Thứ Bẩy, 20/04/2024 12:33:23 GMT+7

Tin đăng lúc 09-11-2018

Lượt xem: 11391

Năm 2019, cổ phần hóa 18 doanh nghiệp nhà nước với giá trị lớn

Theo kế hoạch, ngay trong năm 2019 sẽ có hàng loạt đơn vị phải triển khai cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp với giá trị lớn.
Năm 2019, cổ phần hóa 18 doanh nghiệp nhà nước với giá trị lớn

Liên quan tới kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết, giai đoạn 2017-2020 cổ phần hóa 127 doanh nghiệp.

 

Cụ thể, năm 2017 cổ phần hóa 44 doanh nghiệp; năm 2018 cổ phần hóa 64 doanh nghiệp; năm 2019 cổ phần hóa 18 doanh nghiệp; năm 2020 cổ phần hóa 1 doanh nghiệp.

 

Theo kế hoạch, ngay trong năm 2019 sẽ có hàng loạt đơn vị phải triển khai cổ phần hóa nhiều doanh nghiệp với giá trị lớn.


Trong đó, tại Bộ Công Thương cổ phần hóa 2 tập đoàn kinh tế (Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam); Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cổ phần hóa Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, Tổng công ty Cà phê Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông cổ phần hóa Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong năm 2019; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cổ phần hóa Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong năm 2019; tỉnh Đồng Nai cổ phần hóa Tổng công ty Công nghiệp thực phẩm Đồng Nai trong năm 2019...

 

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong năm 2017 đã cổ phần hóa được 69 doanh nghiệp, trong đó có 17 doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hóa năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng giá trị doanh nghiệp của 69 doanh nghiệp là 365.953 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 160.156 tỷ đồng.

 

Trong 9 tháng đầu năm 2018, có 10 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có 2 doanh nghiệp thuộc danh sách cổ phần hóa năm 2017 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Công văn số 991/QĐ-TTg: Tổng công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTV cab) và Công ty TNHH MTV Thương mại Dầu khí Đồng Tháp.

 

Tổng giá trị doanh nghiệp của 10 doanh nghiệp là 29.524 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 15.271 tỷ đồng. Trong số này, có 2 doanh nghiệp báo cáo tình hình thực hiện bán cổ phần lần đầu là Công ty TNHH MTV Đầu tư xây dựng Vạn Tường (Quân khu 5) và VTV cab (tuy nhiên VTV cab bán đấu giá không thành công).

 

Về việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu về SCIC, ông Tiến cho biết, theo Quyết định 1232 ngày 17/8/2017 của Thủ tướng Chính phủ, danh mục doanh nghiệp chuyển giao về SCIC giai đoạn 2017-2020 là 62 doanh nghiệp với tổng giá trị khoảng 11.000 tỷ đồng.

 

Danh sách 62 doanh nghiệp này bao gồm: 1 tập đoàn kinh tế là Tập đoàn Dệt may Việt Nam với giá trị vốn nhà nước khoảng 2.600 tỷ đồng; 6 tổng công ty gồm: Tổng công ty Thép Việt Nam (Vnsteel) với giá trị khoảng 6.300 tỷ đồng; Tổng công ty Xây dựng đường thủy, Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5, Tổng công ty Xây dựng Công trình giao thông 8, Tổng công ty LICOGI, Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam.

 

Tuy nhiên, theo ông Tiến, tính đến hết tháng 7/2018, các Bộ, ngành, UBND các tỉnh mới hoàn thành chuyển giao 25/62 doanh nghiệp với tổng vốn nhà nước 953,28 tỷ đồng trên tổng vốn điều lệ 2.365 tỷ đồng. Trong đó, năm 2017 đã chuyển giao 21 doanh nghiệp về SCIC với số vốn nhà nước là 821,28 tỷ đồng; 7 tháng đầu năm 2018 chuyển giao 4 doanh nghiệp với số vốn 132 tỷ đồng.

 

Số doanh nghiệp chưa chuyển giao gồm 37 doanh nghiệp với tổng số vốn nhà nước là 10.113 tỷ đồng trên tổng số vốn điều lệ 14.721 tỷ đồng tại 5 Bộ và 8 UBND tỉnh, thành phố. 

 

Nguồn Thời báo Kinh doanh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang