Thứ Tư, 24/04/2024 12:53:19 GMT+7

Tin đăng lúc 06-06-2019

Lượt xem: 1698

Năng lượng tái tạo: Cần lắm sự vào cuộc của các nhà đầu tư

Theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, số giờ nắng bình quân trong năm khá cao, nhất là khu vực miền Trung và miền Nam, thì Việt Nam còn có tiềm năng lớn về các dạng năng lượng tái tạo khác như gió, sinh khối...
Năng lượng tái tạo: Cần lắm sự vào cuộc của các nhà đầu tư
Điện mặt trời đang được nhiều nhà đầu tư quan tâm

Nguồn năng lượng xanh, sạch

 

Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng trong khi sản xuất điện truyền thống không đủ đáp ứng nhu cầu thì việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo là giải pháp mà Nhà nước đang khuyến khích. Thời gian qua cũng đã có nhiều nhà đầu tư tham gia vào một số dự án điện năng lượng mặt trời, dự án điện gió... mang lại hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường. Chính phủ cũng đã tạo những điều kiện thuận lợi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực này như ban hành các chính sách ưu đãi ưu tiên cung cấp tín dụng, miễn/giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất… Đồng thời, đẩy mạnh hợp tác với các nước phát triển về ngành năng lượng tái tạo trên thế giới.

 

Theo Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, trong 5 tháng đầu năm 2019, do ảnh hưởng của thời tiết cực đoan, nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, đạt mức 95,72 tỷ kWh, tăng trưởng 10,55% so với cùng kỳ năm ngoái; sản lượng tiêu thụ ngày cực đại lên tới con số kỷ lục 759,2 triệu kWh (ngày 18/5/2019). Trước sức ép về nhu cầu sử dụng điện gia tăng trong khi nguồn cung cấp điện truyền thống từ các nhà máy thủy điện, nhiệt điện trong nước có nhiều hạn chế, các cơ quan chức năng đã có giải pháp tìm nguồn cung mới. Ông Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ Công thương nhận định, nhu cầu điện năng tăng cao liên tục nhiều năm đang tạo ra những sức ép lớn đối với ngành điện. Một trong những mục tiêu ưu tiên của Việt Nam là giảm dần sự phụ thuộc vào các dạng năng lượng phát điện truyền thống bằng việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo, nhằm bảo vệ môi trường, vì sự phát triển bền vững.

 

Đánh giá của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, với đặc điểm khí hậu phù hợp, các dự án điện mặt trời, điện gió chủ yếu tập trung tại khu vực miền Nam và Nam Trung bộ, là khu vực có tỷ trọng phụ tải chiếm khoảng 50% so với toàn quốc.

 

Khuyến khích để đột phá

 

Theo Bộ Công thương, để khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo, Bộ đã xây dựng và trình Chính phủ ban hành hàng loạt các cơ chế như cơ chế về giá điện cho điện mặt trời, điện gió, điện sản xuất từ chất thải rắn, điện sinh khối... Và điều này đã góp phần thu hút các nhà đầu tư vào các dự án lớn.

 

Nhà máy điện mặt trời nổi hồ Đa Mi do Công ty cổ phần Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận – Đa Mi (DHD) đầu tư trên 1,5 nghìn tỷ đồng, với quy mô tổng công suất thiết kế 47,5 MWp, sản lượng điện khoảng 70 triệu kWh/năm. Dự án lắp đặt gần 144 nghìn tấm pin năng lượng mặt trời trên diện tích 50 ha mặt hồ thủy điện Đa Mi, thuộc địa bàn xã La Ngâu (huyện Tánh Linh) và các xã Đa Mi, La Dạ (huyện Hàm Thuận Bắc), tỉnh Bình Thuận. Hồ thủy điện Đa Mi có tiềm nănglắp đặt điện mặt trời với tổng công suất lên đến khoảng 300 MWp. Theo kế hoạch, trong thời gian tới, DHD sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng dự án điện mặt trời nổi trên hồ tại đây.

 

Thời gian gần đây đã có một số nhà đầu tư Thái Lan rót số vốn lớn vào các dự án điện mặt trời tại Việt Nam. Có thể kể đến như 2 nhà máy điện mặt trời tại Phú Yên do Công ty Eastern Power Group Plc và Communication & System Solution Plcđầu tư; Tập đoàn năng lượng B.Grimm Power PLC của Thái Lan đầu tư sản xuất điện mặt trời với dự án nhà máy điện mặt trời Hòa Hội tại Phú Yên có tổng vốn đăng ký lên đến 216,7 triệu USD.

 

Tương tự, đầu năm 2019 Tập đoàn Macquarie, một trong những nhà đầu tư hàng đầu Australia đã cam kết nghiên cứu, đầu tư các dự án năng lượng tái tạo quy mô lớn, nhất là sản xuất điện gió ngoài khơi, điện gió ven bờ, năng lượng mặt trời, từ rác thải tại Việt Nam. Đặc biệt mới đây, trong chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đến Na Uy, Tập đoàn Scatec Solar đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư trị giá khoảng 500 triệu USD vào điện mặt trời tại Việt Nam với công nghệ mới nhất. Đồng thời mong muốn xây dựng phòng thí nghiệm để hỗ trợ cho Việt Nam trong nghiên cứu, chuyển giao và tiến đến xuất khẩu công nghệ năng lượng tái tạo ra khu vực.

 

Theo các chuyên gia, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo. Bên cạnh lợi thế nằm trong khu vực nhiệt đới gió mùa, số giờ nắng bình quân trong năm khá cao, nhất là khu vực miền Trung và miền Nam, thì Việt Nam còn có tiềm năng lớn về các dạng năng lượng tái tạo khác như gió, sinh khối...

 

Theo thoibaonganhang.vn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang