Thứ Sáu, 29/03/2024 14:39:23 GMT+7

Tin đăng lúc 16-10-2021

Lượt xem: 1716

Nghệ An: Để ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí phát triển – cần nhiều giải pháp đồng bộ

Tỉnh Nghệ An xác định, đến năm 2025, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) của tỉnh sẽ tăng bình quân 9-10%/năm, chiếm 10-12% giá trị toàn ngành công nghiệp. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này có lẽ cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa, bởi thực tế cho thấy, thời gian qua, ngành CNHT của Nghệ An, trong đó có lĩnh vực cơ khí phát triển chưa được như kỳ vọng.
Nghệ An: Để ngành công nghiệp hỗ trợ cơ khí phát triển – cần nhiều giải pháp đồng bộ
Ngành CNHT cơ khí của tỉnh Nghệ An cần những cơ chế chính sách hỗ trợ mạnh hơn để phát triển đúng với kỳ vọng và tiềm năng của địa phương

Theo Sở Công Thương Nghệ An, hiện toàn tỉnh Nghệ An đã hình thành nhóm ngành CNHT với khoảng 90 doanh nghiệp lớn nhỏ, chiếm khoảng 8% tổng số doanh nghiệp ngành công nghiệp. Đối với ngành cơ khí, đa số là các cơ sở và doanh nghiệp quy mô nhỏ, mặt bằng nhà xưởng chật hẹp, chủ yếu sản xuất, gia công các sản phẩm cơ khí giản đơn phục vụ nhu cầu của địa phương với công nghệ lạc hậu, máy móc đã đầu tư và sử dụng qua hàng chục năm. Do việc đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ cần nguồn vốn lớn, nên các cơ sở, doanh nghiệp cơ khí thường chọn phương án bổ sung một số thiết bị cho các khâu quyết định chất lượng sản phẩm hoặc trùng tu, cải tiến máy móc cũ để tiếp tục sử dụng. Đây là nguyên nhân chính khiến cho ngành cơ khí vẫn chưa có đủ hàm lượng công nghệ cao để đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

 

Điển hình ở khâu tạo phôi là một khâu rất quan trọng trong công nghiệp cơ khí, nhưng các cơ sở sản xuất vẫn chủ yếu sử dụng công nghệ đúc bằng khuôn cát nên chất lượng vật đúc thấp, tỉ lệ chế phẩm cao. Ở khâu gia công kim loại bằng cắt gọt, đa số vẫn sử dụng các loại máy móc công cụ lạc hậu, thiếu chính xác, phương pháp công nghệ cũ, trình độ tự động hóa thấp…

 

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, còn một số nguyên nhân khác dẫn đến sự tụt hậu của ngành CNHT nói chung và CNHT cơ khí nói riêng, đó là Nghệ An đang thiếu những dự án đầu tàu, giữ vai trò trung tâm và tạo động lực để thu hút phát triển các dự án CNHT vệ tinh. Đồng thời, tỉnh cũng cần có những chính sách thông thoáng hơn nữa để thu hút những nhà đầu tư lớn, nhất là các doanh nghiệp FDI vào tỉnh và kết nối các doanh nghiệp với nhau tạo thành chuỗi liên kết.

         

Nhận thức được điểm mạnh, điểm yếu của ngành CNHT địa phương, đặc biệt là CNHT cơ khí, từ năm 2019, UBND tỉnh Nghệ An đã xây dựng và phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Nghệ An giai đoạn 2019-2025, trong đó xác định ưu tiên, hỗ trợ phát triển các nhóm ngành trọng tâm, trọng điểm đang là thế mạnh của tỉnh là sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu. Trong giai đoạn này, tỉnh Nghệ An sẽ dành 32,8 tỷ đồng để kết nối, phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực CNHT với mục tiêu đến năm 2025 hoàn chỉnh hệ thống sản xuất CNHT nhằm phát triển hiệu quả, vững chắc các ngành công nghiệp là thế mạnh của địa phương.

 

Để thực hiện mục tiêu trên, tỉnh cũng đề ra nhiều giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp CNHT về xúc tiến thương mại; đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nghiên cứu, ứng dụng chuyển giao và đổi mới công nghệ trong sản xuất linh kiện, phụ tùng, nguyên vật liệu; tiếp cận vốn vay lãi suất thấp… Cùng với đó, Nghệ An cũng ưu tiên thu hút dự án CNHT công nghệ cao và các dự án lớn tạo động lực, thu hút vệ tinh phát triển CNHT, nhất là khu vực FDI để tăng nhanh số lượng doanh nghiệp CNHT.

         

Với những chính sách hỗ trợ trên, sau một thời gian triển khai thực hiện, ngành CNHT của tỉnh, trong đó có cơ khí, đang góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp, từ đó, thúc đẩy ngành công nghiệp địa phương phát triển, đáp ứng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, để ngành này phát triển đúng với kỳ vọng và tiềm năng của địa phương thì vẫn còn nhiều việc cần phải làm.

 

Theo nhiều chuyên gia, Nghệ An cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo lập môi trường kinh doanh thực sự minh bạch, ổn định, lành mạnh, bình đẳng với doanh nghiệp nhằm thu hút hiệu quả hơn nữa các dự án lớn, bền vững. Trong đó, cần rà soát, sửa đổi các văn bản pháp luật liên quan đến CNHT cơ khí, đề xuất các giải pháp, chính sách hợp lý về cơ chế, quy hoạch hạ tầng, mặt bằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao… nhằm tăng cường năng lực sản xuất của các doanh nghiệp cơ khí.

 

Bên cạnh đó, hỗ trợ gắn kết các doanh nghiệp trong tỉnh, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), từng bước tiếp cận công nghệ tiên tiến và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu ngành công nghiệp. Tạo cơ chế để các doanh nghiệp FDI chuyển giao công nghệ, triển khai hoạt động thiết kế và chế tạo tại tỉnh Nghệ An, giảm gia công, lắp ráp và sử dụng nhiều lao động. Xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù hỗ trợ dành riêng cho ngành cơ khí.

 

Cùng với đó, các doanh nghiệp CNHT cơ khí, nhất là các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất nhỏ, yếu về vốn và trình độ cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp lớn trong và ngoài tỉnh để tiếp cận được với công nghệ tiên tiến và tiêu chuẩn hóa sản phẩm, tham gia vào chuỗi giá trị.

 

Có thể nói, để ngành CNHT cơ khí phát triển mạnh trong tương lai, Nghệ An cần có những chính sách, cơ chế hỗ trợ mạnh mẽ hơn, phù hợp hơn nữa để giúp các doanh nghiệp nâng cao được năng lực sản xuất, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, đáp ứng tiêu chuẩn tham gia vào chuỗi sản xuất công nghiệp toàn cầu./.

 

Quỳnh Anh


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang