Thứ Sáu, 29/03/2024 05:24:11 GMT+7

Tin đăng lúc 03-12-2019

Lượt xem: 7674

Mã Pí Lèng – Huyền thoại một con đèo

Là một trong “tứ đại đỉnh đèo” của vùng núi phía Bắc Việt Nam (gồm đèo Mã Pí Lèng, đèo Pha Đin, đèo Khau Phạ, đèo Ô Quy Hồ). Mã Pí Lèng (có nơi đọc là Mã Pí Lèng, Mã Pỉ Lèng, Mả Pì Lèng), tuy không dài nhưng là con đèo hiểm trở bậc nhất và cũng được ví như "vua" của các cung đèo Việt Nam.
Mã Pí Lèng – Huyền thoại một con đèo
Một đoạn cua trên đường đèo Mã Pí Lèng

Ai đã từng qua Mã Pí Lèng mà không một lần thảng thốt vì vẻ đẹp hùng vĩ và đầy huyền bí của con đèo nối liền hai huyện Đồng Văn và Mèo Vạc. Gió, nắng, mây mù, một vùng sơn cước hoang sơ như thuở khai thiên lập địa. Dưới thung sâu, dòng Nho Quế như một sợi dây màu trắng nằm vắt dưới lòng khe núi, phía xa đầu nguồn hút vào sương mù vô tận rồi lẫn trong biển sương mênh mông. Trạm dừng chân nơi đỉnh đèo có thể chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp của Mã Pí Lèng sau khi vượt qua chặng đường nguy hiểm.

 

Ấy vậy mà mấy ai được biết, sự ra đời của con đường huyền thoại và cũng mang đầy kỳ bí này?

 

Với chiều dài 185 km, con đường mang tên Hạnh Phúc được nối từ thành phố Hà Giang xuyên cao nguyên đá Đồng Văn là con đường được khởi đầu và thành hình từ công sức và cả máu xương của hàng vạn thanh niên xung phong từ những năm 50- 60 thế kỷ trước.

 

Con đường đã đem lại cuộc sống no ấm cho đồng bào các dân tộc trên cao nguyên đá Hà Giang, thể hiện sức mạnh của con người trước những khắc nghiệt của thiên nhiên. Đường Hạnh Phúc - con đường huyền thoại nối liền thành phố Hà Giang với 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc của Hà Giang bắt đầu khởi công từ ngày 10/9/1959.

 

Theo tài liệu ghi lại, sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, chiến dịch Điện Biên Phủ thắng lợi, người miền núi và người miền xuôi đã đuổi được giặc Pháp về nước, bọn tay sai phải đầu hàng. Để miền núi từng bước tiến kịp miền xuôi, Trung ương khi về Việt Bắc đã quyết định làm con đường Hạnh Phúc và thu nạp hàng trăm thanh niên của dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc như Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn… để mang sức trẻ góp phần xây dựng quê hương, giúp người dân có đường đi thuận lợi.

 

Để mở đường, lúc bấy giờ, hơn 1.300 thanh niên xung phong cùng hơn 1.000 dân công thuộc 16 dân tộc Mèo, Tày, Dao, Pu Péo, Lô Lô... của 8 tỉnh Cao Bắc Lạng (Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn), Hà Tuyên Thái (Hà Giang, Tuyên Quang, Thái Nguyên), Hải Hưng, Nam Định đã phải đục khoét gần 03 triệu mét khối đá bằng những dụng cụ làm việc còn rất thô sơ, chỉ có búa, xà beng. Vì thế, người cậy đá, người đục, người khuân vác rất vất vả. Một ngày công của họ chỉ tương đương khoảng 01 kg gạo. Ăn ở thiếu thốn nhưng hàng ngày, đoàn thanh niên vẫn làm việc hăng say. Đoạn khó khăn nhất của tuyến đường chỉ có 21 km từ Đồng Văn sang Mèo Vạc mà phải mất gần 2 năm mới hoàn thành. Đoạn đường này chính là con đèo hiểm trở Mã Pí Lèng.

 

Chuyện kể rằng, con đèo nổi tiếng với dốc cao dựng đứng này đã khiến những con ngựa cái leo chưa đến đỉnh đã trụy thai mà chết, những con ngựa đực chưa vượt qua đèo đã phải tắt thở. Vì vậy dân địa phương đã dùng cụm từ “Mã Pí Lèng” trong tiếng Quan Hỏa, nghĩa đen là “sống mũi con ngựa”, đặt tên cho con đèo.

 

Cái tên “Mã Pí Lèng” của con đèo đã nói lên sự hiểm trở của ngọn núi, của con đèo, với những dốc cao dựng đứng như sống mũi con ngựa.

 

 

Đèo Mã Pí Lèng

 

Để hoàn thành con đường qua đèo, trong 11 tháng trời, hàng trăm TNXP đã thay nhau treo mình trên vách đá để đục từng thớ đá, đục từng lỗ mìn, để kéo dài con đường thêm từng centimet. Cũng như ở chiến trường, nhiều người đã được truy điệu sống trước khi cầm choòng, cầm búa leo lên vách đá.

 

17 người khỏe mạnh, gan dạ nhất đã ra nhập đội cảm tử, Ban chỉ huy công trường gọi là “Đội Cơ Dũng”, đem sức người nhỏ bé chọi lại sức mạnh của biển đá nghìn năm. Trên đỉnh núi đặt sẵn 10 cỗ quan tài thể hiện ý chí “quyết tử”.

 

Mỗi sáng, các thành viên “Đội Cơ Dũng” hô to “quyết thắng” rồi vác choòng (xà beng 8 cạnh), búa, ít thuốc nổ, trèo lên vách núi. Treo mình giữa lưng chừng trời, họ đục khoét đá, khoan phá đá để mở từng centimet đường, hoàn thành đoạn đường qua dốc cao hiểm trở. Qua hơn 6 năm xây dựng với 2.946.321 lượt ngày công, toàn bộ con đường được hoàn thành vào 15/6/1965 và được đặt tên là con đường Hạnh Phúc.

 

Để có được con đường Hạnh Phúc, rất nhiều mồ hôi, xương máu của thanh niên xung phong đã đổ xuống và 14 chiến sĩ TNXP đã nằm lại nơi này.

 

Những ai yêu mến Hà Giang thì con đường Hạnh Phúc là một hành trình rất đặc biệt, bởi để đi hết đường Hạnh Phúc phải vượt qua những con đèo cao vút như Bắc Sum, Cổng Trời, Cán Tỷ, Mậu Duệ, ngược lên Lũng Cú vời vợi mây trời và đặc biệt là phải vượt qua bức tường thành Mã Pí Lèng danh tiếng.

 

Linh Đan


Tin liên quan:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang