Thứ Ba, 23/04/2024 20:11:39 GMT+7

Tin đăng lúc 19-07-2022

Lượt xem: 504

Long An tăng tốc thực hiện ba chương trình đột phá

Để xứng tầm là tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam vào năm 2025, Long An đang tập trung nhiều giải pháp tăng tốc thực hiện ba chương đột phá:
Long An tăng tốc thực hiện ba chương trình đột phá
Một góc Long An nhìn từ trên cao

Một là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; hai là huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh; ba là đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp.

 

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An Nguyễn Thanh Truyền cho biết, sau hai năm thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nông dân Long An đã bắt tay canh tác được hơn 29.340ha lúa ứng dụng công nghệ cao, đạt 48,9% kế hoạch 2021-2025; hơn 1.830 ha rau ứng dụng công nghệ cao, đạt 91,5% kế hoạch 2021-2025; trên 4.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao, đạt 66,9% kế hoạch 2021-2025; 140ha chanh ứng dụng công nghệ cao, đạt 24% kế hoạch 2021-2025; trên con bò thịt đã xây dựng ba mô hình chăn nuôi bò thịt ứng dụng công nghệ cao; chuyển đổi giống bò thịt chất lượng cao tại Đức Hòa, Thủ Thừa và Đức Huệ; trên con tôm đã có 10ha ứng dụng công nghệ cao, đạt 10% kế hoạch 2021-2025.

 

Cùng với đó, Long An đang đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử trong nông nghiệp và đã cập nhật thông tin 24 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, 31 sản phẩm OCOP, 867 cơ sở được cấp giấy đủ điều kiện an toàn thực phẩm để đưa vào vận hành sàn giao dịch điện tử. Hướng dẫn tạo lập dữ liệu vùng trồng thanh long để đưa lên bản đồ số phục vụ cho tra cứu thông tin tại xã Dương Xuân Hội, Châu Thành, Long An. Đưa vào vận hành hệ thống kết nối cung cầu nông sản an toàn. Giải pháp then chốt để nâng cao giá trị hàng nông sản trong thời gian tới là hướng cho nông dân ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tập trung chuyển đổi tư duy từ “sản xuất nông nghiệp” sang “kinh tế nông nghiệp”.

 

Đối với Chương trình huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông, Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình xác định đầu tư đường Lương Hòa-Bình Chánh; Hựu Thạnh-Tân Bửu; đường tỉnh 826E; đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến đường tỉnh 826E; trục động lực Đức Hòa; Tân Tập-Long Hậu đoạn từ vành đai 4 đến đường tỉnh 830; nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 824 đoạn ngã ba Mỹ Hạnh đến cầu Kênh Ranh; nút giao Hùng Vương với quốc lộ 62; quốc lộ 50B nối ba địa phương là Thành phố Hồ Chí Minh-Long An-Tiền Giang.

 

Theo đó, trong năm 2022, Long An đặt ra nhiệm vụ là hoàn thành 100% bốn dự án: Nâng cấp, mở rộng đường tỉnh 824; dự án nút giao Hùng Vương với quốc lộ 62; đường tỉnh 826E; đường kết nối đường dẫn vào cầu Rạch Dơi đến đường tỉnh 826E. Triển khai thi công đường Tân Tập-Long Hậu. Hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư 3 dự án trục động lực Đức Hòa; đường Lương Hòa-Bình Chánh và Hựu Thạnh-Tân Bửu.

 

Giải pháp thực hiện là huy động cả hệ thống chính trị vào công tác tuyên truyền thực hiện Nghị quyết, triển khai thực hiện công tác giải phóng mặt bằng; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác giải phóng mặt bằng để bảo đảm tiến độ thực hiện dự án; thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm trước Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi để xảy ra trường hợp chậm trễ, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng thực hiện các dự án thuộc Nghị quyết.

 

Các cơ quan, đơn vị có liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện từng bước, từng khâu cụ thể gắn với trách nhiệm của từng cá nhân để thuận lợi trong công tác đánh giá, theo dõi, giám sát việc thực hiện. Xây dựng và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc tổ chức lựa chọn nhà đầu tư các dự án có liên quan; cơ chế gắn trách nhiệm của nhà đầu tư đối với từng dự án, công trình cụ thể. Xây dựng tiến độ thực hiện cụ thể gắn với phân công, phân nhiệm rõ ràng.

 

Đối với chương trình đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp, Long An đặt ra mục tiêu đến năm 2025 sẽ có 75% lao động gắn với phát triển công nghiệp và nông nghiệp qua đào tạo, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%. Các ngành nghề đào tạo gồm: Sản xuất vật liệu mới, quản trị chất lượng, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, công nghệ kỹ thuật cơ khí; công nghệ kỹ thuật điện, điện tử, viễn thông; cơ kỹ thuật; xây dựng; tự động hóa; công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm; công nghệ sản xuất, chế biến sợi, vải, da…

 

Trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ tập trung đào tạo các ngành nghề như: Kỹ thuật trồng lúa, thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP, kỹ thuật vận hành, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật nhân giống cây trồng; công nghệ kỹ thuật chế biến và bảo quản nông sản…

 

Trên cơ sở này sẽ tập trung đào tạo, bồi dưỡng, thu hút 20 tiến sĩ và 640 thạc sĩ từ các Khối cơ quan Đảng, đoàn thể, chuyên khoa cấp I, chuyên khoa cấp II. Theo đó, ngành y tế đào tạo, thu hút hai tiến sĩ, 28 thạc sĩ, 248 chuyên khoa I và 22 chuyên khoa II; đào tạo ít nhất 100 sinh viên tạo nguồn cán bộ cho ngành y tế; 100% cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng quản lý nhà nước, kiến thức quốc phòng-an ninh, tin học, ngoại ngữ, cập nhật kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực thi công vụ, đạo đức công vụ theo yêu cầu của vị trí việc làm.

 

Với các giải pháp rất cụ thể cho từng chương trình, chắc chắn đến năm 2025 Long An sẽ đạt được tiêu chí là tỉnh phát triển khá trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

 

Theo báo Nhân dân

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang