Thứ Sáu, 19/04/2024 06:25:46 GMT+7

Tin đăng lúc 17-07-2022

Lượt xem: 669

Nam Định: Phát triển kinh tế từ làng nghề truyền thống

Không chỉ giải quyết việc làm, góp phần cải thiện đời sống cho người lao động, các làng nghề còn góp phần gìn giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của mỗi địa phương.
Nam Định: Phát triển kinh tế từ làng nghề truyền thống
Làng nghề mây tre đan Thạch Cầu thuộc xã Nam Tiến, huyện Nam Trực

Tuy nhiên, trước sự thay đổi về nhu cầu của cơ chế thị trường, các làng nghề đang dần mai một.

 

Nguy cơ…

 

Theo lãnh đạo UBND tỉnh Nam Định cho biết: Nam Định là địa phương có nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống, trong đó có những làng nghề tồn tại và phát triển hàng trăm năm, sản phẩm được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng.

 

Tuy nhiên, với việc phát triển tự phát, nhiều làng nghề đang đứng trước nguy cơ mai một trong nền kinh tế cạnh tranh hiện đại… Do vậy, phát triển làng nghề bền vững là một vấn đề tích cực, đúng đắn, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, nâng cao thu nhập, gìn giữ và phát triển văn hóa truyền thống.

 

Theo thống kê Nam Định có 142 làng nghề đang hoạt động tại 10 huyện, thành phố; trong đó 80 làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận đạt các tiêu chí theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Một số làng nghề mới như làng nghề trồng cây dược liệu tại huyện Hải Hậu, trồng hoa tại huyện Mỹ Lộc được phát triển mở rộng.

 

Nhiều sản phẩm của làng nghề được xuất khẩu như: đồ mộc, đồ đồng, tre nứa ghép ở huyện Ý Yên; khảm trai, đồ gỗ ở huyện Hải Hậu... Một số sản phẩm của làng nghề đã có thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước như sản phẩm đồ gỗ La Xuyên, đúc đồng Tống Xá, cây cảnh Điền Xá... Các làng nghề trồng cây cảnh, sản xuất hoa lụa, đồ mộc, đồ đồng thu hút trên 50% lao động của địa phương.

 

Một số làng nghề truyền thống đang hoạt động ổn định và có khả năng phát triển bền vững trong lương lai, có thế mạnh cần duy trì bảo tồn như: các làng trồng hoa cây cảnh Vị Khê, Lã Điền, Trừng Uyên ở xã Điền Xá (Nam Trực); làng nghề đồ gỗ khảm trai Bình Minh, xã Hải Minh (Hải Hậu); làng nghề mộc mỹ nghệ Ninh Xá, Lũ Phong và La Xuyên, xã Yên Ninh (Ý Yên). Bình quân mỗi năm, giá trị sản xuất của các làng nghề ước đạt gần 6.000 tỷ đồng; trong đó, nhóm hàng chế biến, bảo quản nông, lâm thủy sản chiếm 1,94%; nhóm hàng thủ công mỹ nghệ chiếm 10,78%; nhóm hàng sản xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan... chiếm 48,04%; nhóm gây trồng, kinh doanh sinh vật cảnh 37,30%; nhóm xây dựng, vận tải và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn chiếm 1,92%.

 

Có thể nói, những năm gần đây, hoạt động sản xuất, kinh doanh tại các làng nghề ở nông thôn đã thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, giảm tỷ lệ hộ nghèo... góp phần quan trọng trong quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Thu nhập bình quân từ các nhóm ngành nghề trong làng nghề nông thôn từ 2,5-6 triệu đồng/người/tháng tùy theo từng nhóm ngành nghề, nhóm nghề. Thu nhập cao nhất là nhóm nghề sản xuất đồ gỗ, mộc mỹ nghệ, mộc dân dụng và thu nhập thấp nhất là nhóm nghề chiếu, cói, thêu ren.

 

Tháo gỡ để phát triển

 

Hiện nay, số lượng các hộ, cơ sở sản xuất tại làng nghề đang có xu hướng giảm mạnh qua từng năm. Năm 2013, toàn tỉnh Nam Định có trên 23,4 nghìn hộ, cơ sở với 55,2 nghìn lao động tham gia sản xuất tại làng nghề thì đến nay chỉ còn 18,7 nghìn hộ, cơ sở tham gia với 44,7 nghìn lao động.

 

Theo thống kê, hiện các làng nghề sử dụng hơn 30% lao động công nghiệp trong toàn tỉnh, nhưng phần lớn trong số này chưa tạo được việc làm ổn định, mức thu nhập chưa cao, nhiều nơi sản xuất gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống dân cư.

 

Bên cạnh đó, các làng nghề chủ yếu còn mang tính tự phát nên hạn chế về khả năng tổ chức quản lý, nguồn lực tài chính, kiến thức thị trường, công nghệ kỹ thuật và bảo vệ môi trường.

 

Theo ông Nguyễn Văn Phương – Làng nghề Đúc đồng Ý Yên cho biết: Hiện nay việc tiêu thụ sản phẩm tại các làng nghề còn bị động, các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu qua khâu trung gian. Vai trò của các công ty, doanh nghiệp trong đầu tư tìm đầu ra cho sản phẩm còn hạn chế. Mặt khác Việt Nam đã hội nhập kinh tế quốc tế nên trong thời gian qua các sản phẩm làng nghề nông thôn Nam Định đã và đang phải cạnh tranh gay gắt với sản phẩm cùng loại tại thị trường khu vực trong nước và thị trường quốc tế.

 

Được biết, Nam Định hiện nay còn có nhiều làng nghề bị ô nhiễm nghiêm trọng như: làng rèn Vân Chàng thị trấn Nam Giang, làng nghề làm miến, bánh đa thôn Phượng, xã Nam Dương, làng nghề cơ khí Bình Yên, xã Nam Thanh, làng nghề tái chế nhựa Vô Hoạn, làng nghề sản xuất hoa nhựa Báo Đáp (Nam Trực); làng nghề ươm tơ Cổ Chất (Trực Ninh); làng nghề làm bún Phong Lộc, phường Cửa Nam (thành phố Nam Định); làng nghề sơn mài, tre nứa ghép xã Yên Tiến (Ý Yên)…

 

Ngoài ra các làng nghề thu nhập thấp và không ổn định nên nhiều hộ không còn thiết tha với nghề. Tình trạng bỏ nghề, chuyển nghề đang có chiều hướng gia tăng dẫn đến nhiều làng nghề truyền thống đứng trước nguy cơ bị mai một, thất truyền.

 

Hiện nay, chưa có cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho việc duy trì và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống, nghề truyền thống do nguồn lực của địa phương còn yếu. Việc tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến phục vụ cho sản xuất của các cơ sở làng nghề còn yếu; thiếu thông tin về thị trường.

 

Theo lãnh đạo Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), để làng nghề phát triển ổn định, bền vững, bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động. Do vậy, việc quy hoạch lại các làng nghề để đẩy mạnh phát triển theo hướng công nghiệp nhằm khắc phục tồn tại, tăng cường khả năng hội nhập quốc tế là việc mang tính cấp bách.

 

Trong bối cảnh có sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập ngoại hoặc sản xuất theo chuỗi tiện ích, cùng với khuyến khích xây dựng mỗi xã một sản phẩm, đẩy mạnh liên kết tìm đầu ra; hỗ trợ đào tạo, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến vào sản xuất, tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến với quy mô lớn, tập trung vào các ngành nghề có thế mạnh, mũi nhọn của tỉnh.

 

Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hình thành hệ thống phân phối lớn trong và ngoài nước.

 

Đồng thời, dành sự quan tâm đặc biệt đối với nghệ nhân, thợ giỏi nghề thủ công mỹ nghệ, giúp họ gắn bó với nghề; từ đó góp phần thúc đẩy làng nghề, cụm công nghiệp làng nghề nói riêng và công nghiệp nông thôn nói chung trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.

 

Theo Diendandoanhnghiep.vn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang