Thứ Sáu, 29/03/2024 02:30:27 GMT+7

Tin đăng lúc 23-03-2021

Lượt xem: 1224

Làm thế nào nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp CNHT Việt Nam?

Năm 2021, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đang đứng trước cơ hội lớn khi Việt Nam tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Dòng vốn trực tiếp nước ngoài (FDI) dịch chuyển vào Việt Nam sẽ tạo động lực cho các doanh nghiệp CNHT bứt phá, mở rộng sản xuất. Nhưng làm thế nào để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp CNHT vẫn là một câu hỏi lớn chờ lời giải…
Làm thế nào nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp CNHT Việt Nam?
Doanh nghiệp CNHT Việt Nam cần sẵn sàng đón làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng.

Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng sang Việt Nam

 

Trong bối cảnh ảm đạm của kinh tế toàn cầu, dù cũng chịu ảnh hưởng nặng của đại dịch Covid-19 nhưng các chỉ số kinh tế vĩ mô vẫn cho thấy, Việt Nam có nhiều dư địa để làm tốt hơn nữa. Với việc 13 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở nhất thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển chuỗi cung ứng mới.

 

Trong thu hút đầu tư, chỉ tính 6 tháng đầu năm 2020, vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 16 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ 2019 nhưng vẫn tốt hơn so với mức giảm trung bình 30% - 40% trên toàn cầu năm 2020. Đây là kết quả ban đầu khá tốt so với phần còn lại của thế giới, là đòn bẩy để Việt Nam lội ngược dòng ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19.

 

Ông Nguyễn Hoàng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành CNHT TP Hà Nội (HANSIBA), cho biết, trong những năm qua, nhiều doanh nghiệp CNHT đã cung ứng được cho những tập đoàn đa quốc gia lớn, cùng các doanh nghiệp (DN) FDI đã có mặt tại Việt Nam như Canon, Samsung, Toyota, Honda… Theo đó, các DN CNHT cũng đã xuất khẩu sản phẩm trực tiếp cho các đối tác trên thế giới, đem lại doanh thu rất lớn, lên đến hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng. Vì thế, Hiệp hội đã tiến hành đẩy mạnh việc hợp tác, ký kết thỏa thuận, xúc tiến cung cầu cho các DN CNHT trong nước với nhiều DN, tập đoàn FDI đã, đang có mặt tại Việt Nam.

 

Đơn cử, ngay trong ngày ra quân đầu năm Tân Sửu (ngày 17/2/2021), Công ty Cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO) đã xuất khẩu hơn 200 ô tô và linh kiện phụ tùng sang các thị trường Thái Lan, Myanmar, Nhật Bản và Hàn Quốc. Đây là lô hàng có số lượng lớn nhất từ trước đến nay, gồm xe du lịch KIA, xe bus và sơmi rơmoóc được sản xuất tại các nhà máy thuộc Khu công nghiệp THACO Chu Lai. Theo kế hoạch năm 2021, THACO sẽ xuất khẩu 1.480 xe sang Thái Lan, Myanmar và mở rộng sang các thị trường khác, từng bước thực hiện mục tiêu trở thành trung tâm sản xuất, xuất khẩu ô tô và linh kiện phụ tùng của KIA MOTORS tại khu vực ASEAN.

 

Làn sóng chuyển dịch chuỗi cung ứng đã tạo ra những cơ hội phát triển lớn cho các DN CNHT Việt Nam ngay trong lúc đại dịch vẫn còn hoành hành và khiến nhiều nền kinh tế trên thế giới thương tổn. Gió đã nổi lên nhưng thuyền có đủ lớn, buồm có đủ căng để bứt phá hay không lại là một câu chuyện khác…

 

Trên thực tế, số lượng DN nói chung, đặc biệt là các DN CNHT nội địa tham gia vào mạng lưới sản xuất vẫn còn thấp. Hơn nữa, các DN nước ngoài thường yêu cầu tiêu chuẩn rất cao, trong khi các DN CNHT chủ yếu là nhỏ và vừa, còn rất thiếu về vốn và kinh nghiệm.

 

Giải pháp mới cho phát triển CNHT Việt Nam

 

Năm 2020, ngành CNHT Việt Nam có thêm một cú hích mới, đó là việc Chính phủ ban hành Nghị quyết số 115/NQ-CP ngày 6/8/2020 về các giải pháp thúc đẩy phát triển CNHT. Theo đó, đến năm 2030, Chính phủ đặt ra mục tiêu, sản phẩm CNHT sẽ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 DN đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các DN lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia tại Việt Nam...

 

Đây là một mục tiêu lớn, đòi hỏi các DN CNHT Việt Nam phải có bước chuyển mình thực sự để theo kịp với tình hình mới. Nghị quyết 115 đã đưa ra các giải pháp cụ thể nhằm thúc đẩy phát triển CNHT như: Xây dựng, hoàn thiện và triển khai hiệu quả, đồng bộ các cơ chế, chính sách đặc thù phát triển CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển. Tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với DN CNHT và công nghiệp chế biến, chế tạo, ưu tiên phát triển khi vay vốn ngắn hạn tại tổ chức tín dụng. Tạo cơ hội hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các DN Việt Nam với các DN đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài. Thúc đẩy phát triển thị trường nội địa và thị trường ngoài nước để tạo điều kiện phát triển CNHT và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Xây dựng và vận hành hiệu quả các Trung tâm kỹ thuật hỗ trợ phát triển công nghiệp vùng và địa phương từ vốn đầu tư trung hạn của Trung ương và địa phương. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu CNHT và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển nhằm thúc đẩy kết nối giữa nhà cung cấp Việt Nam và các tập đoàn đa quốc gia.

 

Theo bà Trần Thị Thu Trang, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty điện tử Hanel PT, Chủ tịch CLB DN phát triển bền vững Keieijuku: Việc lãi suất thay đổi nhiều đang tạo ra khá nhiều rủi ro cho các kế hoạch dài hạn của DN. Khi DN vận hành, vấn đề đau đầu nhất là không hiểu lãi suất đồng tiền biến động như thế nào. Chúng tôi hy vọng Nghị định 115 giúp các DN CNHT tiếp cận được vốn dễ dàng hơn. Bởi trên thực tế, có những DN tăng trưởng 200 – 300%, có cơ hội xuất khẩu cho những tập đoàn hàng đầu thế giới trong cơ hội vàng này. Nhưng khi đi vay vốn, họ gặp nhiều khó khăn, phải rải ra vay của 3, 4 ngân hàng vì lo sợ lúc nào đó đột nhiên ngân hàng ngừng giải ngân, bao nhiêu kế hoạch sản xuất sẽ phá sản. DN rất cần được đầu tư nguồn vốn và ưu đãi lãi suất để có thể cạnh tranh sòng phẳng với các DN nước ngoài, vốn được chính phủ các nước hỗ trợ rất nhiều về vốn, công nghệ và ưu đãi cho vay.

 

Ngoài ra, các DN CNHT cũng kiến nghị Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu và sớm trình Quốc hội ban hành Luật CNHT. Chính phủ và DN cùng song hành với Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để hỗ trợ cho ngành CNHT. Thậm chí, các DN còn mong muốn Chính phủ ban hành chỉ thị cụ thể, yêu cầu các tập đoàn nước ngoài đang có mặt tại Việt Nam phải nội địa hoá và đặt hàng của các DN Việt Nam, nhưng theo hướng sẽ hỗ trợ các tập đoàn FDI này về thuế và chính sách khác theo tỷ lệ đặt hàng nội địa hoá.

 

Đại dịch Covid-19 hoành hành khắp thế giới trong năm 2020 đến nay chưa có dấu hiệu giảm nhiệt, một lần nữa cho thấy tầm quan trọng của việc làm chủ công nghệ, làm chủ chuỗi sản xuất. Dù còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành CNHT Việt Nam đang dần tiến từng bước, chủ động tìm kiếm cơ hội, tận dụng thế mạnh của mình để nắm bắt cơ hội phát triển lớn hơn trong năm 2021 và những năm tiếp theo.

 

Minh Phương

 


Tin liên quan:

Tag:

| Mã Khác

Ý kiến bạn đọc :

<>

Quảng cáo

Về đầu trang