Thứ Sáu, 29/03/2024 13:26:53 GMT+7

Tin đăng lúc 20-12-2015

Lượt xem: 7020

Môi trường đang bị đe dọa từ chất thải trồng trọt

Với xu hướng phát triển ngành nông nghiệp, có thể nhận thấy trong thời gian tới, chất thải phát sinh từ trồng trọt, chăn nuôi chủ yếu là dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV); bao bì thuốc BVTV và thức ăn chăn nuôi; phân gia súc, nước vệ sinh chuồng trại… đều có xu hướng gia tăng, đe dọa đến môi trường sống.
Môi trường đang bị đe dọa từ chất thải trồng trọt
Nuôi trồng thủy sản cũng là yếu tố gây ô nhiễm môi trường

Song song với sự phát triển của ngành trồng trọt, tình trạng tăng sử dụng phân bón hóa học và thuốc BVTV là rất đáng kể.

 

Ô nhiễm tăng theo sự phát triển

 

Theo số liệu thống kê năm 2008, tổng lượng phân bón sản xuất và nhập khẩu 7.437.994 tấn, đến năm 2014, ước tính là 10.325.000 tấn, trung bình tăng khoảng 481.167 tấn/năm. Như vậy, nếu không có biện pháp quản lý, nếu cây trồng hấp thụ khoảng 40 - 50% hàm lượng các chất trong phân bón thì dư lượng thuốc BVTV có thể ngấm vào môi trường là 192.467 - 240.583 tấn/năm. Đây là con số rất đáng lo ngại, tình trạng tích lũy chất ô nhiễm trong đất, nước ngầm sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống và sức khỏe của người dân.

 

Xu hướng ngành chăn nuôi phát triển theo quy mô trang trại, chăn nuôi theo đàn vừa là tích cực và cũng là mối nguy hiểm đối với môi trường. Với quy mô tập trung, việc quản lý và xử lý chất thải chăn nuôi sẽ hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nếu công tác quản lý chưa thực sự hiệu quả, chất thải từ hoạt động chăn nuôi này lại là vấn đề nghiêm trọng đối với môi trường.

 

Theo thống kê hiện nay, ngành chăn nuôi chiếm 25% cơ cấu ngành nông nghiệp và lượng chất thải khoảng 84,5 triệu tấn, chất thải chăn nuôi bên cạnh gây ô nhiễm môi trường đất, nước, tình trạng ô nhiễm mùi và không khí do phân hủy cũng là vấn đề rất đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân.

 

Như vậy, với đặc trưng chất thải này, nếu ngành chăn nuôi tăng số lượng gia súc, gia cầm theo đàn hoặc quy mô trang trại trong thời gian tới thì lượng chất thải tập trung tại mỗi cơ sở cũng tăng, tác động trực tiếp tới cuộc sống và môi trường sống khu vực nông thôn.

 

Một ví dụ điển hình là tình trạng gây ô nhiễm của Trại lợn giống Thái Dương thuộc công ty TNHH lợn giống ngoại Thái Dương (xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ an) đã khiến cho người dân bức xúc, dựng lều vây quanh trại phản đối việc gây ô nhiễm do công ty này gây ra. Tính tổng thiệt hại được thống kê năm 2012 là 14,2 ha diện tích lúa và 4,23ha diện tích nuôi cá thiệt hại và ảnh hướng đến nước sinh hoạt của 16 hộ dân trong vùng. Quan trọng hơn cả là người dân phải sống trong mùi hôi thối, ô nhiễm không khí một thời gian khá dài ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của họ. Từ các thiệt hại này nếu nhân lên với số lượng các trang trại chăn nuôi thì mức độ ảnh hưởng sẽ lớn đến như thế nào khi không được quản lý.

 

Nuôi trồng thủy sản cũng là yếu tố gây ô nhiễm môi trường cần được quan tâm hiện nay, theo quy hoạch, diện tích đất nuôi trồng thủy sản định hướng tới năm 2020 là 790.000 ha, tăng thêm 99.000 ha so với năm 2010, tức ước tính tăng khoảng 9.900 ha/năm. Diện tích đất nuôi trồng thủy sản tăng dẫn đến tình trạng tăng diện tích xâm lấn ven biển, cửa sông và xâm lấn mặn vào đất liền, xảy ra các tình trạng dịch bệnh… ảnh hưởng đến chất lượng đất, đến môi trường sống của quần xã sinh vật, độ muối, xói lở bờ biển. Bên cạnh đó, lượng thức ăn cho nuôi trồng thủy sản mỗi năm cần khoảng 4,4 triệu tấn sẽ thải vào môi trường ít nhất 30% (tương ứng 1,32 triệu tấn/năm) không được xử lý.

 

Giải pháp giảm thiểu

 

Các nguồn phát sinh chất thải từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi, thủy sản, chế biến nông sản… thường phân tán theo diện rộng và có những đặc thù riêng về dạng chất thải, mức độ nguy hại và phương thức xả thải. Vì vậy, giải pháp kỹ thuật công nghệ trong phòng ngừa giảm thiểu và xử lý các loại chất thải nông nghiệp sẽ góp phần giảm thiểu hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường.

 

Theo đó, các địa phương cần đầu tư cho nghiên cứu, lựa chọn các công nghệ bảo vệ môi trường phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với trình độ quản lý và kỹ thuật vận hành của người dân tại khu vực.

 

Ưu tiên các công nghệ phòng ngừa và giảm thiểu chất thải nông nghiệp và nông thôn, công nghệ tái chế và tái sử dụng chất thải nông nghiệp, giảm tiêu thụ phân bón hóa học và hóa chất bảo vệ thực vật.

 

Bắt buộc áp dụng các công nghệ xử lý chất thải nông nghiệp, nông thôn, làng nghề, cơ sở tiểu thủ công nghiệp, xử lý triệt để các điểm ô nhiễm tồn lưu trong khu vực.

 

Theo Thời báo kinh doanh


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang