu khả quan về sản xuất công nghiệp cũng không làm vơi đi sự băn khoăn, khi chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam của Nikkei - một chỉ số tổng hợp về tình trạng ngành sản xuất - mới đây cho biết đã giảm từ mức 50,1 điểm của tháng 10, xuống dưới ngưỡng không thay đổi 50 điểm, chỉ đạt 49,4 điểm trong tháng 11/2015.

 

Theo Nikkei, số đơn đặt hàng mới trong tháng 11 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, mặc dù chỉ giảm nhẹ. Ngoài ra, số lượng đơn đặt hàng XK mới cũng giảm tháng thứ 6 liên tiếp. Các công ty duy trì sản lượng không đổi trong tháng sau khi đã tăng nhẹ trong tháng 10. Nikkei cho rằng áp lực giảm phát vẫn còn trong lĩnh vực sản xuất khi giá cả đầu ra đã giảm với tốc độ nhanh hơn.

 

Những nhận xét này rất đáng để lưu tâm, nhất là khi chỉ số PMI toàn phần lĩnh vực sản xuất ở Việt Nam là một chỉ số khảo sát tổng hợp về ngành sản xuất khá nhạy và có tính khách quan tương đối cao, nhưng trong 3 tháng trở lại, chỉ số này của Việt Nam lại đang khá phập phù.

 

Nhận xét về dữ liệu khảo sát PMI ngành sản xuất Việt Nam, ông Andrew Harker - chuyên gia của công ty thu thập kết quả khảo sát Markit, nói: “Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam hiện đang trải qua một thời kỳ đình trệ, khi các công ty khó bảo đảm nhận được các hợp đồng mới”.

 

Điều này khiến giới phân tích cho rằng: “Các điều kiện kinh tế toàn cầu vẫn còn khó khăn, có vẻ như các công ty Việt Nam sẽ phải đợi để chứng kiến sự trở lại của tốc độ tăng trưởng mạnh được ghi nhận trong thời gian đầu năm 2015”.

 

Lạc quan nhưng vẫn lo

 

Mặc dù vậy, không phải là không có những dự báo lạc quan cho tăng trưởng của nền kinh tế trong nước. Nhất là khi vào ngày 2/12 vừa qua, Ngân hàng thế giới (WB) dự báo kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,6% trong năm 2016.

 

Còn theo một kết quả nghiên cứu của Trung tâm Thông tin và Dự báo KT-XH quốc gia, nền kinh tế Việt Nam sẽ thoát khỏi giai đoạn suy giảm, bắt đầu vào chu kỳ phục hồi mới, với tăng trưởng GDP giai đoạn 2016 - 2020 trong khoảng 6,5 - 7%.

 

Nhưng, nói như vậy không có nghĩa là không lưu ý khi mức chênh lệch quá lớn trong kim ngạch xuất khẩu (KNXK) giữa các DN FDI và các DN nội địa. Theo báo cáo của Bộ Công Thương, 11 tháng qua, KNXK ước đạt 148,7 tỷ USD, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm 2014 (tương đương với tăng 11,35 tỷ USD). Trong đó, KNXK của khu vực DN 100% vốn trong nước ước đạt 43,56 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng KNXK của cả nước, giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước.

 

Trái lại, KNXK của các DN FDI (kể cả dầu thô) ước đạt 105,1 tỷ USD, chiếm tới 70,7% tổng KNXK của cả nước, tăng 13,5%. Còn nếu không kể dầu thô, KNXK của các DN FDI cũng ước đạt 101,6 tỷ USD (tăng 18,4% so với cùng kỳ năm 2014).

 

Rõ ràng, nhìn vào những số liệu nêu trên, cũng đủ thấy sự thất thế của DN nội địa như thế nào, trước sự lấn át của khối ngoại. Trong khi đó, theo dự báo của giới phân tích, năm 2016, kinh tế Việt Nam sẽ chịu sự cạnh tranh rất khốc liệt do độ mở của thị trường rất lớn, khi một số hiệp định thương mại (FTA) có hiệu lực.

 

Cho nên, chỉ số IIP có tăng, nhưng điều đáng lo là tình hình “sức khỏe” của DN nội, muốn cải thiện tình hình sản xuất để tăng năng lực cạnh tranh cũng không dễ, khi những chỉ số tham khảo, như PMI, vẫn chưa cho thấy tín hiệu lạc quan.

 

Theo Thời báo kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang