Thứ Bẩy, 20/04/2024 01:02:24 GMT+7

Tin đăng lúc 14-08-2017

Lượt xem: 2412

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – Động lực tạo sự phát triển mạnh mẽ cho cộng đồng các doanh nghiệp

Với 83,5% số đại biểu tán thành (410/442 phiếu), sáng 12/6/2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chính thức được Quốc hội thông qua. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật riêng về vấn đề này và được cộng đồng doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam đặt nhiều kỳ vọng sẽ tạo kênh hỗ trợ hiệu quả.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa – Động lực tạo sự phát triển mạnh mẽ cho cộng đồng các doanh nghiệp
Luật Hỗ trợ DNNVV đc kỳ vọng là động lực tạo sự phát triển mạnh mẽ cho các DNNVV

Theo thống kê sơ bộ, trong số các doanh nghiệp (DN) đang hoạt động trên cả nước thì có tới 95% là DNNVV. Đây là khối DN có mặt ở tất cả các lĩnh vực, từ nông, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp xây dựng đến thương mại, dịch vụ, du lịch... Với tỷ lệ rất lớn như vậy thì sự đóng góp vào phát triển kinh tế đất nước của bộ phận DN này là không hề nhỏ. Tuy nhiên, đây lại là bộ phận gặp nhiều khó khăn nhất. Theo chia sẻ của các DN thì rào cản cũng như mong muốn lớn nhất của các DN là nguồn vốn, hiện nay, các DN vẫn chưa tiếp cận được với nguồn vốn  giá rẻ, vì vậy, việc đầu tư máy móc thiết bị gặp rất nhiều khó khăn, điều này làm cho DN đuối sức trong xu thế cạnh tranh và hội nhập.

 

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế VCCI cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do áp lực từ việc bắt buộc có tài sản thế chấp, thủ tục vay vốn phiền hà... mà DNNVV phải gánh chịu đều cao hơn DN lớn. DNNVV đang thiếu vốn trong khi việc triển khai quỹ bảo lãnh tín dụng lại chậm và chưa đều khắp dẫn đến hầu hết DN đang tự thân vận động. Cũng theo khảo sát của VCCI, DNNVV phải chi trả các chi phí không chính thức lên đến 10% doanh thu trung bình của một năm. Bên cạnh đó, nhiều chính sách về sản xuất kinh doanh cũng còn gây khó khăn cho DN, việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật của các bộ, ngành, địa phương trong phân bổ nguồn lực, môi trường đầu tư chưa thực sự bình đẳng và có sự phân biệt giữa các loại hình DN. Thống kê cũng cho thấy, hiện cả nước có khoảng hơn 600 nghìn DNNVV, khối này đóng góp khoảng 40% - 50% GDP, 33% vào tổng thu ngân sách và tạo ra trên 60% việc làm..., thế nhưng DNNVV lại đang ở tình trạng “đói, khát” nhiều thứ.

 

Thời gian qua đã có nhiều hình thức hỗ trợ DNNVV nhưng khâu triển khai đều rất chậm và hiệu quả đến với DN là rất thấp. Trong Dự thảo kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Dự án Luật hỗ trợ DNNVV gửi Chính phủ đã chỉ ra những hạn chế bất cập trong việc triển khai chính sách hỗ trợ DNNVV đó là: Hơn 80% các chương trình, chính sách hỗ trợ DNNVV không có đánh giá kết quả hỗ trợ và tác động đối với DN. Bên cạnh đó, một số chính sách có nội dung chưa thực thế, hình thức thực hiện như: Hỗ trợ thông tin, tư vấn trực tuyến, đào tạo, hỗ trợ nguồn nhân lực cho DNNVV… chưa phù hợp. Trước thực trạng này việc tìm ra các giải pháp hỗ trợ DNNVV vượt qua khó khăn, phát triển bền vững, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển kinh tế đất nước là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

 

Ở các quốc gia phát triển, công tác hỗ trợ DNNVV được xem như một nhiệm vụ trọng tâm và được các quốc gia này luật hóa từ hàng chục năm trước. Cụ thể, Mỹ ban hành Luật DN Nhỏ vào năm 1953; Nga ban hành Luật Phát triển DN nhỏ năm 2008; Nhật Bản đã ban hành Luật cơ bản về DNNVV vào năm 1963; Hàn Quốc đã có Luật DNNVV vào năm 1966. Nhìn gần hơn, tại các quốc gia trong khu vực Asean như Thái Lan đã ban hành Luật hỗ trợ DNNVV vào năm 2000, hay Indonesia đã ban hành Luật DN Nhỏ vào năm 1995…

 

So sánh với các nước, ông Hồ Sỹ Hùng – Cục trưởng Cục Phát triển DN, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, khoảng cách giữa Việt Nam với các nước là rất lớn. Đến thời điểm hiện nay, các nguồn lực và sự quan tâm đến hỗ trợ DNVVN của Việt Nam là chưa cao, do vậy, việc tiếp cận của các DNNVV đến các khoản hỗ trợ này chưa nhiều.

 

 Đứng trước khó khăn của DNNVV trong nước, vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật hỗ trợ DNNVV. Đây được được kỳ vọng sẽ mang lại những giải pháp thiết thực và cụ thể, nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho sự phát triển của khối DN này. Luật bao gồm 4 chương và 35 điều, trong đó quy định tiêu chí xác định DNNVV bao gồm DN siêu nhỏ, DN nhỏ và DN vừa, có số lao động tham gia BHXH bình quân của năm trước liền kề không quá 200 người và đáp ứng một trong hai tiêu chí là có tổng nguồn vốn của năm trước liền kề không quá 100 tỉ đồng, doanh thu của năm trước liền kề không quá 300 tỉ đồng…

 

Luật này cũng quy định nguyên tắc hỗ trợ DNNVV là phải tôn trọng quy luật thị trường, không vi phạm điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Nhà nước sẽ hỗ trợ DNNVV có trọng tâm, có thời hạn, phù hợp với mục tiêu hỗ trợ và khả năng cân đối nguồn lực nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế trong từng thời kỳ, đảm bảo công khai, minh bạch về nội dung, đối tượng, trình tự, thủ tục, nguồn lực, mức hỗ trợ và kết quả thực hiện… Nguồn vốn hỗ trợ các DNNVV bao gồm vốn tín dụng có hỗ trợ của Nhà nước; Nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước; Nguồn vốn từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước. Luật cũng quy định thuế suất, thuế thu nhập DN thấp hơn mức thuế suất thông thường áp dụng cho DN nếu đáp ứng tiêu chí theo quy định của pháp luật về thuế tiêu thụ DN, với chính sách này, cộng đồng DN cho rằng sẽ có một số tiền bổ sung vào nguồn vốn tự có để đầu tư sản xuất kinh doanh.

 

Có thể nói Luật hỗ trợ DNNVV ra đời nhằm đảm bảo sự bình đẳng giữa tất cả các loại hình sở hữu và quy mô DN, không để các DNNVV mất cơ hội và quyền lợi trong kinh doanh, từ đó có những giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính và phân chia các điều kiện kinh doanh hợp lý, góp phần đảm bảo cho các DN hoạt động hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, để luật có thể đi vào cuộc sống thì vai trò của các cơ quan quản lý Nhà nước, trong đó có các Hiệp hội DN là rất quan trọng. Hiệp hội cần phối hợp với các sở, ban ngành tổ chức các chương trình đào tạo, huấn luyện nhằm phổ biến Luật đến với các DN. Đồng thời, sau khi Luật được đi vào áp dụng, Hiệp hội cũng cần có những phân tích, đánh giá định kỳ hàng năm để tổng hợp và đưa ra ý kiến đóng góp để bộ luật có thể đi vào cuộc sống.

 

Quỳnh Anh

 


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang