Thứ Bẩy, 20/04/2024 18:21:15 GMT+7

Tin đăng lúc 15-01-2022

Lượt xem: 879

Năm 2022, khắc phục khó khăn, tận dụng mọi cơ hội, khai thác mọi tiềm năng để ngành Công nghiệp bứt phá

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2021, mặc dù dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thậm chí từ cuối tháng 4 còn bùng phát mạnh với biến chủng mới có tốc độ lây lan nhanh chóng, nguy hiểm diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương, nhưng ước tính GDP cả nước năm 2021 tăng 2,58%.
Năm 2022, khắc phục khó khăn, tận dụng mọi cơ hội, khai thác mọi tiềm năng để ngành Công nghiệp bứt phá
Tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước

Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,9%, đóng góp 13,97% vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,05%, đóng góp 63,80%; khu vực dịch vụ tăng 1,22%, đóng góp 22,23%.

            

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực tăng trưởng của toàn nền kinh tế với tốc độ tăng 6,37%, đóng góp 1,61 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Riêng giá trị tăng thêm của toàn ngành Công nghiệp năm 2021 ước tính tăng 4,82% so với năm trước. Một số sản phẩm công nghiệp chủ lực năm 2021 tăng cao so với năm trước: Thép cán tăng 33,5%; linh kiện điện thoại tăng 29,5%; xăng dầu tăng 14,4%; sữa bột tăng 13,1%; khí hóa lỏng LPG tăng 10,9%; sắt, thép thô tăng 10,5%; thức ăn cho gia súc tăng 9,5%; ô tô tăng 9,1%; than sạch tăng 9%...

 

Hoạt động thương mại và dịch vụ tiêu dùng khôi phục trở lại, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2021 tăng 28,1% so với quý trước. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 3,8% so với năm trước (năm 2020 tăng 1,7%) do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2021 ước đạt 4.789,5 nghìn tỷ đồng, giảm 3,8% so với năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 6,2% (năm 2020 giảm 3%).

 

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành năm 2021 tăng 3,2% so với năm trước, tuy đây là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm qua, nhưng là kết quả khả quan trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trong nước và trên thế giới. Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phục hồi, vốn đăng ký mới và vốn đăng ký tăng thêm tăng trở lại cho thấy nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào môi trường đầu tư Việt Nam. Ước tính năm 2021, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội theo giá hiện hành đạt 2.891,9 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với năm trước...

 

Trong vốn đầu tư của khu vực Nhà nước, vốn thực hiện từ nguồn ngân sách Nhà nước năm 2021 ước tính đạt 423,6 nghìn tỷ đồng, bằng 84,3% kế hoạch năm và giảm 8,6% so với năm trước (năm 2020 bằng 90,5% và tăng 33,6%), gồm có: Vốn trung ương quản lý đạt 72,4 nghìn tỷ đồng, bằng 81,2% kế hoạch năm và giảm 8,2% so với năm trước; vốn địa phương quản lý đạt 351,2 nghìn tỷ đồng, bằng 85% và giảm 8,7%, trong đó vốn ngân sách Nhà nước cấp tỉnh đạt 234,3 nghìn tỷ đồng, bằng 80,9% và giảm 9,2%; vốn ngân sách Nhà nước cấp huyện đạt 98,5 nghìn tỷ đồng, bằng 92,4% và giảm 7,4%; vốn ngân sách Nhà nước cấp xã đạt 18,4 nghìn tỷ đồng, bằng 108,9% và giảm 8,7%.

 

Tính đến ngày 20/12/2021, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt 31,15 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2020.

 

Trong số 71 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư được cấp phép mới tại Việt Nam trong năm 2021, các nước được cấp phép mới lớn nhất bao gồm: Xin-ga-po; Nhật Bản; Đặc khu hành chính Hồng Công (Trung Quốc); Trung Quốc; Hàn Quốc; Hoa Kỳ…

 

Vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 3.797 lượt với tổng giá trị góp vốn 6,89 tỷ USD, giảm 7,7% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 1.535 lượt góp vốn, mua cổ phần làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị góp vốn là 5,03 tỷ USD và 2.262 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,86 tỷ USD.

 

Trong năm 2021, có 26 quốc gia và vùng lãnh thổ nhận đầu tư của Việt Nam, bao gồm Hoa Kỳ; Xin-ga-po; Cam-pu-chi; I-xra-en; Ca-na-da; Lào; Đức…

 

Tính chung năm 2021, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 19%; nhập khẩu tăng 26,5%.

 

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19% so với năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 88,71 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 26,4% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 247,54 tỷ USD, tăng 21,1%, chiếm 73,6%.

 

Năm 2021, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 332,25 tỷ USD, tăng 26,5% so với năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 114,07 tỷ USD, tăng 21,8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 218,18 tỷ USD, tăng 29,1%.

 

Kết quả tích cực nói trên khẳng định niềm tin của người dân, của cộng đồng doanh nghiệp của các nhà đầu tư nước ngoài vào sự lãnh đạo, chỉ đạo, đúng đắn và kịp thời của Đảng, Quốc hội và sự điều hành quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ban, ngành và các địa phương. Bước sang năm 2022 với nhiều nguy cơ và thách thức đan xen, thậm chí tiềm ẩn nhiều rủi ro lạm phát gia tăng; thiên tai, biến đổi khí hậu là nguy cơ luôn tiềm ẩn. Để kịp thời thời khắc phục khó khăn, chủ động tận dụng mọi cơ hội, khai thác mọi tiềm năng, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, cần tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau:

 

Một là, tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”; Bảo vệ tối đa sức khỏe, tính mạng của Nhân dân cùng với tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân và doanh nghiệp.

 

Hai là, kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát giá cả, thị trường, bảo đảm cung ứng hàng hóa và các cân đối lớn của nền kinh tế; thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cần linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng; nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế.

 

Ba là, tiếp tục triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp chống chịu, vượt qua khó khăn, ổn định và phục hồi sản xuất, với phương châm: “không để ai bị bỏ lại”, từ đó tạo tâm lý yên tâm, không di dời khỏi nơi làm việc về quê hương, dẫn tới xáo trộn, thiếu hụt nguồn lực lao động.

 

Bốn là, phát triển mạnh thị trường nội địa, thúc đẩy xuất khẩu bền vững, bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu, nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, không để đứt gãy chuỗi cung ứng...

 

Năm là, cơ cấu lại, phục hồi và phát triển một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp đang bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19 như: Thương mại, dịch vụ, logistics, vận tải, hàng không, du lịch...; khẩn trương khôi phục thị trường du lịch, hỗ trợ phù hợp các doanh nghiệp du lịch gắn với an toàn dịch bệnh.

 

Sáu là, tích cực và đẩy nhanh hơn việc hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp Việt Nam trong mọi lĩnh vực, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số thiết thực, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm công khai, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi tối đa các doanh nghiệp.

 

Bên cạnh đó, cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, chủ động phương án phòng chống thiên tai. Thực hiện tốt công tác trợ giúp đột xuất, bảo đảm người dân khi gặp rủi ro, thiên tai được hỗ trợ kịp thời, khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống. Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và phòng chống cháy nổ./.

 

Nguyễn Văn


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang