Thứ Bẩy, 20/04/2024 13:18:01 GMT+7

Tin đăng lúc 21-11-2022

Lượt xem: 2838

Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam: Cơ hội và thách thức

Trong những năm qua, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ô tô Việt Nam dường như vẫn đang loay hoay với bài toán “nội địa hoá”. Những điểm nghẽn chính vẫn chưa được giải quyết dù đã có nhiều cơ chế chính sách được đưa ra.
Ngành công nghiệp hỗ trợ ô tô Việt Nam: Cơ hội và thách thức
CNHT ngành ô tô Việt Nam đang có tỷ lệ nội địa hoá thấp

Theo số liệu Tổng cục Hải quan, tháng 9/2022, Việt Nam nhập khẩu 18.303 ô tô nguyên chiếc các loại, tổng kim ngạch đạt 367,45 triệu USD, tăng nhẹ 0,1% về lượng nhưng giảm 4,7% về kim ngạch so với tháng trước. Những con số thống kê cho thấy, tháng 9 là tháng thứ hai liên tiếp lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam đạt trên 18.000 xe (tháng 8 đạt 18.279 xe) và đạt lượng cao nhất từ trước đến nay.

 

Đơn cử, trong 8 tháng năm 2022, Toyota bán ra 36.249 xe nhập nguyên chiếc, trong khi lượng xe sản xuất lắp ráp trong nước chỉ là 20.240 xe. Năm 2021, Toyota cũng bán 38.876 xe nhập nguyên chiếc và chỉ có 30.126 xe lắp ráp trong nước. Với hãng Ford, 8 tháng năm 2022 lượng xe nhập cũng chiếm khoảng 33% tổng lượng xe bán ra của hãng này. Năm 2021, lượng xe nhập chiếm tới 89% tổng lượng xe bán ra của Ford, còn năm 2020 tỷ lệ này là 82%. Những con số này đều không phải là chuyện ngẫu nhiên. Có một thực tế đang diễn ra là các DN ô tô dường như chuộng xe nhập khẩu hơn xe lắp ráp trong nước. Sau 2 năm đình trệ vì đại dịch, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước đang ngày càng gặp nhiều khó khăn hơn bởi lĩnh vực CNHT ô tô vẫn còn yếu và thiếu.

 

TS Trương Thị Chí Bình, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam, cho rằng đóng góp của DN phụ trợ, đặc biệt là DN nội địa, cho ngành ô tô rất ít. So với các nước cùng khu vực, Việt Nam chỉ có chừng 20 - 30 công ty có thể cung cấp linh kiện cho ô tô. Sản lượng xe trong nước còn khá thấp dẫn đến việc các DN phụ trợ cũng khó tận dụng được cơ hội vì lợi nhuận không hấp dẫn. Như vậy là chúng ta đang thiếu cả về “chất” lẫn “lượng”. Các DN Việt Nam hiện mới sản xuất được 256 chi tiết và cụm chi tiết cho ô tô đến 9 chỗ ngồi; 14 chi tiết và cụm chi tiết cho ô tô trên 9 chỗ ngồi và 17 chi tiết và cụm chi tiết cho ô tô tải. Tuy nhiên, đây phần lớn là những linh kiện đơn giản, không có những chi tiết quan trọng về động cơ, hộp số…

 

Một chiếc ô tô có khoảng 30.000 linh kiện, nhưng có đến 80% loại phục vụ cho lắp ráp xe trong nước là nhập khẩu, số còn lại sản xuất trong nước chủ yếu vẫn là chi tiết cồng kềnh, đơn giản... Tình trạng này khiến cho chi phí sản xuất lắp ráp xe trong nước cao hơn 10 - 20% và giá bán xe cao hơn khoảng 20% so với các nước trong khu vực. Đáng chú ý, cho đến nay, tỷ lệ nội địa hóa của công nghiệp ô tô thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra là 40% vào năm 2005 và 60% vào năm 2010 đối với các loại xe thông dụng như: xe tải, xe khách, xe con. 

 

 

Còn nhiều dư địa phát triển CNHT ngành ô Việt Nam

 

Theo các chuyên gia đầu ngành, để giải bài toán nội địa hoá ngành CNHT ô tô Việt Nam, Chính phủ và các bộ ngành liên quan cần xem lại các chính sách hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô và tạo hành lang pháp lý phù hợp cùng các chính sách tốt hơn để các DN trong nước tự sản xuất hoặc liên doanh với các đối tác nước ngoài để tạo ra các sản phẩm “Make in Việt Nam”.

 

Theo Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), cả nước hiện có hơn 350 DN CNHT ô tô, nhưng 80% là DN nước ngoài, số còn lại là DN trong nước phần lớn có quy mô nhỏ, khó có điều kiện đầu tư công nghệ. Tính đến tháng 3/2022, mới chỉ có 229 DN tham gia chuỗi cung ứng cho ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó có 84 DN cung ứng linh kiện trực tiếp cho hãng xe (nhà cung ứng cấp 1) và 145 DN cung ứng gián tiếp cho hãng xe (nhà cung ứng cấp 2 - 3).

 

Lĩnh vực sản xuất ô tô còn phụ thuộc lớn vào các loại chip bán dẫn. Trung bình một chiếc xe có hàng trăm bộ phận bán dẫn, kéo theo đó là có khoảng 1.400 loại chip trên xe. Trong khi đó, hiện nay chưa có DN trong nước nào sản xuất được đầy đủ một con chip mà đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.

 

Dù còn nhiều thách thức, khó khăn song dư địa phát triển ngành CNHT ô tô nói riêng và công nghiệp ô tô nói chung vẫn còn rất lớn. Từ tháng 10/2022, các quy định về phương pháp xác định tỷ lệ nội địa hóa đối với ô tô và mức độ rời rạc của linh kiện ô tô nhập khẩu được Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành chính thức được bãi bỏ. Việc này không gây phát sinh thủ tục hành chính, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực đầu tư và khoa học công nghệ, đồng thời, bảo đảm được các điều ước và hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với các nước khác.

 

Hiện nay, mỗi năm, người dân Việt Nam mua sắm khoảng 300.000 chiếc ô tô. Nhu cầu của người dân ngày một lớn chính là điều kiện thuận lợi để ngành công nghiệp ô tô phát triển, từ đó thúc đẩy CNHT ngành ô tô có thêm động lực. Hơn nữa, việc ký kết các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia như ATIGA, CPTPP, EVFTA… cũng đã mở ra cơ hội san bằng các chênh lệch về thuế suất nhập khẩu xe nguyên chiếc và bộ linh kiện.

 

Để tạo thêm nhiều cơ hội hơn nữa cho ngành công nghiệp ô tô, thời gian tới, Việt Nam đang định hướng thu hút các DN, tập đoàn lớn có công nghệ cao, công nghệ nguồn. Đồng thời, Việt Nam cũng ưu tiên các dự án đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, CNHT, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy kinh tế số, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp ô tô... tạo thuận lợi cho DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị.

 

NH


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang