Thứ Sáu, 29/03/2024 15:06:05 GMT+7

Tin đăng lúc 27-11-2014

Lượt xem: 4401

“Mạnh tay” với phân bón giả

Thời gian qua, tình trạng sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng vẫn diễn ra tràn lan gây thiệt hại lớn cho người nông dân. Đó là nhận định nêu ra tại hội nghị về phân bón và hóa chất trong canh tác nông nghiệp vừa diễn ra tại Hà Nội.
“Mạnh tay” với phân bón giả
Ảnh minh họa

Phân bón giả vẫn “nóng”

 

Theo ông Vũ Thắng- Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn), trước tháng 2/2014, khi Nghị định 202/2013/NĐ-CP về quản lý phân bón có hiệu lực thì mỗi năm có hàng trăm sản phẩm phân bón mới ra đời, vì vậy, trong danh mục phân bón sản xuất - kinh doanh ở Việt Nam có trên 5.000 loại. Đến nay, hiện tượng sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đang là vấn nạn, gây nhiều bức xúc cho người sử dụng và các doanh nghiệp chân chính. Mặc dù thời gian gần đây các cơ quan quản lý thị trường, công an kinh tế… liên tục phát hiện nhiều cơ sở sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng nhưng vẫn chưa ngăn chặn triệt để được tình trạng này.

 

Khẳng định thực trạng trên, ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) - cho biết, 10 tháng năm 2014, lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 175 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 1,8 tỷ đồng, tịch thu 291.728 kg, 13.620 lọ, chai phân bón giả các loại. Ông Lam nhấn mạnh: Đối tượng vi phạm đa dạng bao gồm doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh tư nhân và tư thương buôn bán nhỏ lẻ , đặc biệt có cả những hộ nông dân cũng mua tích trữ phân bón giá rẻ với số lượng lớn có phân bón giả, kém chất lượng rồi trực tiếp bán lại cho người dân xung quanh nên rất khó kiểm tra, kiểm soát và xử lý. Ngoài ra, địa bàn vi phạm mang yếu tố liên tỉnh, thành phố với các thủ đoạn ngày càng tinh vi.

 

Ông Nguyễn Hạc Thúy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam - cũng khẳng định, phân bón giả, nhái nhãn mác đang trở thành vấn đề nhức nhối. Ước tính, những năm gần đây, phân bón giả, kém chất lượng gây thiệt hại khoảng 2 tỷ USD/năm.

 

Kiểm soát chặt

 

Theo ông Đỗ Thanh Lam, để kiểm soát chặt phân bón giả, kém chất lượng trên thị trường, mới đây lực lượng quản lý thị trường đã thực hiện thí điểm kiểm tra tại 7 tỉnh duyên hải miền Trung từ Quảng Nam đến Bình Thuận. Cũng theo ông Lam, từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục triển khai kiểm tra, kiểm soát chống sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng tại các địa phương khác. Đáng chú ý, đối với kiểm tra kiểm soát, cần làm tốt công tác dự báo, nắm chắc diễn biến thị trường, làm rõ phương thức, thủ đoạn, rút ra các quy luật hoạt động để có các phương án kiểm soát hữu hiệu.

 

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đã ban hành Thông tư số 29/2014/TT-BCT hướng dẫn, quy định chi tiết thi hành Nghị định số 202/2013/NĐ-CP về phân bón vô cơ và các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng phân bón vô cơ. Thông tư cũng quy định, phân bón nhập khẩu phải có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ theo quy định của pháp luật. Phân bón trong nước phải có hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh rõ nơi sản xuất, nơi nhập khẩu hoặc nơi cung cấp loại phân bón kinh doanh.

 

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Trần Kim Liên- Phòng chính sách phát triển công nghiệp hóa chất, Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) - nói, ngay sau khi có Thông tư số 29/2014/TT-BCT, Bộ Công Thương đã ban hành các quyết định chỉ định tổ chức chứng nhận và thử nghiệm, chứng nhận và giám định phân bón vô cơ cho các đơn vị.

 

Ông Đỗ Thanh Lam - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường:

 

Tới đây, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện “Đề án chống buôn lậu và sản xuất - kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng” trình Chính phủ phê duyệt theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải.

 

Nguồn:  Báo Công Thương


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang