Thứ Sáu, 19/04/2024 19:22:12 GMT+7

Tin đăng lúc 17-08-2019

Lượt xem: 1365

Làng nghề chè ở Thái Nguyên phát triển nhờ có kinh phí khuyến công

Xóm Vân Hán là một trong những xóm có diện tích trồng chè lớn nhất xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên với diện tích 520 ha. Trên địa bàn xóm hiện có 245 hộ dân với 998 nhân khẩu thì có tới 240 hộ trực tiếp trồng, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm từ chè.
Làng nghề chè ở Thái Nguyên phát triển nhờ có kinh phí khuyến công
Năm 2019, Trung tâm KC Thái Nguyên đã mua mới 14 máy sao chè và 56 máy vò chè hỗ trợ làng nghề chè truyền thống Vân Hán

Tuy nhiên, theo đánh giá của chính quyền địa phương, vài năm trở về trước, cây chè chưa thực sự mang lại giá trị kinh tế tương xứng với điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng nơi đây. Nguyên nhân xuất phát bởi việc sản xuất chè vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là khâu sản xuất, bảo quản chè vẫn làm theo phương pháp thủ công, chưa ứng dụng các máy móc thiết bị tiên tiến nên chất lượng chè còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết.

 

Trước thực trạng đó, những năm gần đây, TTKC Thái Nguyên đã phối hợp với Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Đồng Hỷ và UBND xã Văn Hán thực hiện đề án "Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất chè" cho Tổ hợp tác Sản xuất chè xóm Vân Hán (Làng nghề chè truyền thống Vân Hán). Chỉ tính riêng năm 2019, Trung tâm đã đầu tư mua 14 máy sao chè và 56 máy vò chè với tổng số tiền là 403,2 triệu đồng. Từ khi ứng dụng hệ thống máy móc mới, kết quả cho thấy, máy sao và máy vò chè có nhiều ưu điểm nổi trội. Cụ thể, máy có thể điều chỉnh nhiệt độ nhanh, kịp thời và thân thiện với môi trường. Đặc biệt, sản phẩm chè đưa ra thị trường đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do hạn chế được khói, bụi và gỉ sét gây ra trong quá trình sao; thời gian sử dụng máy lên tới hơn 10 năm, giá trị sản phẩm tăng từ 20 - 25% so với phương pháp thủ công.

 

Đánh giá về tính hiệu quả của đề án, ông Nguyễn Đình Hùng – Giám đốc TTKC Thái Nguyên cho biết, nhờ hỗ trợ kinh phí khuyến công, đến nay, Làng nghề chè truyền thống Vân Hán đã được trang bị thêm nhiều máy móc hiện đại trong sản xuất chè. Khi ứng dụng thiết bị mới vào sản xuất, chất lượng và năng suất của sản phẩm chè đã tăng lên đáng kể, qua đó, tạo được uy tín, thương hiệu chè của địa phương trên thị trường cũng như từng bước gia tăng các đơn hàng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, sau khi ứng dụng các máy móc tiên tiến mới, nhiều làng nghề chè cũng như các cơ sở chế biến chè khác trong tỉnh đã đến học tập và áp dụng công nghệ này vào sản xuất. Do vậy, đề án được đánh giá là có tính bền vững cao.

 

Ông Nông Văn Triệu - Trưởng ban Quản lý làng nghề, tổ trưởng tổ hợp tác sản xuất chè xóm Vân Hán chia sẻ: "Từ ngày làng nghề được TTKC Thái Nguyên hỗ trợ ứng dụng máy móc trong sản xuất thì tổng sản lượng chè thành phẩm của địa phương tăng đáng kể. Do nâng cao chất lượng nên giá bán chè cũng cao hơn, kinh tế của người dân cũng phát triển hơn. Hiện nay, số đông các gia đình trồng và kinh doanh chè trong xóm đã xây được nhà cửa khang trang, mua sắm được nhiều vật dụng tiên nghi. Rất mong trong những năm tới, Trung tâm Khuyến công Thái Nguyên tiếp tục quan tâm và hỗ trợ cho làng nghề Vân Hán".

 

Anh Tuấn


| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang